Bạn đọc nêu quan điểm vụ đào cây gỗ lạ sau đó bị xử phạt

(PLO)- Việc ông Lê Quang Nam bị xử phạt sau khi đào được cây gỗ lạ nhận được nhiều sự quan tâm từ phía bạn đọc.

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nam miền Nam

Như PLO đã đưa tin, ngày 23-3-2022, khi đang cải tạo ruộng cho nhà ông A Khái, ông Lê Quang Nam (44 tuổi, ngụ tại thị trấn Sa Thầy, huyện Sa Thầy, Kon Tum) phát hiện một cây gỗ lạ nằm sâu dưới lớp bùn khoảng 6 mét và thỏa thuận với ông Khái đào cây gỗ lên. Ông Khái sau đó có xin phép UBND xã Sa Sơn.

UBND xã Sa Sơn đề nghị ông Nam trục vớt xong thì báo cáo UBND xã biết để cử lực lượng xuống kiểm tra và báo cáo cấp có thẩm quyền giải quyết; nghiêm cấm buôn bán, trao đổi thương mại số gỗ này. Công an huyện Sa Thầy cũng đến lập biên bản, yêu cầu không được chuyển gỗ đi nơi khác.

Tuy nhiên, sau khi đào được cây gỗ, chờ hơn một tháng không thấy hướng dẫn từ cơ quan chức năng nên ông Nam đưa số gỗ này về xưởng để gia công. Sau đó, Công an huyện Sa Thầy lập biên bản, tạm giữ số gỗ này; đồng thời ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính 4 triệu đồng về hành vi chiếm giữ tài sản của người khác.

Câu chuyện “trớ trêu” trên đã nhận được nhiều sự quan tâm từ phía bạn đọc.

Cây gỗ lạ.jpeg
Thời điểm cây gỗ vừa được ông Nam trục vớt. Ảnh: QN

Trách nhiệm của cơ quan chức năng đến đâu?

Một số bạn đọc cho rằng, nguyên nhân xảy ra câu chuyện này một phần do sự thiếu trách nhiệm của cơ quan chức năng, người dân cũng không hoàn toàn hiểu hết luật.

“Rõ ràng cơ quan chức năng làm việc còn chậm để người dân chờ lâu, việc này cần phải xem lại. Về phía ông Nam trước đó cũng đã có trách nhiệm thông báo UBND xã. Cơ quan chức năng đã không tính đến cái tình sao cho hợp lý. Người dân có thể họ không hiểu biết nhiều về pháp luật…” - bạn đọc Had Vui.

“Bỏ ra 90 triệu để trục vớt, đã không được thưởng lại còn bị phạt. Thật vô lý! Bởi theo quy định, trường hợp tổ chức, cá nhân phát hiện hoặc tìm thấy tài sản bị chôn, giấu, bị vùi lấp, chìm đắm mà không thông báo, không giao nộp cho cơ quan, người có thẩm quyền theo quy định thì không được thưởng… đằng này ông ấy đã báo cáo rồi. Chỉ là ông ấy chờ lâu nên mới tự ý cưa xẻ cây gỗ để làm đồ gia dụng. Chúng ta cần phải làm rõ vấn đề này, thưởng cho ra thưởng, phạt cho ra phạt” - bạn đọc Tuấn Hoàng.

"UBND xã ở đây cũng phải có trách nhiệm, phải có hướng dẫn cho người dân, không phải đến tận hơn một tháng, khi người dân tự ý cưa xẻ UBND xã mới có động thái xử phạt” - bạn đọc Thái Công nêu quan điểm.

Trong khi đó, bạn đọc Loinhantucuocsong lại có quan điểm khác: "Quan điểm của mình là chính quyền làm đúng luật. Trục vớt gỗ lên, mang đi cưa xẻ thì không những không thưởng mà còn phải phạt để răn đe. Hiện nay, nhiều xưởng gỗ ở gần sông cưa xẻ tấp nập nhưng không thấy cây gỗ nào được chở đến bằng đường bộ hoặc đường thuỷ. Được biết, có khả năng các cơ sở chế biến gỗ hạ nguồn có mối liên hệ với lâm tặc đầu nguồn, nhấn chìm gỗ thả sông để qua mặt cơ quan chức năng. Có thể cơ quan chức năng nghi ngờ nhưng không có bằng chứng nên mới xử lý như vậy".

IMG_8007.jpeg
Cây gỗ hiện đã được đấu giá thành công. Ảnh: LK

Nên có hướng dẫn trong trường hợp tương tự

Một số bạn đọc cho rằng việc Công an huyện Sa Thầy ra quyết định xử phạt ông Nam về hành vi “chiếm giữ tài sản của người khác” theo điểm đ khoản 2 Điều 15 Nghị định 144/2021 là không phù hợp. Bởi, thời điểm xử phạt, cây gỗ không xác định được là tài sản hợp pháp của bất kỳ ai.

“Tài sản chưa xác định được của ai vì sao lại xử phạt lỗi chiếm giữ tài sản của người khác. Xin hỏi, người khác ở đây là ai?” - bạn đọc Nguyễn Thanh Nghị.

“Ông Nam đã tạm giữ tài sản của ai khi nào? Ông Nam chỉ đang tạm thời quản lý dưới sự cho phép của UBND xã, đã có biên bản làm việc. Như vậy, hành vi mà công an đưa ra để xử phạt ông Nam có hoàn toàn chính xác hay không?” - bạn đọc Ngọc Sơn.

“Ông Nam có hành vi tự ý cưa xẻ gỗ làm đồ gia dụng là không đúng quy định pháp luật. Tuy nhiên, nên suy xét tất cả các tình tiết vì pháp luật cũng có tình tiết giảm nhẹ, ông ấy đã báo cáo với cơ quan chức năng chứ không hề chiếm giữ làm của riêng” - bạn đọc Nguyễn Thị Mỹ Trân.

Bạn đọc Huỳnh Mi bày tỏ: "Giới tri thức chưa chắc đã nắm hết luật, đằng này dân lao động làm sao biết hết. Vì vậy, cơ quan chức năng cần phải có hướng dẫn cụ thể với những trường hợp tương tự hoặc những trường hợp khác để người dân không vô tình mà phạm luật" -

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm