Ý kiến trái chiều về giới hạn giờ làm thêm của học sinh, sinh viên

(PLO)- Nhiều ý kiến cho rằng không nên giới hạn giờ làm thêm của học sinh, sinh viên, nhưng cũng có đề nghị chỉ cần giới hạn giờ làm việc.

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Dự thảo Luật Việc làm (sửa đổi), Bộ LĐ-TB&XH đề xuất đưa vào quy định giới hạn giờ làm thêm của học sinh, sinh viên. Đề xuất này được nhiều người quan tâm và có khá nhiều góp ý trái chiều thời gian qua.

Giờ làm thêm của học sinh, sinh viên bao nhiêu là đủ?

Pháp luật hiện hành chưa quy định giờ làm thêm của học sinh, sinh viên mà chỉ quy định chung thời gian làm việc của người lao động (NLĐ) là không quá 8 giờ/ngày và không quá 48 giờ/ tuần.

Vì vậy, dự thảo Luật Việc làm (sửa đổi), Bộ LĐ-TB&XH đề xuất đưa vào quy định học sinh, sinh viên đang theo học các chương trình giáo dục chính quy và đủ 15 tuổi thì được làm việc, nhưng không quá 24 giờ/tuần trong thời gian học và phải thực hiện quy định của pháp luật về lao động.

So với dự thảo lần đầu lấy ý kiến các bộ, ngành, Bộ LĐ-TB&XH đã nâng thời gian làm thêm giờ mỗi tuần của học sinh, sinh viên từ 20 giờ lên 24 giờ. Như vậy, học sinh, sinh viên bị khống chế thời gian làm việc bằng một nửa thời gian của NLĐ bình thường theo Bộ Luật lao động.

giới hạn giờ làm thêm của học sinh sinh viên
Nhiều người, trong đó có học sinh - sinh viên đang tìm việc làm tại một hội chợ việc làm ở Hà Nội. (Ảnh minh họa: V.LONG)

Tiền lương của học sinh, sinh viên được thanh toán trên cơ sở thỏa thuận giữa NLĐ và người sử dụng lao động, nhưng không được mức thấp hơn lương tối thiểu theo giờ (hiện lương tối thiểu theo giờ vùng I là 22.500 đồng, vùng IV là 16.600 đồng).

Cạnh đó, NLĐ là học sinh, sinh viên khi làm việc không trọn thời gian có trách nhiệm thông báo cho cơ sở giáo dục nơi mình học. Nhà trường có trách nhiệm theo dõi, hỗ trợ học sinh, sinh viên trong quá trình làm việc sau khi nhận được thông báo về tình trạng việc làm.

Người sử dụng lao động có trách nhiệm sử dụng lao động là học sinh, sinh viên tuân theo quy định pháp luật về lao động.

Anh Trần Thiết (sinh viên năm 2, Trường cao đẳng Bách Khoa Hà Nội), cho rằng quy định về giờ làm thêm như trên chưa phù hợp thực tiễn. Nhiều sinh viên có hoàn cảnh rất khó khăn, nếu không đi làm thêm hoặc làm quá ít sẽ không đủ tiền để trang trải cuộc sống ở Hà Nội vốn rất đắt đỏ.

“Chẳng hạn như cá nhân tôi, bố mắc bệnh hiểm nghèo, mẹ đang phải nghỉ việc để chăm nom bố nên tôi phải vừa học vừa làm để nuôi bản thân. Hiện mức lương trả theo giờ cho sinh viên quá thấp, nếu tôi không làm mỗi ngày 4-6 tiếng sẽ không đủ chi tiêu thường ngày và tiền học phí.

Về quy định khai báo việc làm thêm với trường, anh Thiết không phản đối nhưng phân vân về tính khả thi của quy định. Theo anh Thiết, không phải ai cũng muốn chia sẻ hoàn cảnh của bản thân và gia đình. Nếu có thể thực hiện khai báo online sẽ tốt hơn.

Còn Nguyễn Huyền Trang (sinh viên năm 3, Trường Đại học Giao thông vận tải Hà Nội) lại ủng hộ quy định cần giới hạn giờ làm thêm của sinh viên nhằm đảm bảo sức khoẻ học tập theo hướng làm 28-30 giờ/tuần. Bởi nếu siết giờ làm thêm nhiều sinh viên sẽ không thể kiếm đủ tiền trang trải cuộc sống, nhất là trong bối cảnh tìm được việc làm phù hợp đang ngày càng khó.

Thêm vào đó, cần có quy định tăng trần làm thêm của sinh viên mỗi giờ là 30.000 đồng để tránh bị người sử dụng lao động bóc lột. “Thực tế, khi thỏa thuận về vấn đề tiền lương, NLĐ là học sinh, sinh viên thường ở vị trí yếu thế trong quan hệ việc làm…”- Huyền Trang chia sẻ.

Cần xem lại tính khả thi của đề xuất

Ông Ngọ Duy Hiểu Phó, Phó chủ tịch Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam, cho rằng nội dung trên không phù hợp với Bộ luật Lao động, gây khó khăn cho sinh viên xa nhà, gia đình có thu nhập thấp, ảnh hưởng đến trang trải sinh hoạt và học tập.

Trong khi đó, UBND TP.HCM đề nghị tách ra thành hai đối tượng là học sinh và sinh viên để có quy định số giờ làm thêm được phép trong kỳ học phù hợp với từng đối tượng.

Cạnh đó, thành phố cũng đề nghị điều chỉnh dự luật theo hướng trách nhiệm của người sử dụng lao động phải đăng ký với cơ quan quản lý Nhà nước khi sử dụng nhóm người làm thêm này.

Tương tự, các hiệp hội, Bộ Tư pháp, Bộ Tài chính và UBND một số tỉnh, thành cũng đề nghị Bộ LĐ-TB&XH làm rõ căn cứ, cơ sở khi đưa ra giới hạn giờ làm thêm trong tuần của sinh viên.

“Đây là nội dung mới trong dự thảo luật so với Luật Việc làm năm 2013. Đề nghị bổ sung các nội dung này, đồng thời làm rõ tính khả thi trong thực hiện, đảm bảo phù hợp với bối cảnh quản lý kinh tế, xã hội của Việt Nam, việc đề xuất chính sách cần có giải pháp và cách thức quản lý đi kèm…” - Bộ Tài Chính nêu quan điểm.

giờ làm của học sinh, sinh viên
Ông Vũ Trọng Bình, Cục trưởng Cục Việc làm. Ảnh: V.LONG

Liên quan đến vấn đề này, ông Vũ Trọng Bình Cục trưởng Cục Việc làm (Bộ LĐ-TB&XH), thừa nhận đề xuất trên đang có nhiều luồng ý kiến là để cho sinh viên, học sinh làm việc như lao động bình thường. Tuy nhiên, có ý kiến chưa đồng thuận, bởi nếu làm việc như vậy thì học sinh, sinh viên không còn thời gian để học tập.

Về tính hợp pháp của đề xuất, Bộ LĐ-TB&XH lý giải, Khoản 1 Điều 105 Bộ luật Lao động đã quy định: Thời giờ làm việc bình thường không quá 8 giờ trong 1 ngày và không quá 48 giờ trong 1 tuần. Cạnh đó, một số quốc gia trên thế giới đều quy định giới hạn thời gian làm việc của học sinh, sinh viên.

“Nhằm bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, đồng thời tạo điều kiện cho học sinh, sinh viên nghỉ ngơi, tái tạo sức khỏe cho việc học và làm việc, dự thảo Luật đề xuất đưa vào quy định giới hạn thời gian làm thêm trong thời gian học…” - ông Bình nói.

Cũng theo ông Bình, dự luật đang ở bước xây dựng nên cơ quan soạn thảo sẽ tiếp tục lắng nghe, tiếp thu đầy đủ các ý kiến của người dân nhằm hoàn thiện để trình Quốc hội cho ý kiến. Mục đích là khi luật được ban hành đảm bảo tính khả thi.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm