Chính phủ và các trường ở Úc mâu thuẫn vì gián điệp Trung Quốc

Theo tờ South China Morning Post ngày 11-2, ở Úc đang nổ ra các cuộc tranh luận giữa chính phủ và các trường đại học về việc gián điệp của Trung Quốc có thể can thiệp và chiếm quyền sở hữu trí tuệ từ các trường đại học Úc.

Trước đó, Ủy ban hỗn hợp Quốc hội về Tình báo và An ninh của Úc đã nhận được đệ trình từ các cơ quan an ninh, các trường đại học, học giả và các bên liên quan khác nhằm điều tra về sự can thiệp của nước ngoài trong môi trường giáo dục đại học.

Cuộc điều tra, dự kiến báo cáo kết quả vào tháng 7, đã làm nổi bật những căng thẳng giữa các cân nhắc về an ninh quốc gia và tự do học thuật trong lĩnh vực giáo dục đại học của Úc, vốn chủ yếu dựa vào trao đổi với Trung Quốc.

Thủ tướng Úc Scott Morrison. Ảnh: AP 

Ý kiến từ chính phủ Úc

Tổ chức Tình báo An ninh Úc cho biết họ đang điều tra về các cuộc tấn công mạng nhằm chiếm quyền sở hữu trí tuệ vì cho rằng các thông tin nhạy cảm bị đánh cắp có thể bị bán ra nước ngoài, gây ảnh hưởng đến an ninh quốc gia.

Cơ quan này cho biết: "Bản chất cởi mở và hợp tác của các tổ chức nghiên cứu là nền tảng cho nhiều thành tựu khoa học và công nghệ của Úc. Tuy nhiên, các đối tác nghiên cứu quốc tế có các giá trị chính trị, văn hóa và đạo đức khác nhau có thể tìm cách khai thác điều này".

Cuộc điều tra bắt đầu vào tháng 11-2020 sau khi có cáo buộc rằng các chương trình tuyển dụng nhân tài của Trung Quốc đã thu hút nhiều nhà nghiên cứu từ các trường đại học của Úc để nghiên cứu về quân sự và các ứng dụng khác có khả năng mâu thuẫn với lợi ích quốc gia của Canberra.

Ông Alex Joske, nhà nghiên cứu của Viện Chính sách Chiến lược Úc, cho biết ông đã xác định được danh tính 325 người từ các tổ chức nghiên cứu của Úc tham gia các chương trình này. Những người này dù đang làm việc toàn thời gian ở Úc nhưng lại cam kết làm việc cho các tổ chức ở Trung Quốc.

Ông Robert Potter, Giám đốc điều hành của công ty tư vấn an ninh mạng Internet 2.0, cho biết có một "khoảng cách lớn trong cách nhìn nhận về các rủi ro của các trường đại học và của các cơ quan an ninh".

"Tôi nghĩ rằng rủi ro cao hơn nhiều so với các trường đại học nghĩ. Phần lớn các nguồn mà Trung Quốc thu thập thông tin tình báo là từ các trường đại học và chính quyền các bang" - ông nói.

Phản đối từ các trường đại học

Trong khi đó, các cơ quan như Đại học Úc và Nhóm tám trường đại học lớn của Úc dù đồng ý chống lại sự xâm nhập quá mức của nước ngoài, nhưng vẫn cảnh báo việc chính phủ nước này phát động các chương trình chống can thiệp nước ngoài. 

Cảnh báo của các trường nói trên được đưa ra sau khi Canberra thông qua luật cho phép chính phủ liên bang đơn phương phá bỏ các thỏa thuận giữa các trường đại học và chính phủ nước ngoài. Các trường đại học lo ngại việc này sẽ làm ảnh hưởng đến việc tự do nghiên cứu của sinh viên trường họ.

"Úc không thể cô lập hệ thống giáo dục và nghiên cứu của mình mà phải tìm cách hợp tác quốc tế theo những cách cân bằng hiệu quả và tương xứng giữa an ninh quốc gia với các lợi ích kinh tế và xã hội" - các trường đại học viết.

Tuy nhiên, Bắc Kinh đã nhiều lần bác bỏ cáo buộc can thiệp và hoạt động gián điệp ở Australia.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm