Liên quan đến trách nhiệm pháp lý của ông Đoàn Văn Vươn cùng với người thân tham gia chống lại lực lượng cưỡng chế đã phát sinh nhiều tranh cãi, đồn đoán.
Có ý kiến cho rằng ông Vươn không phạm tội giết người vì ý thức chủ quan ông chỉ muốn bảo vệ quyền sử dụng đầm tôm của gia đình mình chứ không chủ ý muốn giết ai. Có ý kiến nói do chính quyền thu hồi đất sai, cưỡng chế sai nên hành vi “đối đầu” chống đối chính quyền của ông Vươn và người thân không phải là chống người thi hành công vụ. Thậm chí có ý kiến bảo vì chính quyền thực hiện công vụ sai nên việc làm của ông Vươn và người thân là chính đáng, cần tha bổng, miễn trách nhiệm hình sự cho họ…
Chống đối là vi phạm pháp luật
Một số luật sư cho rằng cần xem lại việc truy tố về tội chống người thi hành công vụ đối với ông Vươn. Các luật sư này lập luận: Việc cưỡng chế đất đã được kết luận là sai, đương nhiên những người thi hành lệnh cưỡng chế đã thực hiện một công vụ sai. Do đó, khi ông Vươn chống lại những người làm sai thì không phải là chống người đang thi hành công vụ.
Tuy nhiên, ThS Phan Anh Tuấn, Trưởng bộ môn Luật hình sự (ĐH Luật TP.HCM), không đồng tình với quan điểm trên. Ông Tuấn phân tích: Về nguyên tắc, một quyết định hành chính có hiệu lực phải được thi hành. Còn quyết định đó đúng hay sai, người dân có quyền khiếu nại lên cấp cao hơn hoặc kiện ra tòa án theo thủ tục tố tụng hành chính. Nếu họ không chấp hành, chống lại lực lượng cưỡng chế bằng vũ lực, dùng hung khí, vũ khí… thì hành vi đó là chống người thi hành công vụ, bất kể có oan ức hay không.
Ngôi nhà của gia đình ông Đoàn Văn Vươn ở xã Vinh Quang (Tiên Lãng, Hải Phòng) sau cưỡng chế. Ảnh: Đức Bình
Giết người hay cố ý gây thương tích?
Các luật sư cũng cho rằng việc truy tố ông Vươn tội giết người cũng cần xem lại. Về khách quan dù ông gài mìn, bắn súng nhưng ý thức chủ quan không nhằm giết người và thực tế hậu quả chết người cũng chưa xảy ra. Họ chỉ bức bối chống lại việc cưỡng chế để bảo vệ quyền sử dụng đất và tài sản của mình. Theo các luật sư, hành vi của ông Vươn chỉ phạm vào tội cố ý gây thương tích do vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng theo Điều 106 Bộ luật Hình sự.
Thế nhưng một số ý kiến lưu ý mục đích của lực lượng cưỡng chế cũng chỉ nhằm thu hồi tài sản chứ không phải xâm hại đến sức khỏe, tính mạng của ông Vươn và người thân. Không thể cho rằng ông Vươn và người thân phạm tội trong trạng thái tinh thần bị kích động mạnh, bởi hành vi phạm tội của họ không phải là phản ứng tức thời mà có sự chuẩn bị từ trước. Hành vi ấy cũng không thuộc trường hợp vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng bởi ở đây không có gì là xâm phạm một cách bất hợp pháp để mà phòng vệ cả.
Vị thẩm phán nêu ở phần trên cũng đồng ý rằng trong vụ này, hậu quả chết người chưa xảy ra, chưa xác định được ý chí chủ quan của người gây án thì hậu quả tới đâu, xử lý tới đó. Vì thế có thể xử lý ông Vươn tội cố ý gây thương tích.
Xem xét giảm án
Dù còn nhiều ý kiến phân vân về tội danh nhưng các luật sư, thẩm phán đều cho rằng hành vi dùng vũ lực, vũ khí… chống lại lực lượng cưỡng chế gây thương tích là phạm tội. Tuy nhiên, vụ cưỡng chế có kết luận là chính quyền cưỡng chế sai nên có thể xem xét giảm nhẹ đặc biệt trách nhiệm hình sự cho ông.
Luật sư Trương Xuân Tám, Ủy viên BCH Liên đoàn Luật sư Việt Nam, nói: Chúng ta phải khẳng định là ông Vươn và người thân có tội nhưng xét nguyên nhân phạm tội là do bị o ép bức xúc kéo dài gây nên sự kích động về tinh thần. Vì thế nên xem xét giảm nhẹ tối đa, thậm chí nếu có thể miễn trách nhiệm hình sự cho ông Vươn và người thân. Luật sư Phan Trung Hoài (Đoàn Luật sư TP.HCM) cũng có ý kiến đề xuất như vậy trong lần trao đổi mới đây với PV.
Chúng ta phải khẳng định một điều là người thi hành công vụ đúng hay sai cũng là làm nhiệm vụ nhà nước. Người dân chống lại việc cưỡng chế một cách trái pháp luật là vi phạm pháp luật, ở mức độ nghiêm trọng là phạm tội hình sự. Kết luận việc cưỡng chế sai chỉ là tình tiết giảm nhẹ cần đặc biệt lưu ý khi xử lý mà thôi. Một thẩm phán Tòa Hình sự TAND TP.HCM Hành vi phạm tội là rõ ràng nhưng cơ quan tố tụng cần xem xét đặc biệt cho hoàn cảnh của ông Vươn. Lý do là nguyên nhân phạm tội xuất phát từ cái sai của chính quyền, cơ quan tố tụng nên cân nhắc từng tình tiết, nhân thân bị can để xử lý. Giảng viên PHAN ANH TUẤN, ĐH Luật TP.HCM |
THANH TÙNG