Sáng 25-9, Bộ Nội vụ tổ chức họp hội đồng thẩm định, cho ý kiến về đề án tổ chức chính quyền đô thị tại TP.HCM.
Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong cho hay thời gian qua TP đã chủ động xây dựng nhiều chương trình, đề án với mong muốn phát huy hơn nữa tiềm năng, thế mạnh và vai trò của TP.HCM đối với sự phát triển kinh tế - xã hội của vùng kinh tế trọng điểm phía Nam và cả nước.
Thời điểm chín muồi
Theo ông Nguyễn Thành Phong, TP.HCM đã xây dựng đề án tổ chức chính quyền đô thị theo hướng bộ máy tinh gọn, hiện đại, hoạt động hiệu lực, hiệu quả.
Đề án và dự thảo nghị quyết của Quốc hội về tổ chức chính quyền đô thị tại TP.HCM được xây dựng trên cơ sở pháp lý của Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương. Thực tế, TP.HCM đã thực hiện thí điểm không tổ chức HĐND quận, huyện, phường giai đoạn 2009-2016 và đạt được nhiều kết quả tích cực.
Quá trình xây dựng đề án, TP.HCM cũng đã kế thừa kinh nghiệm của Hà Nội, Đà Nẵng, tiếp thu góp ý của lãnh đạo, nguyên lãnh đạo TP, các chuyên gia, nhà khoa học…
“Đây là thời điểm chín muồi để TP.HCM đề xuất đề án và dự thảo nghị quyết Quốc hội về tổ chức chính quyền đô thị tại TP” - ông Phong nói.
Ông cũng cho rằng nghị quyết khi được Quốc hội ban hành sẽ có tác động tích cực đến sự phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao tính tự chủ, tự chịu trách nhiệm của bộ máy chính quyền đô thị, nâng cao chất lượng, hiệu quả cung ứng dịch vụ công, phù hợp với đặc điểm, tính chất của một đô thị đặc biệt và lớn nhất của cả nước hiện nay.
Ông hy vọng nghị quyết sẽ được thông qua trong tháng 10-2020 để TP.HCM có điều kiện chuẩn bị tốt nhất cho công tác bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021-2026 sắp tới. “Nếu không kịp tiến độ, TP sẽ phải chờ thêm năm năm nữa mới có thể đề xuất triển khai thực hiện mô hình này” - ông nói.
Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong trình bày một số nội dung đề án tại cuộc họp của hội đồng thẩm định. Ảnh: Đ.MINH
Đổi mới mạnh mẽ hoạt động của bộ máy chính quyền đô thị
Theo Chủ tịch UBND TP.HCM, trọng tâm của đề án là đề xuất không tổ chức HĐND quận, phường tại TP.HCM nhằm tinh gọn, đổi mới mạnh mẽ và linh hoạt hoạt động của bộ máy chính quyền đô thị, đáp ứng yêu cầu phát triển nhanh và bền vững của đô thị đặc biệt.
Mối quan hệ giữa nhân dân với chính quyền đô thị ngày càng được tăng cường theo hướng đảm bảo thực thi quyền dân chủ trực tiếp và quyền giám sát của người dân. Cạnh đó, nâng cao vai trò của các cơ quan, tổ chức trong hệ thống chính trị; đẩy mạnh cải cách hành chính, xây dựng TP thông minh; tăng cường công tác kiểm tra, thanh tra công vụ, tiếp nhận và giải quyết kịp thời các phản ánh, kiến nghị của người dân…
Giám đốc Sở Nội vụ TP.HCM Huỳnh Thanh Nhân cho biết thêm: Chính quyền địa phương ở TP.HCM gồm có HĐND và UBND TP; chính quyền địa phương ở quận là UBND quận, đây là cơ quan hành chính nhà nước ở quận, thực hiện các nhiệm vụ, quyền hạn theo quy định và theo phân cấp, ủy quyền của UBND, chủ tịch UBND TP.
Chính quyền địa phương ở phường là UBND phường - cơ quan hành chính nhà nước ở phường, thực hiện các nhiệm vụ, quyền hạn theo quy định và theo phân cấp, ủy quyền của UBND, chủ tịch UBND cấp trên theo quy định.
Việc tổ chức chính quyền địa phương ở các đơn vị hành chính khác của TP được thực hiện theo quy định của Luật Tổ chức chính quyền địa phương, thời gian thực hiện từ ngày 1-7-2021.
“Đề án đã đáp ứng yêu cầu đặt ra”
Vụ Chính quyền địa phương (Bộ Nội vụ), cơ quan thường trực của hội đồng thẩm định, cho rằng đã có đủ cơ sở pháp lý và thực tiễn để xây dựng đề án.
Nhận định về đề án, ông Phan Văn Hùng, Vụ trưởng Vụ Chính quyền địa phương, cho rằng TP.HCM đã tiếp thu các ý kiến qua các hội nghị, hồ sơ dày dặn, công phu và có tinh thần cầu thị. Đề án đã đáp ứng yêu cầu đặt ra.
Ông Hùng ủng hộ quan điểm của đề án là cho phép TP.HCM không tổ chức HĐND quận, phường và đưa vào chương trình Kỳ họp thứ 10 của Quốc hội, “không làm thí điểm mà áp dụng luôn vì đã có cơ sở pháp lý và cơ sở thực tiễn. Những vấn đề chưa có trong quy định của luật sẽ được quy định tại nghị quyết của Quốc hội” - ông nói.
