Chính sách quản lý ngành in gây khó doanh nghiệp

Ông Lê Văn Tròn, Chủ tịch Hội in TP.HCM, bức xúc cho rằng một số quy định tại Nghị định 60/2014 còn bất cập, không phù hợp thực tế, làm hạn chế hoạt động của ngành in, gây khó khăn cho doanh nghiệp (DN). Chẳng hạn, DN in phải thực hiện hàng loạt giấy phép, giấy chứng nhận khi xin cấp phép hoạt động gồm giấy chứng nhận sở hữu thiết bị, giấy chứng nhận có mặt bằng sản xuất ngoài khu dân cư, giấy tờ chứng minh là người Việt Nam… Thủ tục nhận chế bản, in, gia công sau khi in trong Nghị định 60 cũng gây rắc rối. Nhà in yêu cầu người in phải xuất trình CMND và nộp bản sao CMND kể cả in những giấy tờ cá nhân như danh thiếp, thiệp cưới, thiệp mời… Đồng thời, phải xuất trình bổ sung những giấy tờ như giấy phép hoạt động báo chí, xuất bản bản tin, giấy đồng ý đặt chế bản in, gia công sau in của cơ quan có thẩm quyền ban hành biểu mẫu… Chỉ cần thiếu một trong các giấy tờ đó thì bị coi là vi phạm và phải chịu phạt.

Để tháo gỡ khó khăn cho các DN ngành in, ông Nguyễn Văn Dzong, Chủ tịch Hiệp hội In Việt Nam, cho rằng nên bỏ thủ tục cấp phép nhập khẩu đối với máy móc, thiết bị, phụ tùng và các loại vật tư, công cụ ngành in như khuôn in, bản in. Ngoài ra cần đơn giản hóa thủ tục cấp phép hoạt động cho DN vì thực chất đây chỉ là giấy phép con.

Luật sư Nguyễn Đăng Liêm, Hiệu trưởng ĐH Công nghệ thông tin Gia Định (TP.HCM), cho rằng chỉ nên quy định bốn điều kiện về việc thành lập DN như chủ sở hữu là cá nhân hoặc tổ chức Việt Nam; người chịu trách nhiệm đại diện pháp luật phải là công dân Việt Nam; có ít nhất một người đã được đào tạo về ngành in trong ban giám đốc điều hành; có mặt bằng, cơ sở vật chất phù hợp cho hoạt động in.

T.UYÊN - H.LAN

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm