3 câu hỏi quanh vụ 'trục vớt cây gỗ lạ' nhưng không được thưởng ở Kon Tum

(PLO)- Giảng viên khoa Luật Dân sự, Trường Đại học Luật TP.HCM chia sẻ góc nhìn về vụ "trục vớt cây gỗ lạ" ở huyện Sa Thầy, tỉnh Kon Tum.

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Như PLO đã đưa tin, cơ quan chức năng huyện Sa Thầy, tỉnh Kon Tum đã đấu giá thành công cây gỗ lạ được trục vớt trong lòng đất” tại xã Sa Sơn, huyện Sa Thầy sau bốn lần đấu giá bất thành. Ông Lê Quang Nam không được thưởng theo giá trị tài sản tìm thấy.

Đây là kết quả gây nhiều tranh cãi về việc tại sao ông Nam tìm thấy nhưng không được thưởng.

Pháp Luật TP.HCM tiếp tục giới thiệu thêm một góc nhìn khác của ThS Đặng Thái Bình, khoa Luật Dân sự, Đại học Luật TP.HCM, về vụ việc này.

Căn cứ pháp luật của Công an huyện áp dụng có phù hợp?

Theo thông tin từ Công an huyện Sa Thầy thì ông Nam không được hưởng phần giá trị tài sản tìm thấy là do ông Nam rơi vào trường hợp quy định tại điểm c, khoản 6, điều 30 Nghị định 29/2018.

Điều luật này quy định trường hợp tổ chức, cá nhân phát hiện hoặc tìm thấy tài sản bị chôn, giấu, bị vùi lấp, chìm đắm mà không thông báo, không giao nộp cho cơ quan, người có thẩm quyền theo quy định thì không được thưởng, không được thưởng theo giá trị tài sản tìm thấy và bị xử lý hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của pháp luật.

cây gỗ lạ
Gần 4m3 gỗ tại thời điểm mới trục vớt lên. Ảnh: QN

Trong vụ việc này, ông Nam đã hoàn thành trách nhiệm thông báo của mình tới UBND xã nhưng vẫn giữ lại khúc gỗ và “không giao nộp cho cơ quan, người có thẩm quyền”. Ở đây, có hai vấn đề cần xem xét:

Thứ nhất, về thời gian ban hành quyết định là 1 năm: Về trình tự, thủ tục xác lập quyền sở hữu toàn dân đối với tài sản theo quy định tại Nghị định 29/2018 thì ngoài điều kiện về mặt hồ sơ, điều kiện về mặt thời hạn cũng cần được lưu ý.

Theo đó, tại Điều 10 của Nghị định này có ghi nhận trong thời hạn 07 ngày làm việc, kể từ ngày hoàn thành thủ tục xác định chủ sở hữu thì Sở Tài chính có trách nhiệm lập hồ sơ trình cơ quan có thẩm quyền để ban hành quyết định và trong thời hạn 07 ngày thì cơ quan này có trách nhiệm ban hành Quyết định xác lập quyền sở hữu toàn dân về tài sản. Cũng cần lưu ý rằng thời hạn này bắt đầu tính từ “ngày hoàn thành thủ tục xác định chủ sở hữu”.

Do đó, cho dù sau gần một năm UBND tỉnh Kon Tum mới có quyết định xác định đây là tài sản toàn dân thì cũng không thể xem là lỗi của cơ quan nhà nước có thẩm quyền vì hiện nay chưa có quy định cụ thể về thời hạn tối đa để xác định chủ sở hữu trong trường hợp này.

Thứ hai, việc ông Nam tự ý cưa xẻ và rao bán khúc gỗ có rơi vào điểm c khoản 6 Điều 30 của Nghị định không: Căn cứ theo khoản 1 Điều 25 Nghị định 29/2018 thì tổ chức, cá nhân ngẫu nhiên tìm thấy tài sản bị chôn, giấu, bị vùi lấp, chìm đắm hoặc tổ chức, cá nhân khai quật, trục vớt tài sản sản này phải có trách nhiệm quản lý tài sản được tìm thấy và bàn giao cho cơ quan nhà nước.

Như vậy, ông Nam phải bảo quản và quản lý khúc gỗ trong thời gian chờ ra quyết định hoặc nếu ông Nam không thể tiếp tục quản lý thì phải thông báo và bàn giao lại cho cơ quan có thẩm quyền để tiếp tục quản lý, bảo quản. Việc ông Nam tự ý cưa xẻ và rao bán theo tôi là đã không làm đúng quy định này và ông Nam sẽ không được hưởng phần tài sản được tìm thấy.

Bỏ 90 triệu ra đào gỗ lên có được bồi hoàn?

Căn cứ theo quy định tại khoản 2 Điều 229 BLDS năm 2015 thì việc xử lý quyền sở hữu đối với tài sản bị chôn, giấu, bị vùi lấp, chìm đắm được tìm thấy được diễn ra sau khi trừ đi chi phí tìm kiếm, bảo quản tài sản đó. Khoản 3 Điều 29 Nghị định 29/2018 cũng liệt kê các khoản chi liên quan đến thăm dò, khai quật, trục vớt tài sản bị chôn giấu, bị vùi lấp, chìm đắm.

Trong trường hợp này, theo đúng trình tự, thủ tục được ghi nhận trong Nghị định 29/2018 thì cơ quan tiếp nhận thông tin có trách nhiệm phải báo cáo cho các cơ quan liên quan để ra quyết định lập phương án thăm dò, phương án khai quật, trục vớt tài sản. Sau khi đã có phương án thì căn cứ theo Điều 24 của Nghị định thì bước tiếp theo sẽ là tiến hành tổ chức thăm dò, khai quật, trục vớt tài sản. Cụ thể cá nhân, tổ chức có đủ các điều kiện và có quyết định của cơ quan, người có thẩm quyền thì có thể tiến hành thăm dò, khai quật, trục vớt tài sản.

Nếu thực hiện đúng trình tự, thủ tục thì theo điểm a khoản 3 Điều 29 Nghị định 29/2018 thì các khoản chi này sẽ được cơ quan, người có thẩm quyền phê duyệt phương án khai quật, trục vớt tài sản bị chôn giấu, bị vùi lấp, chìm đắm quyết định việc thanh toán bằng hiện vật.

Trong vụ việc này, ông Nam đã thực hiện đúng như hướng dẫn từ phía Công an xã và UBND xã về việc xin phép cũng như thông báo sau khi đào xong, có căn cứ cho rằng cơ quan có thẩm quyền đã xác nhận phương án khai quật, trục vớt tài sản và giao cho ông Nam thực hiện. Trong trường hợp này, theo tôi phía cơ quan cần xác định mức chi phí khai quật, trục vớt tài sản hợp lý theo phương án và thanh toán lại cho ông Nam.

Xử phạt hành chính về hành vi “chiếm giữ tài sản của người khác” có thoả đáng?

Hành vi “chiếm giữ tài sản của người khác” được hiểu là việc một người cố tình không trả lại cho chủ sở hữu, người quản lý hợp pháp hoặc không giao nộp cho cơ quan có trách nhiệm tài sản do mình tìm được, bắt được, sau khi chủ sở hữu, người quản lý hợp pháp hoặc cơ quan có trách nhiệm yêu cầu được nhận lại tài sản (Điều 176 Bộ luật Hình sư 2015, sửa đổi bổ sung 2017). Tùy theo mức độ vi phạm mà hành vi này có thể bị phạt hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự.

Điểm đ khoản 2 Điều 15 Nghị định 144/2021 thì hành vi sử dụng, mua, bán, thế chấp, cầm cố trái phép hoặc chiếm giữ tài sản của người khác thì có thể bị phạt tiền từ 3-5 triệu đồng.

Như đã phân tích ở trên, trong trường hợp này ông Nam thực hiện đúng thủ tục thông báo nhưng lại không giao nộp tài sản và sau đó tự ý cưa xẻ, rao bán là không làm đúng trách nhiệm của người phát hiện ra tài sản bị chôn, giấu, vùi lấp, chìm đắm.

Ngoài ra, cho dù trong khoảng thời gian 1 năm chờ cơ quan có thẩm xác định quyền sở hữu đối với tài sản thì tuy thời điểm này chưa xác định được chủ sở hữu nhưng ông Nam cũng không được phép tự ý định đoạt tài sản không thuộc sở hữu của mình mà chỉ có trách nhiệm bảo quản, quản lý tài sản.

Tuy nhiên, tôi cho rằng để xác định hành vi “chiếm giữ tài sản của người khác” thì một yếu tố quan trọng để cân nhắc là hành vi đó phải “cố ý”, trong vụ việc này, cần xem xét lại việc ông Nam đã được hướng dẫn cụ thể các trình tự, thủ tục từ phía cơ quan nhà nước có thẩm quyền hay chưa.

Nếu ông đã được hướng dẫn mà vẫn tự ý cưa xẻ, rao bán khúc gỗ thì đây là hành vi cố ý và quyết định xử phạt nói trên là hợp tình, hợp lý. Trong trường hợp chưa được hướng dẫn hoặc hướng dẫn không cụ thể thì có thể cân nhắc hành vi của ông Nam là vô ý do chưa hiểu rõ các trình tự, thủ tục theo quy định của pháp luật và chưa đủ yếu tố để cấu thành hành vi chiếm giữ tài sản của người khác.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm