Báo Pháp Luật TP.HCM vừa có bài viết "Nhiều điểm mới trong dự thảo Luật Việc làm sửa đổi. Theo đó, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội đang lấy ý kiến dự thảo Luật việc làm sửa đổi, trong đó lần đầu tiên đề xuất học sinh, sinh viên từ 15 tuổi trở lên được làm việc bán thời gian nhưng không quá 20 giờ mỗi tuần trong kỳ học, không quá 48 giờ một tuần trong kỳ nghỉ. Đồng thời, nhà trường phải có trách nhiệm quản lý việc này.
Vậy các nước quy định sao về chuyện sinh viên làm thêm?
Quy định các nước với chuyện sinh viên làm thêm
Hầu hết các nước chỉ đặt ra giới hạn về thời gian làm thêm đối với du học sinh.
Theo trang web của Bộ An ninh Nội địa Mỹ, để có thể làm việc tại Mỹ, sinh viên quốc tế phải đảm bảo thị thực du học còn thời hạn.
Việc làm thêm dành cho sinh viên ở Mỹ chia làm hai loại: Việc làm trong khuôn viên trường (trợ giảng, quản lý thư viện, trợ lý nghiên cứu,...) và việc làm bên ngoài khuôn viên trường.
Đối với việc làm trong khuôn viên trường, sinh viên được làm tối đa 20 giờ/tuần trong kỳ học và tối đa 40 giờ/tuần trong kỳ nghỉ.
Trong khi đó, làm việc bên ngoài khuôn viên trường được quy định nghiêm ngặt hơn. Cụ thể, để được làm việc bên ngoài, sinh viên quốc tế phải hoàn thành tối thiểu một năm học và có giấy phép rằng công việc muốn làm liên quan đến lĩnh vực học tập hoặc phải chứng minh bản thân gặp khó khăn về kinh tế dựa trên các tiêu chí do Bộ An ninh Nội địa Mỹ quy định.
. Khác với Mỹ, Canada không giới hạn thời gian sinh viên được phép làm việc bên trong khuôn viên trường, theo trang web của chính phủ Canada.
Đối với công việc bên ngoài nhà trường, từ ngày 1-6-2014, Canada không yêu cầu sinh viên phải có giấy phép lao động nhưng quy định thời gian làm việc tối đa là 20 giờ/tuần trong kỳ học và không giới hạn thời gian làm thêm trong kỳ nghỉ.
. Anh, Thái Lan quy định du học sinh chỉ được làm thêm tối đa 20 giờ/tuần.
. Tại Nhật, sinh viên quốc tế phải xin giấy phép từ Cục Di trú để có thể làm thêm. Thời gian làm thêm tối đa đối với sinh viên là 28 giờ/tuần trong kỳ học và tối đa 8 giờ/ngày trong kỳ nghỉ.
Các khoản vay của chính phủ dành cho sinh viên
Ngoài quy định về giờ làm thêm cho sinh viên, các nước cũng có chính sách tín dụng cho sinh viên.
. Chính phủ Mỹ cung cấp cho sinh viên đa dạng các khoản vay và việc vay tiền chính phủ để trang trải việc học là rất phổ biến ở nước này. Theo dữ liệu từ trang EducationData.org, hiện có khoảng 43,2 triệu người ở Mỹ đang sử dụng khoản vay sinh viên.
Có 3 loại khoản vay sinh viên ở Mỹ. Thứ nhất là khoản vay trợ cấp trực tiếp, lên tới 5.500 USD/năm (137 triệu đồng/năm), tùy thuộc vào năm học và điều kiện của sinh viên. Đối với khoản vay này, chính phủ sẽ không thu lãi. Thứ hai là khoản vay không trợ cấp, trong đó sinh viên được vay tối đa 20.500 USD/năm (512 triệu đồng/năm) tùy thuộc vào năm học và phải đóng lãi.
Cuối cùng là khoản vay dành cho sinh viên đủ điều kiện tốt nghiệp hoặc phụ huynh cần vay tiền để đóng học phí cho con. Số tiền được vay theo khoản vay này do nhà trường quy định và lãi suất phải trả cao hơn hai khoản vay còn lại. Ngoài ra, khoản vay thứ ba cũng yêu cầu người vay chứng minh khả năng trả nợ trước khi vay.
Khoản vay sinh viên của chính phủ Mỹ cung cấp cho sinh viên Mỹ và thường trú nhân Mỹ, chỉ cấp cho người nước ngoài trong các trường hợp: người tị nạn, nạn nhân của nạn buôn người,...
. Canada cung cấp khoản vay sinh viên cho công dân và thường trú nhân Canada. Để đủ điều kiện vay, sinh viên hệ chính quy phải đăng ký học ít nhất 60% thời lượng chương trình học và sinh viên hệ vừa học vừa làm phải đăng ký ít nhất 20% thời lượng chương trình học.
Ngoài ra, sinh viên đã vay phải duy trì điểm số đạt yêu cầu mới được tiếp tục vay.
. Trang web của chính phủ Anh cho biết Anh cung cấp khoản vay sinh viên cho công dân Anh, Ireland hoặc thường trú nhân Anh.
Công dân nước ngoài có thể đăng ký khoản vay sinh viên tại Anh trong các trường hợp: là người tị nạn; người không quốc tịch; đến Anh theo các chương trình định cư… Ngoài ra, công dân nước ngoài dưới 18 tuổi và đã sống ở Anh ít nhất 7 năm hoặc trên 18 tuổi đã sống ở Anh ít nhất 20 năm cũng được phép vay vốn sinh viên.
Tuy nhiên, việc vay vốn còn phụ thuộc vào trường học và chương trình học của sinh viên có thuộc diện được cho vay hay không. Bên cạnh đó, sinh viên cũng phải đảm bảo thời lượng tham gia khóa học để đủ điều kiện nhận hỗ trợ tài chính.
. Khoản vay sinh viên của chính phủ Thái Lan chỉ dành cho công dân Thái Lan với số tiền từ 60.000 - 70,000 Baht/năm (từ 41 - 47 triệu đồng/năm). Điều kiện để được vay vốn là sinh viên phải đạt điểm trung bình các môn học (GPA) từ 2.0 trở lên theo thang điểm 4.0 và thu nhập của phụ huynh không quá 360.000 Baht/năm (245 triệu đồng/năm), theo thông tin đăng trên trang web của ĐH Mahidol (thủ đô Bangkok, Thái Lan)..
Bài toán làm thêm, đáp án nào là hợp lý?
Đề xuất hạn chế giờ làm thêm của sinh viên là hợp lý, nhưng tiền lương trả cho sinh viên chưa hợp lý. Giới hạn giờ làm việc của sinh viên là hoàn toàn đúng nhưng không phải bây giờ.
Là một du học sinh tại Đài Loan, dưới góc nhìn của tôi, khi du học đến Đài Loan để học tập, thì việc làm thêm của du học sinh có thể mang lại nhiều lợi ích quan trọng, không chỉ là nguồn thu nhập bổ sung mà còn giúp tôi phát triển kỹ năng và kinh nghiệm quý báu. Có thể nói các bạn HS-SV tại Việt Nam cũng có thể giống suy nghĩ như tôi.
Tại Đài Loan để được đi làm thêm ngoài giờ, bạn cần xin giấy phép lao động mới được phép làm thêm hợp lệ. Sau khi có giấy phép, bạn vẫn chưa được phép làm thêm ngay. Bạn cần học ít nhất một học kỳ đối với chương trình Đại học, Thạc sỹ hoặc Tiến sỹ.
Theo định mức giờ tối đa làm thêm của tôi là 20 giờ/tuần, còn nếu trong kỳ nghĩ thì 40 giờ/tuần. Trung bình một giờ thì khoảng 180 Đài tệ quy đổi ra khoảng 150.000 đồng tiền Việt. Trung bình mỗi tháng tôi kiếm được khoảng 10 triệu đồng từ việc làm thêm. Tại Việt Nam ra quy định giờ làm như vậy tôi thấy cũng hợp lý, nhưng tiền lương trả cho SV thì hơi thấp. Giới hạn giờ làm việc của SV là hoàn toàn đúng nhưng không phải bây giờ.
Còn việc quản lý giờ làm của SV thì tôi thấy không hợp lý cho lắm. Bởi vì quy định quản lý giờ làm thêm của HS-SV là sẽ hoàn toàn không khả thi trong thực tế. Nếu ở nước Đài Loan sẽ có một số quy định nhất định, ở nước ta với hệ thống quản lý còn thiếu chặt chẽ thì việc quy định này chỉ làm xuất hiện thêm một quy định xa rời thực tế như quy định cấm hút thuốc lá nơi công cộng.
Có thể thấy giờ làm việc của SV đến từ các quốc gia châu Âu, Châu Mỹ họ quy định số giờ làm thêm của SV nội địa khác nhau và đa số không có mức hạn chế, luật hay quy định áp dụng trên toàn quốc về số giờ làm thêm của SV, nhưng sẽ có luật áp dụng quản lý giờ làm với du học sinh.
Nhưng cũng có nhiều nước đưa ra quy định hạn chế du học sinh làm việc nhằm đảm bảo cho du học sinh không lơ là trong việc học và đảm bảo chất lượng nền giáo dục của nước sở tại. Nếu du học sinh làm thêm quá số giờ quy định cũng có thể ảnh hưởng đến cơ hội việc làm của người dân hay SV của nước đó.
Cũng không thể phủ nhận đề xuất trên đưa ra nhằm mục đích tốt cho SV, tránh tình trạng SV ham làm mà bỏ bê việc học, nhưng mỗi người có một hoàn cảnh khác nhau, nên đề xuất này tôi thấy có thể áp dụng nhưng cần tính toán kỹ.
PHẠM TUYỀN