Theo dự thảo Luật Việc làm sửa đổi, học sinh, sinh viên (HS-SV) từ 15 tuổi trở lên được làm việc nhưng không quá 20 giờ/tuần trong kỳ học và không quá 48 giờ/tuần trong kỳ nghỉ; và phải thực hiện quy định của pháp luật về lao động (Nguồn: Ý kiến trái chiều về giới hạn giờ làm thêm của học sinh, sinh viên)
Có thể nói, việc quy định giới hạn về số giờ làm thêm của HS-SV không phải là điều mới mẻ trên thế giới vì đã có nhiều quốc gia đã đặt ra quy định này từ lâu nhằm hai mục tiêu là để giữ việc làm cho người bản xứ và để đảm bảo HS-SV có đủ thời gian dành cho việc học tập.
Ở nước ta, việc SV các trường cao đẳng - đại học đi làm thêm là một vấn đề không mới. Tuy nhiên trong những năm gần đây, việc các em SV làm thêm có xu hướng gia tăng về số lượng công việc và số thời gian làm việc. Nhiều bạn vắt sức làm đến hai, ba công việc và thường chỉ trở về nơi ở khi quá nửa khuya.
Có nhiều lý do giải thích cho việc làm thêm, chẳng hạn như các bạn SV cho rằng đi làm thêm thì mình sẽ học thêm được nhiều kỹ năng, thu thập được nhiều kinh nghiệm sống và làm việc cũng như tạo dựng được nhiều mối quan hệ cho dù các công việc làm thêm không liên quan nhiều đến ngành đang học. Bên cạnh đó, do xu hướng tăng học phí liên tục của các trường đại học nên nhiều em phải đi làm thêm để trang trải cuộc sống cho dù có muốn hay không muốn, tức là nhiều em đi làm vì ở trong tình trạng kinh tế khó khăn chứ không phải do thích đi làm thêm.
Một điều không thể phủ nhận đó là việc đi làm thêm sẽ có những tác động đến thành tích học tập của SV và điều này đã được chứng minh qua nhiều nghiên cứu ở các nước trên thế giới. Nếu các bạn SV có động lực, mục tiêu học tập cao, biết sắp xếp hợp lý giữa thời gian làm thêm và việc học thì kết quả học tập là khá tốt. Chẳng hạn, nghiên cứu của Furr và Elling (2000) cho thấy rằng sinh viên làm việc từ 1-15 giờ mỗi tuần có điểm trung bình cao hơn đáng kể so với các sinh viên làm việc 16 giờ trở lên. Đồng thời điểm trung bình của nhóm sinh viên không đi làm thêm cao hơn 0,38 điểm so với nhóm sinh viên có đi làm thêm (nguồn: Furr, S., & Elling, T. (2000). The Influence of Work on College Student Development. NASPA Journal, 37(2).
Như vậy, với những SV làm thêm quá nhiều thì kết quả học tập sẽ bị giảm sút và thời gian kết thúc khóa học sẽ bị kéo dài hơn. Sở dĩ như thế là vì khi làm thêm quá nhiều, các bạn SV đã bị quá tải về mặt thể chất, đặc biệt là đối với những SV phải đi học với khoảng cách xa. Sự mệt mỏi về thể chất rõ ràng là sẽ ảnh hưởng đến khả năng tập trung và tiếp thu trong lúc học.
Làm thêm vì áp lực từ chi phí
Việc làm thêm của SV đôi khi không phải xuất phát từ mong muốn chủ quan của các em mà phần lớn xuất phát từ những sức ép chi phí sinh hoạt cũng như học phí.
Việc quy định thời lượng làm thêm cho SV là điều cần thiết vì thời lượng làm thêm có ảnh hưởng đến thành tích học tập của các em.
Bên cạnh đó, việc làm thêm quá nhiều dĩ nhiên sẽ làm giảm sự tham gia các hoạt động học tập. Hoạt động học tập có rất nhiều trong đó có việc phải đọc thêm sách, tài liệu tham khảo để làm các bài luận trong quá trình học; một hoạt động học tập khác cũng rất quan trọng đó là việc tham gia thực hiện các bài tập, các dự án nghiên cứu của nhóm.
Để có kết quả học tập tốt, các bạn SV còn phải thường xuyên tham gia các sinh hoạt khoa học như các buổi hội thảo, tọa đàm khoa học cũng như tham gia hoạt động nghiên cứu khoa học dành cho SV. Rõ ràng là việc làm thêm quá nhiều đã chiếm hết thời gian của SV nên dĩ nhiên thời gian dành cho các hoạt động học tập bị kéo giảm và điều này chắc chắn có ảnh hưởng tiêu cực đến thành tích học tập của các em.
Tuy nhiên, khi đưa ra những hạn chế về việc làm thêm thì cơ quan quản lý giáo dục và đặc biệt là các trường đại học cũng cần phải có những chính sách hỗ trợ như tạo thuận lợi cho việc vay vốn học tập cũng như tiếp cận các nguồn học bổng. Nếu có những chính sách về việc vay vốn thông thoáng và dễ dàng thì sức ép về việc đi làm thêm để trang trải chi phí của SV sẽ giảm. Từ đó các em có thể yên tâm học tập và làm thêm ở mức vừa phải.