Chính phủ thống nhất tách và đổi tên 2 dự án luật về giao thông đường bộ

Ngày 30-1-2022, Chính phủ ban hành Nghị quyết 13/NQ-CP phiên họp chuyên đề về xây dựng pháp luật tháng 1 năm 2022.

Theo Nghị quyết, năm 2022, Chính phủ tiếp tục ưu tiên, chú trọng công tác hoàn thiện thể chế, sửa đổi, bổ sung hệ thống pháp luật, nhất là các vấn đề thực tiễn mới phát sinh, cần điều chỉnh để tháo gỡ các vướng mắc về cơ chế, chính sách, tạo thuận lợi cho phát triển kinh tế - xã hội, quyết tâm thực hiện đột phá chiến lược theo tinh thần Nghị quyết của Đại hội Đảng lần thứ XIII về hoàn thiện Nhà nước pháp quyền Việt Nam định hướng xã hội chủ nghĩa.

Chính phủ quyết nghị 7 nội dung, trong đó có các dự án luật quan trọng, tác động đến nhiều đối tượng như dự án Luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở; dự án Luật giao thông đường bộ (sửa đổi) và dự án Luật bảo đảm trật tự an toàn giao thông đường bộ…

Đổi tên dự luật về giao thông

Về dự án Luật giao thông đường bộ (sửa đổi) và dự án Luật bảo đảm trật tự an toàn giao thông đường bộ, Chính phủ thống nhất đổi tên dự án Luật giao thông đường bộ (sửa đổi) thành dự án Luật đường bộ và dự án Luật bảo đảm trật tự an toàn giao thông đường bộ thành dự án Luật trật tự an toàn giao thông đường bộ.

Bộ Giao thông vận tải và Bộ Công an tiếp tục tổ chức hội thảo, lấy ý kiến các cơ quan, địa phương, các chuyên gia, nhà khoa học, nhà quản lý; nghiên cứu, tiếp thu đầy đủ ý kiến của các đại biểu Quốc hội, các cơ quan, tổ chức và cá nhân; tăng cường hơn nữa truyền thông đến các đối tượng điều chỉnh để tạo sự đồng thuận cao; các chính sách cần có lập luận chặt chẽ, thuyết phục; tiếp thu, chỉnh lý, hoàn thiện 2 dự án Luật.

Theo đó, cần đánh giá kỹ lưỡng, phân tích, giải trình thuyết phục về sự cần thiết của việc ban hành luật với đầy đủ cơ sở lý luận, pháp lý và thực tiễn; đánh giá kỹ tác động nhiều chiều, nhất là việc liên quan đến tổ chức, quản lý việc đào tạo, sát hạch, cấp bằng lái xe; tiếp tục rà soát các chủ trương, chỉ đạo của Đảng, Quốc hội và Chính phủ.

Cần phân định rành mạch phạm vi điều chỉnh của 2 dự án Luật, không chồng chéo, trùng lắp hoặc bỏ trống; giải quyết những vướng mắc, bật cập trong thực tiễn, đáp ứng yêu cầu phát triển của lĩnh vực giao thông đường bộ; rà soát nội dung các dự án Luật, không quy định về tổ chức bộ máy trong dự án Luật.

Nội dung sửa đổi Luật Giao thông đường bộ cần thể hiện rõ hơn chủ trương của Chính phủ về tăng cường phân cấp, phân quyền cho chính quyền địa phương về quản lý nhà nước đối với lĩnh vực giao thông đường bộ, trong đó có quản lý đường bộ, đường cao tốc theo hướng giao cho cấp quản lý có hiệu quả hơn, kịp thời giải quyết vướng mắc và bám sát với yêu cầu của thực tiễn, bảo đảm lợi ích quốc gia; việc phân cấp, phân quyền gắn với phân bổ nguồn lực hợp lý, thông suốt; tăng cường thanh tra, kiểm tra, kiểm soát quyền lực.

Về thẩm quyền quản lý đào tạo, sát hạch, cấp giấy phép lái xe, cần tiếp tục tổng kết, phân tích, đánh giá tác động đầy đủ, khách quan, toàn diện, kỹ lưỡng quá trình thực hiện trong thời gian qua; thuyết minh, giải trình về đề xuất giao Bộ Giao thông vận tải hoặc Bộ Công an quản lý cần thật sự thuyết phục, có đầy đủ cơ sở vững chắc.

Các cơ quan cần nghiên cứu cơ chế phối hợp theo hướng để Bộ Công an tham gia giám sát công tác đào tạo, sát hạch, cấp giấy phép lái xe, bảo đảm có sự phối hợp, kiểm soát quyền lực chặt chẽ, như vậy sẽ dễ thuyết phục hơn.

Để có đủ cơ sở xem xét bổ sung 2 dự án Luật này vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2022 của Quốc hội, Chính phủ giao Bộ Giao thông vận tải và Bộ Công an tiếp thu, chỉnh lý, hoàn thiện 2 dự án Luật theo các yêu cầu nêu trên, trình Chính phủ xem xét, cho ý kiến đối với 2 dự án Luật này.

Thống nhất xây dựng dự Luật Nhà ở; dự Luật Kinh doanh bất động sản (sửa đổi)

Về Đề nghị xây dựng Luật Nhà ở (sửa đổi), Chính phủ thống nhất về sự cần thiết sửa đổi Luật Nhà ở để kịp thời thể chế hóa chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách của Nhà nước trong việc phát triển nhà ở cho người dân; hoàn thiện các chính sách về nhà ở còn tồn tại, vướng mắc, chưa phù hợp với thực tiễn, bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ giữa quy định của Luật Nhà ở với Luật Đất đai và các luật khác có liên quan.

Bộ Xây dựng chủ trì, phối hợp với Bộ Tư pháp, Văn phòng Chính phủ và các cơ quan liên quan nghiên cứu tiếp thu đầy đủ ý kiến của các Thành viên Chính phủ, hoàn thiện các chính sách cụ thể theo hướng:

Rà soát các vấn đề vướng mắc, bất cập trong thực tiễn để hoàn thiện các chính sách về nhà ở, nhất là các chính sách về: quy hoạch; chiến lược; chương trình phát triển nhà ở bảo đảm tính dự báo quá trình phát triển;

Tăng cường phân cấp, phân quyền cho chính quyền địa phương đi đôi với tăng cường giám sát, kiểm tra, phân bổ nguồn lực hợp lý và nâng cao năng lực các bộ đáp ứng việc phân cấp; cắt giảm thủ tục hành chính;

Hoàn thiện các cơ chế ưu đãi, thu hút đầu tư các nguồn lực cho phát triển nhà ở, đặc biệt là nhà ở cho công nhân tại khu công nghiệp, nhà ở xã hội cho người có thu nhập thấp tại khu vực đô thị, để bảo đảm chính sách an sinh xã hội về nhà ở;

Tổ chức hội thảo lấy ý kiến các bộ, ngành, địa phương, các chuyên gia, nhà khoa học, đẩy mạnh truyền thông chính sách trong quá trình soạn thảo luật, nhằm bảo đảm tính thực tiễn, khả thi, tạo sự đồng thuận cao.

Bộ Xây dựng tiếp thu, hoàn thiện hồ sơ Đề nghị xây dựng Luật theo đúng quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, gửi Bộ Tư pháp để tổng hợp, bổ sung dự án Luật này vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2022, trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ tư, tháng 10 năm 2022.

Về Đề nghị xây dựng Luật Kinh doanh bất động sản (sửa đổi), Chính phủ thống nhất về sự cần thiết và mục tiêu sửa đổi Luật Kinh doanh bất động sản để kịp thời thể chế hóa chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách của Nhà nước trong việc phát triển thị trường bất động sản theo cơ chế thị trường; hoàn thiện các quy định của pháp luật về kinh doanh bất động sản nhằm giải quyết các bất cập, vướng mắc, chưa phù hợp với thực tiễn, bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ giữa Luật Kinh doanh bất động sản với các luật khác có liên quan.