Tuy nhiên, đề án hiện chưa nằm trong chương trình Kỳ họp thứ 10 nên ông cho rằng đây là áp lực gắt gao đối với Chính phủ và các cơ quan liên quan. Vì vậy, ông đề nghị TP.HCM khẩn trương đề xuất với cơ quan có thẩm quyền đưa vào các chương trình làm việc cho kịp thời. Trong đó cần làm rõ thêm việc giám sát hoạt động của cơ quan, tổ chức khi không còn HĐND quận, phường; tăng thời lượng về biện pháp giám sát; bổ sung phương án sắp xếp cán bộ, công chức, giải quyết chế độ, chính sách với những cán bộ, công chức ở HĐND cũng như cơ quan, tổ chức quận, phường khi triển khai đề án trên thực tiễn.
Đa số các ý kiến tại buổi làm việc đều cho rằng không cần thực hiện thí điểm mà tiến hành luôn việc tổ chức chính quyền đô thị.
TP.HCM đã thí điểm không tổ chức HĐND huyện, quận, phường từ năm 2009 đến 2016 ở cả 24 quận/huyện, 259 phường, cho thấy việc thực hiện quyền dân chủ của nhân dân trên địa bàn vẫn đảm bảo, một số mặt thực hiện dân chủ ở cơ sở được tăng cường. Đây là một trong những cơ sở thực tiễn cho thấy hiệu quả hoạt động của bộ máy chính quyền không phụ thuộc vào việc tổ chức HĐND trải đều trên tất cả cấp hành chính. Ông HUỲNH THANH NHÂN, Giám đốc Sở Nội vụ TP.HCM |
Nền tảng để tiếp tục thúc đẩy sự phát triển
Phát biểu tại buổi làm việc, Thứ trưởng Bộ Nội vụ Trần Anh Tuấn cho biết hội đồng thẩm định thống nhất về sự cần thiết xây dựng đề án, trình cấp có thẩm quyền xem xét, thông qua và triển khai thực hiện đề án tổ chức chính quyền đô thị tại TP.HCM.
Chính quyền địa phương ở quận, phường tại TP.HCM là UBND quận và UBND phường. Đây là cơ quan hành chính nhà nước ở địa phương, không phải là một cấp chính quyền. UBND quận, phường hoạt động theo chế độ thủ trưởng, không theo chế độ lãnh đạo tập thể. Điều này làm thay đổi hoàn toàn cơ chế quan hệ phối hợp trong lãnh đạo, chỉ đạo và thực hiện nhiệm vụ.
“Chủ tịch, phó chủ tịch UBND quận, phường là công chức, không còn là cán bộ. Trước đây, các chức vụ này do HĐND bầu nhưng nay thực hiện theo cơ chế tuyển dụng, sử dụng và quản lý công chức; do cơ quan hành chính cấp trên tuyển dụng, bổ nhiệm, miễn nhiệm, giải quyết các nội dung khác liên quan đến quản lý công chức” - Thứ trưởng Trần Anh Tuấn nói và cho biết đây là điểm rất mới.
Theo đề án thì cán bộ, công chức làm việc trong hệ thống chính trị ở phường chuyển từ cán bộ, công chức cấp xã thành cán bộ, công chức sẽ đẩy mạnh phân cấp và ủy quyền đối với UBND quận, phường, cũng như bảo đảm sự quản lý tập trung, thống nhất của chính quyền TP.HCM.
Đề án sẽ hoàn thiện mối quan hệ giữa UBND phường (là cơ quan hành chính nhà nước) với cộng đồng dân cư, tổ dân phố; khắc phục tình trạng chuyển việc của UBND phường về cho tổ dân phố thực hiện.
Đề án cũng đổi mới cơ chế lãnh đạo, chỉ đạo, phối hợp quan hệ công tác giữa các cơ quan nhà nước, kể cả với cấp ủy, tổ chức chính trị - xã hội, Mặt trận Tổ quốc. Điều này góp phần xây dựng chính quyền TP.HCM tinh gọn, hợp lý, hoạt động hiệu lực, hiệu quả, đáp ứng sự hài lòng của người dân, phù hợp với bối cảnh hiện nay.
“Đây cũng là nền tảng để tiếp tục thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội của TP theo đúng tinh thần Nghị quyết 18 Trung ương 6, khóa 12 và các nghị quyết khác của Đảng” - ông nói.
Tiếp thu các ý kiến đóng góp, Phó Chủ tịch thường trực UBND TP.HCM Lê Thanh Liêm khẳng định ban soạn thảo đề án sẽ phối hợp với Bộ Nội vụ, các cơ quan liên quan tiếp tục bổ sung các ý kiến đóng góp để khi cấp thẩm quyền thông qua, việc triển khai thực hiện đề án đạt kết quả tốt nhất.
Không vướng quy định nhưng có khó khăn, thách thức Theo ông Phạm Trí Thức, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật (cơ quan sẽ thẩm tra đề án), việc tổ chức chính quyền đô thị tại TP.HCM không bị vướng quy định hiến pháp, Luật Tổ chức chính quyền địa phương. Tuy nhiên, có một số điều băn khoăn là mô hình UBND quận và phường theo đề án, dự thảo nghị quyết sẽ khác với UBND quận, huyện, phường trước đây. Cụ thể, mô hình đề xuất làm theo chế độ thủ trưởng, không làm việc theo chế độ tập thể nên mối quan hệ công tác sẽ khác so với trước; việc xây dựng văn bản quy định đầy đủ nhiệm vụ, quyền hạn và bảo đảm thống nhất với hệ thống pháp luật hiện nay là một khó khăn, thách thức... “Chúng tôi rất ủng hộ phương án thực hiện ngay nhưng có những vấn đề còn băn khoăn... và cũng phải tính đến việc sắp thành lập TP Thủ Đức, tổ chức bộ máy như thế nào trong mô hình tổng thể này...” - ông nói. |