Mời bạn đọc xem thêm các bài viết tại Diễn đàn Hạn chế giờ làm thêm của sinh viên:
. Tranh cãi quanh đề xuất hạn chế giờ làm thêm của sinh viên
. Chuyện sinh viên làm thêm ở các nước và các khoản vay
. Sinh viên không làm quá 20 giờ/tuần: Học phí tăng nhưng giảm giờ làm
PLO tiếp tục giới thiệu ý kiến của bạn đọc xung quanh vấn đề này:
Dự thảo Luật Việc làm (sửa đổi) có quy định học sinh, sinh viên đủ độ tuổi lao động theo quy định pháp luật được làm việc nhưng không quá 20 giờ trong 1 tuần trong kỳ học và không quá 48 giờ trong 1 tuần trong kỳ nghỉ và phải thực hiện quy định của pháp luật về lao động. Cơ sở giáo dục phổ thông, cơ sở giáo dục đại học, cơ sở giáo dục nghề nghiệp và cơ sở tham gia hoạt động giáo dục nghề nghiệp có trách nhiệm quản lý học sinh, sinh viên làm việc bán thời gian.
Theo tôi quy định này không khả thi.
Quản lý giờ làm thêm của sinh viên, khó thực hiện
Sinh viên đa số là những người đủ 18 tuổi. Do đó, họ đủ tuổi giao kết hợp đồng lao động và được làm việc theo đúng thời giờ làm việc quy định trong Bộ Luật Lao động (thời giờ làm việc bình thường không quá 08 giờ trong 01 ngày và không quá 48 giờ trong 01 tuần). Về làm việc bán thời gian, Bộ Luật Lao động có quy định người lao động làm việc không trọn thời gian là người lao động có thời gian làm việc ngắn hơn so với thời gian làm việc bình thường theo ngày hoặc theo tuần hoặc theo tháng được quy định trong pháp luật về lao động, thỏa ước lao động tập thể hoặc nội quy lao động. Người lao động thỏa thuận với người sử dụng lao động làm việc không trọn thời gian khi giao kết hợp đồng lao động. Vậy lấy cơ sở nào để giới hạn thời gian làm thêm của sinh viên?
Thực tế, nhiều sinh viên phải tự bươn chải kiếm sống, phải làm thêm nhiều việc mới đủ tiền ăn, đóng học phí, thuê nhà trọ,…Trong khi lương trả cho sinh viên làm thêm thường rất thấp. Nếu quy định khắt khe về thời gian làm thì nguy cơ các em sẽ phải bỏ học giữa chừng. Còn nếu không, các em sẽ phải tìm cách “lách luật”. Liệu quy định đặt ra có đảm bảo quyền lợi cho sinh viên hay lại gây khó, hình thành sự dối trá cho các em?
Nhiều sinh viên phải tự bươn chải kiếm sống, phải làm thêm nhiều việc mới đủ tiền ăn, đóng học phí, thuê nhà trọ,...Ảnh: NC
Nhà trường không thể quản lý việc sinh viên làm thêm
Hiện nay, các trường đại học đánh giá, quản lý sinh viên chủ yếu qua kết quả, thành tích học tập. Có chăng việc quản lý giờ lên lớp của các em bằng cách điểm danh đầu giờ và tính vào điểm chuyên cần. Tuy nhiên, một học sinh đi học chăm chỉ không vắng buổi nào nhưng kết quả cuối cùng không đạt thì vẫn bị rớt môn. Ngược lại có nhiều bạn chỉ xuất hiện trên lớp vào những dịp cần thiết nhưng điểm thi vẫn cao chót vót thì vẫn được đánh giá cao. Vậy việc bắt sinh viên chỉ ngồi ỳ trên ghế nhà trường như thời tiểu học thì có thực sự cần thiết?
Nếu quản lý trên hệ thống kiểu bắt sinh viên chủ động khai báo những công việc, thời gian mình đang làm để nhà trường nắm thì độ trung thực sẽ đạt bao nhiêu phần trăm? Khi các em đã trưởng thành thì cha mẹ còn khó trong việc quản lý giờ giấc của các con chứ nói gì đến nhà trường. Việc khai báo thông tin như vậy có giúp kết quả học tập của các em cải thiện hơn không?
Thay vì yêu cầu nhà trường phải nghĩ cách quản lý giờ làm thêm của sinh viên, thiết nghĩ nhà nước nên khuyến khích các trường đại học, cao đẳng, trường dạy nghề cải tiến trong cách giảng dạy để các em có hứng thú hơn trong các giờ học. Nhà trường nên khuyến khích sinh viên tham gia nhiều hoạt động của đoàn thể, hoạt động xã hội,… thì các em sẽ ý thức hơn về việc học, cũng là một cách giúp các em hoàn thiện thêm nhiều kỹ năng cần thiết.
Tôi xin dẫn chứng về trường hợp của bản thân. Học kỳ 2 của năm thứ tư đại học tôi may mắn được công ty nhận vào làm việc toàn thời gian. Lúc đầu tôi khá lo lắng vì sợ ảnh hưởng đến việc học và kết quả thi tốt nghiệp. Tuy nhiên, vì không muốn đánh mất cơ hội làm việc nên buộc tôi phải nỗ lực hơn. Nếu như lúc trước, ngoài thời gian đi học thì tôi đi chơi, tán gẫu với bạn bè và ngủ. Từ khi đi làm, tôi sử dụng thời gian một cách ý nghĩa hơn, tôi ít la cà hàng quán, bỏ hẳn việc ngủ nướng hay thức khuya buôn chuyện. Cuối cùng tôi vẫn hoàn thành học kỳ 2 và đạt điểm thi tốt nghiệp như mong đợi.
Việc quản lý thời gian làm thêm của học sinh sinh viên là cần thiết nhưng phải căn cứ vào tình hình thực tế; không nên để tình trạng luật quy định nhưng không thể áp dụng trên thực tiễn.