Báo Pháp Luật TP.HCM vừa đăng tải bài viết: “Đề xuất miễn học phí cho con giáo viên: ‘Tôi không đồng tình’” đưa tin về việc Bộ GD&ĐT - cơ quan chủ trì soạn thảo dự thảo Luật Nhà giáo, đề xuất miễn học phí cho con đẻ và con nuôi hợp pháp của nhà giáo đang trong thời gian công tác.
Tuy nhiên, nhiều nhà giáo không đồng tình đề xuất miễn học phí cho con giáo viên. Bởi nghề giáo không nên có đặc quyền, đặc lợi, hãy bình đẳng như các nghề.
Thông tin trên cũng nhận về nhiều sự quan tâm của bạn đọc. Nhiều ý kiến cho rằng, việc miễn học phí cho con giáo viên tạo ra sự bất bình đẳng trong xã hội. Tuy nhiên một số ý kiến đồng tình nhưng nên áp dụng đối với các giáo viên công tác vùng sâu vùng xa.
Chỉ áp dụng với giáo viên công tác vùng sâu vùng xa
“Tôi ủng hộ đề xuất miễn học phí cho con giáo viên, tuy nhiên chỉ nên áp dụng đối với các giáo viên hiện đang công tác tại vùng khó khăn như vùng núi và hải đảo thì hợp lý hơn. Đây cũng là sự chia sẻ, động viên kịp thời của Nhà nước dành cho các nhà giáo đã hy sinh cao cả cho nền giáo dục Việt Nam” – bạn đọc Hoàng Diệp.
“Nếu “giảm” có vẻ hợp lý hơn, còn “miễn” thì không nên vì gây bức xúc cho phụ huynh ở ngành nghề khác. Lương giáo viên hiện cũng cao hơn trước, thậm chí cao hơn rất nhiều so với công nhân, nông dân. Nếu miễn, giảm học phí cho con giáo viên thì nên xem xét các giáo viên có hoàn cảnh khó khăn, gia đình công tác ở vùng sâu vùng xa... chứ không nên cào bằng” – bạn đọc Anh Vũ.
“Đứa trẻ nào cũng là mầm non của đất nước, nếu miễn phí thì hãy miễn phí hết còn không thì thôi. Ngành nghề nào cũng đóng góp cho đất nước, cũng có đặc thù riêng và vất vả như nhau. Nếu mình động viên các thầy cô giáo bằng cách miễn học phí cho con cái họ thì phụ huynh làm các ngành nghề khác cũng chạnh lòng, tôi nghĩ không nên” – bạn đọc Thanh Nhàn.
Cần bình đẳng!
Bạn đọc Vũ Lân, làm nghề giáo viên chia sẻ: “Cả gia đình chúng tôi nhiều thế hệ là giáo viên nhưng thấy không nên đề xuất như vậy. Đã miễn giảm thì miễn cho tất cả con em, mọi nhà đều như nhau. Đã đi học thì phải có trách nhiệm, nghĩa vụ đóng góp đầy đủ theo quy định nhà nước. Nếu muốn ưu ái, động viên giáo viên thì có thể xem xét các đãi ngộ khác như đào tạo nâng cao nghiệp vụ giáo viên, đầu tư trang thiết bị,... để phục vụ mục đích chung”.
“Pháp luật quy định nguyên tắc bình đẳng cho tất cả công dân. Điều này có nghĩa là mọi người, không phân biệt nghề nghiệp hay xuất thân, đều cần được đối xử công bằng trong các chính sách công. Việc ưu tiên miễn học phí cho con giáo viên có thể gây ra sự chênh lệch trong việc tiếp cận các nguồn lực giáo dục, từ đó tạo ra sự bất mãn từ những gia đình không thuộc diện ưu tiên. Việc áp dụng các chính sách hỗ trợ học phí cần được xem xét kỹ lưỡng, đảm bảo phù hợp với tinh thần bình đẳng và minh bạch trong hệ thống giáo dục” – bạn đọc Hoàng Hùng.
“Nếu miễn học phí cho con giáo viên sẽ tạo tiền lệ không hay cho các con em khác trong hệ thống giáo dục. Giáo viên cũng nhận lương như các ngành nghề khác, sinh con và nuôi con là trách nhiệm của bậc cha mẹ, mọi ngành nghề đều như thế. Nếu miễn học phí cho con giáo viên thì có miễn viện phí cho con bác sĩ không?” – bạn đọc Hồng Quân.