Bộ Xây dựng chủ trì, phối hợp với Bộ Tư pháp, Văn phòng Chính phủ và các cơ quan liên quan nghiên cứu tiếp thu đầy đủ ý kiến của các Thành viên Chính phủ và hoàn thiện theo hướng:

Tiếp tục rà soát, nghiên cứu, làm rõ phạm vi, đối tượng điều chỉnh của từng nhóm chính sách, bảo đảm tính thống nhất của hệ thống pháp luật, tránh chồng chéo, gây vướng mắc trong quá trình thực hiện;

Hoàn thiện các chính sách về kinh doanh bất động sản phải bảo đảm nguyên tắc thị trường, tránh phát sinh thủ tục, chi phí cho giao dịch bất động sản, trong đó lưu ý đánh giá kỹ về các điều kiện kinh doanh, giao dịch qua sàn, môi giới bất động sản, tín dụng, thuế, phí,… để điều tiết thị trường, tránh tạo thêm thủ tục, trung gian, ảnh hưởng tới quyền tự chủ kinh doanh của doanh nghiệp, quyền sở hữu của người dân đã được pháp luật bảo hộ, tạo lập khung khổ pháp lý cho thị trường bất động sản phát triển lành mạnh, ổn định;

Tổ chức lấy ý kiến các bộ, ngành, địa phương, các chuyên gia, nhà khoa học, doanh nghiệp và người dân trong quá trình soạn thảo luật bảo đảm tính thực tiễn, khả thi, tạo sự đồng thuận cao, làm tốt công tác truyền thông trước, trong và sau khi trình các cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định.

Bộ Xây dựng tiếp thu, hoàn thiện hồ sơ Đề nghị xây dựng Luật theo quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, gửi Bộ Tư pháp để tổng hợp, bổ sung dự án Luật này vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2022, trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ tư, tháng 10 năm 2022.

Cũng trong Nghị quyết, Chính phủ cũng thống nhất về việc đề nghị xây dựng Luật Tài nguyên nước (sửa đổi); xây dựng Luật Viễn thông (sửa đổi); xây dựng Luật Công nghiệp công nghệ số; dự án Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở, Chính phủ yêu cầu đánh giá tác động, lắng nghe các chuyên gia, nhà khoa học… bảo đảm chất lượng, khả thi, có tính thuyết phục cao với đầy đủ cơ sở chính trị, pháp lý, thực tiễn vững chắc; đẩy mạnh công tác truyền thông tạo sự đồng thuận, bảo đảm tính thống nhất; trình Chính phủ xem xét, quyết định dự án Luật vào thời gian thích hợp.

 

Tổ chức lấy ý kiến đóng góp, phản biện… để hoàn thiện các dự luật

Trong Nghị quyết, Chính phủ yêu cầu các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ trực tiếp chỉ đạo và chịu trách nhiệm toàn diện về công tác xây dựng pháp luật, hoàn thiện hệ thống thể chế, chiến lược, quy hoạch thuộc ngành, lĩnh vực quản lý.

Các bộ, ngành cần ưu tiên đầu tư nguồn lực, thời gian nhiều hơn nữa cho hoạt động xây dựng pháp luật, tập trung vào các hoạt động quan trọng như: tổng kết, đánh giá toàn diện việc thực thi pháp luật; tổ chức lấy ý kiến của các đối tượng chịu tác động của chính sách; tổ chức hội thảo lấy ý kiến góp ý, phản biện của các tổ chức, hiệp hội, chuyên gia, nhà khoa học, doanh nghiệp và người dân; chủ động truyền thông chính sách từ khi đề xuất chính sách đến quá trình soạn thảo và ngay sau khi ban hành văn bản, nhất là những vấn đề khó, nhạy cảm; đánh giá đầy đủ tác động của các dự kiến chính sách để bảo đảm tính khả thi, đồng bộ, bảo đảm nguồn lực thực hiện.

Việc đề xuất các chính sách cần bám sát nhu cầu thực tiễn, tôn trọng thực tiễn, lấy thực tiễn làm thước đo, có tính dự báo chính sách, có thể thí điểm một số vấn đề mới phát sinh để làm cơ sở xem xét, mở rộng phạm vi điều chỉnh; đồng thời tháo gỡ các vướng mắc, bất cập do quy định pháp luật hiện hành, cắt giảm thủ tục hành chính, tạo thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp; tăng cường phân cấp, phân quyền gắn với huy động nguồn lực hiệu quả, nâng cao năng lực thực thi chính sách và kiểm tra, giám sát để siết chặt kỷ cương; tham khảo kinh nghiệm quốc tế để vận dụng phù hợp với tình hình của Việt Nam.

Các cơ quan chủ trì soạn thảo cần phối hợp chặt chẽ với các cơ quan có liên quan, cơ quan thẩm định, cơ quan thẩm tra để trao đổi, thảo luận, tạo sự đồng thuận cao trước khi trình cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định.

 

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm