Một kỳ thi, hai mục đích
Theo quy chế,kỳ thi THPT quốc gia nhằm hai mục đích: lấy kết quả để xét công nhận tốt nghiệp THPT; cung cấp thông tin để đánh giá chất lượng giáo dục phổ thông đồng thời cung cấp dữ liệu làm căn cứ để tuyển sinh ĐH, CĐ.
Kỳ thi tổ chức thi 8 môn: Toán, Ngữ văn, Lịch sử, Địa lí, Vật lí, Hóa học, Sinh học, Ngoại ngữ.
Để xét công nhận tốt nghiệp THPT, thí sinh phải thi 4 môn, gồm 3 môn thi bắt buộc là Toán, Ngữ văn, Ngoại ngữ và một môn do thí sinh tự chọn trong các môn thi còn lại.
Thí sinh không được học Ngoại ngữ hoặc học trong điều kiện không đảm bảo chất lượng được chọn môn thi thay thế.
Có hai cụm thi, gồm: Cụm thi cho các thí sinh dự thi để xét công nhận tốt nghiệp THPT và xét tuyển sinh ĐH, CĐ: tổ chức thi cho thí sinh của ít nhất hai tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (gọi chung là tỉnh), do trường ĐH chủ trì, phối hợp với sở GDĐT;
Và cụm thi cho các thí sinh dự thi để xét công nhận tốt nghiệp THPT: tổ chức thi tại trường hoặc liên trường phổ thông của tỉnh, do sở GDĐT chủ trì, phối hợp với trường ĐH.
Mỗi phòng thi có tối đa 40 thí sinh
Mỗi thí sinh có một số báo danh duy nhất.
Số báo danh của thí sinh gồm phần chữ là mã số của Hội đồng thi và phần số có 06 chữ số được đánh tăng dần, liên tục đến hết số thí sinh của Hội đồng thi, đảm bảo trong Hội đồng thi không có thí sinh trùng số báo danh.
Phòng thi được xếp theo môn thi; mỗi phòng thi có tối đa 40 thí sinh; trong phòng thi phải đảm bảo khoảng cách tối thiểu giữa 02 thí sinh ngồi cạnh nhau là 1,2 mét theo hàng ngang.
Riêng phòng thi cuối cùng của mỗi môn thi được xếp đến 45 thí sinh.
Phòng thi cuối cùng của buổi thi môn Ngoại ngữ (ở cùng địa điểm coi thi) được xếp các thí sinh dự thi các môn Ngoại ngữ khác nhau, nhưng phải thu bài riêng theo môn.