Chiều 1-1, Bộ GD&ĐT thông tin cho biết, Chính phủ vừa ban hành Nghị định 97 sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 81 về cơ chế thu, quản lý học phí đối với các cơ sở giáo dục quốc dân và chính sách miễn, giảm học phí, hỗ trợ chi phí học tập, giá dịch vụ trong lĩnh vực giáo dục...
Theo đó, Nghị định 97 vẫn giữ mứchọc phí từ năm học 2023-2024 của giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông bằng mức học phí năm học 2021-2022.
Ngoài ra, lộ trình tăng học phí đại học lùi một năm so với Nghị định 81, giống như đề xuất của Bộ GD&ĐT, tức là học phí năm học 2023-2024 tăng so với học phí năm học 2022-2023 nhưng mức tăng thấp hơn so với lộ trình quy định tại Nghị định 81.
Các chính sách miễn, giảm học phí được quy định tại Nghị định 81 tiếp tục được giữ nguyên để hỗ trợ cho các đối tượng chính sách và có điều kiện khó khăn.
Cụ thể, trần học phí (mức cao nhất được thu) ở các đại học công lập chưa tự đảm bảo chi thường xuyên năm học này là 1,2-2,45 triệu đồng/tháng, tùy khối ngành, thay vì mức 1,35-2,76 triệu như nghị định 81. Mức thu hiện đang áp dụng là 0,98-1,43 triệu đồng.
So với mức thu cũ, trần học phí năm học 2023-2024 ở khối ngành nghệ thuật tăng không đáng kể (0,02%), còn tăng mạnh nhất ở khối ngành Y-Dược (71,3%). Học phí các khối ngành khác tăng phổ biến ở mức 20-30%. Riêng nhóm khoa học sự sống, khoa học tự nhiên, mức tăng là 15,8%.
Đến năm học 2026-2027, mức trần tăng lên 1,7-3,5 triệu đồng/tháng.
Những trường đã tự chủ (tự chi lương, phụ cấp, sửa chữa cơ sở vật chất...), tùy mức độ được thu tối đa bằng 2-2,5 lần mức trên, tức khoảng 2,4-6,1 triệu đồng/tháng trong năm học 2023-2024. Sau 5 năm, mức trần này tăng lên 3,4-8,75 triệu đồng/tháng.
Với chương trình đào tạo đạt kiểm định chất lượng theo tiêu chuẩn của Bộ GD&ĐT hoặc tiêu chuẩn nước ngoài, các đại học được tự xác định học phí.