Vụ vớt 'cây gỗ lạ' ở Kon Tum: Đấu giá thành công nhưng người vớt không được thưởng

(PLO)- Sau bốn lần đấu giá không ai tham gia, UBND huyện Sa Thầy quyết định điều chỉnh, giảm giá bán đấu giá và bán thành công "cây gỗ lạ" 20 triệu đồng.

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Ngày 22-10, trao đổi với PLO, bà Đỗ Thị Thùy, Phó Trưởng phòng Tài chính Kế hoạch huyện Sa Thầy, tỉnh Kon Tum, cho biết đã đấu giá thành công “cây gỗ lạ được trục vớt trong lòng đất” tại xã Sa Sơn, huyện Sa Thầy sau bốn lần đấu giá bất thành.

Đơn vị trúng đấu giá là Công ty TNHH MTV Thạch Anh Phú (thị trấn Sa Thầy, huyện Sa Thầy). Khối lượng gỗ đấu giá 4,289 m3, loại gỗ phay nhóm VI, với sáu tấm bìa gỗ đã mục nát có giá khởi điểm và trúng là hơn 20 triệu đồng.

Bán thành công nhờ “đấu giá kèm”

Như PLO đã nhiều lần thông tin, “cây gỗ lạ” nói trên được ông Lê Quang Nam (47 tuổi, ngụ thị trấn Sa Thầy) trục vớt dưới lòng đất hồi tháng 3-2022. Sau đó, ông Nam bị Công an huyện Sa Thầy lập biên bản, xử phạt 4 triệu đồng do có hành vi “chiếm giữ tài sản của người khác”. Tuy nhiên, gần một năm sau, UBND tỉnh Kon Tum mới có quyết định xác lập quyền sở hữu toàn dân.

Đấu giá thành công cây gỗ lạ ở huyện Sa Thầy, Kon Tum
"Cây gỗ lạ" được đấu giá thành công với giá 20 triệu đồng. Ảnh: LK.

Bà Thùy cho biết, số gỗ trên được đấu giá “trọn gói” cùng lô với lô tang vật, gồm: hơn 147 m3 gỗ (nhóm III đến nhóm VIII), hai xe mô tô, một máy cưa xăng, bốn chiếc điện thoại di động, một máy tính laptop cũ, tổng giá khởi điểm 512 triệu đồng và giá trúng 520 triệu đồng. Riêng, 4,3 m3 gỗ phay trục vớt dưới lòng đất có giá 20 triệu đồng.

“Đây là lần thứ năm, “cây gỗ lạ” này được đưa ra đấu giá và đã đấu giá thành công. Trước đó, số gỗ này được đấu giá với giá khởi điểm là 50 triệu đồng nhưng không có đơn vị, cá nhân nào tham gia. Để bảo quản số gỗ này, phòng đã mua bạt che phủ, thuốc chống mối, vôi bảo vệ”, bà Dung nói.

Vot-go-la-sa-thay-dau-gia-2.jpg
Cây gỗ lạ được trục vớt đã mục nát rất nhiều. Ảnh: LK.

Cũng theo bà Dung, do nhiều lần đấu giá bất thành, UBND huyện Sa Thầy quyết định phê duyệt phương án xử lý tài sản bị vùi lấp. Cụ thể, điều chỉnh lô tài sản có giá từ 50 triệu đồng xuống còn hơn 20 triệu đồng, do Công ty CP Tư vấn Đầu tư và Thẩm định giá Sao Việt thẩm định.

Lý do điều chỉnh: “Do sau khi vớt lên dưới tác động của thời tiết, gỗ bị mục nát, hư hỏng dẫn đến giảm sút chất lượng, giá trị gỗ”.

Người vớt “cây gỗ lạ” không được thưởng

Đối với “cây gỗ lạ” nói trên, dư luận cũng như cá nhân ông Lê Quang Nam (người phát hiện, trục vớt gỗ - ngụ thị trấn Sa Thầy, huyện Sa Thầy) rất quan tâm có được hỗ trợ chi phí từ tài sản được tìm thấy và được xác lập quyền sở hữu toàn dân?

Trao đổi với PLO, Trung tá Nguyễn Đình Minh, Công an huyện Sa Thầy, cho biết căn cứ điểm c, khoản 6, điều 30 Nghị định 29/2018/NĐ-CP thì ông Lê Quang Nam không được thưởng theo giá trị tài sản tìm thấy.

Cụ thể, ông Nam chỉ được thưởng khi phát hiện và giao nộp tài sản cho cơ quan có thẩm quyền, theo quy định tại điểm a khoản 6 Điều 30 Nghị định 29/2018 của Chính phủ. Tuy nhiên, ông Nam đã cố tình chiếm giữ tài sản; tự ý cưa xẻ và rao bán nên không được thưởng.

Go-truc-vot-duoi-long-dat-o-Sa-Thay- 3...5.jpg
"Cây gỗ lạ' thời điểm mới trục vớt lên. Ảnh: QN.

Ngoài ra, giá trị của số gỗ (định giá ban đầu hơn 68 triệu đồng) lớn hơn 10 lần mức lương cơ sở do Nhà nước quy định là 14,9 triệu đồng nên không thuộc sở hữu của người tìm thấy mà thuộc sở hữu toàn dân do Nhà nước đại diện chủ sở hữu.

Đối với nội dung Công an huyện Sa Thầy ra quyết định xử phạt 4 triệu đồng đối với ông Lê Quang Nam do có hành vi “chiếm giữ tài sản của người khác”, Trung tá Minh khẳng định là đúng và hoàn toàn chịu trách nhiệm với quyết định này.

Vấn đề này, VKSND, TAND huyện đã nghiên cứu và cho ý kiến về việc xử phạt vi phạm hành chính đối với ông Nam là có căn cứ, đúng theo quy định của pháp luật.

Người trục vớt gỗ chờ hỗ trợ chi phí

Ngày 22-10, ông Lê Quang Nam, ngụ thị trấn Sa Thầy, cho biết ông vẫn chưa nhận được thông báo về kết quả đấu giá cây gỗ khô do ông trục vớt.

“Hiện tại, gia đình chỉ muốn cơ quan chức năng có câu trả lời chính xác về vụ việc cơ quan công an ra quyết định xử phạt hành chính có đúng hay không và có xem xét hỗ trợ chi phí do ông đã bỏ hơn 90 triệu đồng để trục vớt cây gỗ”, ông Nam nói.

Như PLO phản ánh, ngày 23-3-2022, khi đang cải tạo ruộng cho nhà ông A Khái, ông Nam phát hiện một cây gỗ nằm sâu dưới lớp bùn khoảng 6 mét và thỏa thuận với ông Khái đào cây gỗ lên, đồng thời có văn bản xin phép UBND xã Sa Sơn.

UBND xã Sa Sơn đề nghị ông Nam trục vớt xong thì báo cáo UBND xã biết để cử lực lượng xuống kiểm tra và báo cáo cấp có thẩm quyền giải quyết; nghiêm cấm buôn bán, trao đổi thương mại số gỗ này. Công an huyện Sa Thầy cũng đến lập biên bản, yêu cầu không được chuyển gỗ đi nơi khác.

Tuy nhiên, sau khi đào được cây gỗ, chờ lâu không thấy hướng dẫn từ cơ quan chức năng nên ông Nam đưa số gỗ này về xưởng để gia công. Sau đó, Công an huyện Sa Thầy lập biên bản, tạm giữ số gỗ này; đồng thời ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính 4 triệu đồng về hành vi chiếm giữ tài sản của người khác.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm