Mới đây, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đã đề xuất phương án tăng thêm ba ngày nghỉ lễ, nâng tổng số ngày nghỉ lễ hằng năm lên 13 ngày/năm.
Theo đề xuất, phương án một là nghỉ thêm ba ngày vào dịp Quốc khánh, dịp này người lao động được nghỉ bốn ngày từ ngày 2 đến 5-9 hằng năm. Phương án hai là nghỉ thêm một ngày vào ngày Gia đình Việt Nam 28-6 và hai ngày thêm vào dịp nghỉ tết dương lịch.
Ngay khi thông tin được công bố đã thu hút sự quan tâm lớn của dư luận, nhiều ý kiến được đưa ra và đa số nhận được sự đồng thuận. BáoPháp Luật TP.HCMxin dẫn lại một số quan điểm của bạn đọc.
Đa số ý kiến đồng thuận có thêm ba ngày nghỉ lễ trong năm.Trong ảnh: Người dân đi du lịch nhân ngày nghỉ lễ. Ảnh: HTD
Không còn bỏ làm để đưa con đi khai giảng
Đã là người lao động thì việc có được thêm ngày nghỉ là rất cần thiết. Vừa có thời gian nghỉ ngơi, vừa có thời gian chăm lo cho gia đình. Tôi là một người thường xuyên phải đi công tác, hai vợ chồng công việc bận bịu suốt ngày, ít có thời gian dành cho con.
Do đó, nếu đề xuất tăng ba ngày nghỉ lễ được thông qua theo phương án một thì rất tốt. Lý do thứ nhất, nếu được nghỉ bốn ngày (từ ngày 2 đến 5-9) thì đây là thời gian trùng với dịp khai giảng nên cha mẹ có nhiều thời gian chuẩn bị dành cho con hơn, tạo động lực cho con trẻ tới trường. Đồng thời cũng giải quyết được vấn đề lâu nay nhiều phụ huynh lén bỏ làm để đưa con đi khai giảng, giả dụ những ngày này có đi làm thì hiệu quả cũng không cao (đi trễ, về sớm).
Lý do thứ hai là nếu đề xuất được thông qua thì đây là đợt nghỉ lễ tương đối dài để các gia đình tính toán đến kế hoạch nghỉ ngơi hay những người xa quê cũng có thêm thời gian để về thăm quê.
Anh Trần Duy Khánh, quản lý của một công ty tại TP.HCM
Tăng thêm ba ngày chưa phải là nhiều
Tổng số ngày nghỉ lễ, tết trong một năm hiện nay của Việt Nam chỉ 10 ngày là quá ít. Trong khi không cần so sánh đâu xa, so với các nước trong khu vực, ví dụ như Campuchia được nghỉ 28 ngày, Brunei là 15 ngày, Indonesia là 16 ngày, Malaysia là 12 ngày, Myanmar là 14 ngày, Philippines là 12 ngày, Singapore là 11 ngày, Thái Lan là 16 ngày. Như thế, nếu tăng thêm ba ngày nghỉ nữa thì 13 ngày/năm cũng là con số hợp lý, chưa phải là quá nhiều.
Mặt khác, hiện nay theo quy định của Bộ luật Lao động thì chỉ duy nhất tết âm lịch là người lao động được nghỉ dài ngày (năm ngày), còn lại những ngày khác đều là những ngày nghỉ đơn lẻ, vì thế muốn sắp xếp kế hoạch nghỉ ngơi để đưa cả gia đình đi chơi đâu đó cũng rất khó.
Bên cạnh đó, việc tăng thêm ngày nghỉ lễ trong năm giúp cho người lao động nghỉ ngơi, tái tạo sức lao động, có thêm thời gian chăm lo gia đình và góp phần kích cầu cho nền kinh tế.
Luật sư Từ Tiến Đạt, Đoàn Luật sư TP.HCM
Chưa chắc năng suất lao động giảm
Nhiều người sử dụng lao động có quan điểm cho rằng hiện nay nước ta đang là nước có năng suất lao động còn thấp trong khu vực, nếu cho người lao động nghỉ nhiều mà vẫn phải trả lương cho những ngày đó thì sẽ khiến doanh nghiệp tăng chi phí. Theo tôi không hẳn là như vậy, vì năng suất lao động ở đây nó nằm ở việc áp dụng khoa học kỹ thuật vào trong sản xuất để tăng năng suất cũng như ý thức của người lao động. Được nghỉ lễ dài thêm để cho người lao động có thời gian tái tạo sức lao động thì hiệu quả công việc sẽ cao hơn.
Mặt khác, không ai đang yên đang lành mà đi chơi, chi tiêu mua sắm mà chỉ khi tới các ngày nghỉ lễ thì nhu cầu đi chơi, du lịch, ăn uống, mua sắm mới tăng cao. Xét về tổng thể sẽ kích thích được nền kinh tế. Nếu ai có nhu cầu đi làm có thể kiếm việc làm thêm và đương nhiên đi làm vào những ngày này thu nhập sẽ cao hơn những ngày thường. Như thế người đi làm vẫn có thể đi làm, người nghỉ thì vẫn nghỉ.
Tuy nhiên, đối với các doanh nghiệp mà cần số lượng người lao động lớn như dệt may, da giày nếu số ngày nghỉ quá dài sẽ bị ảnh hưởng. Đây cũng là bài toán khó cho những doanh nghiệp này, đòi hỏi họ phải cải tiến, thay đổi phương thức sản xuất để tăng năng suất.
Ông Trần Quang Huy, giám đốc một công ty dịch vụ bảo vệ
Sau khi đăng bài “Đề xuất tăng ba ngày nghỉ lễ trong năm”, báo Pháp Luật TP.HCM đã nhận được nhiều bình luận phản hồi khác nhau từ bạn đọc • Theo tôi thêm hai ngày vào dịp 2-9; thêm một ngày vào dịp tết cổ truyền. Tết cổ truyền nghỉ như hiện tại là hơi ít, ai công tác cống hiến xa quê hương mới thấu hiểu được. Năm ngày về mua sắm dọn dẹp, thăm hỏi, nghỉ ngơi rồi trở lại công tác thì hơi ít - Phạm Huy • Thêm ba ngày nghỉ nên sắp xếp như sau: Thêm một ngày vào ngày nghỉ tết âm lịch, một ngày dành cho ngày Thanh minh (ngày chính thức của tháng Thanh minh) và ngày còn lại là ngày 5-9 - Nguyễn Công Thưởng • Rất hay! Nếu được nghỉ sẽ có nhiều thời gian nghỉ ngơi bên gia đình và người thân trong dịp lễ quốc khánh và lễ khai giảng cho các con. Theo tôi, chọn phương án một - Đỗ Thị Quỳnh Giang 10 ngày nghỉ lễ được hưởng nguyên lương hiện nay Tết dương lịch: Một ngày (ngày 1-1 dương lịch). Tết âm lịch: Năm ngày. Ngày Chiến thắng: Một ngày (ngày 30-4 dương lịch). Ngày Quốc tế lao động: Một ngày (ngày 1-5 dương lịch). Ngày Quốc khánh: Một ngày (ngày 2-9 dương lịch). Ngày giỗ tổ Hùng Vương: Một ngày (ngày 10-3 âm lịch). |