Đặc trưng miền Nam, trong đó có Sài Gòn - TP.HCM, là những đô thị sông nước. Gia Định - Sài Gòn và TP.HCM ngày nay phát triển đô thị dựa trên đặc trưng này.
Những ngày này, khi việc chỉnh trang Công viên bến Bạch Đằng đang rất thu hút sự chú ý của người dân TP thì nhiều chuyên gia cũng có ý kiến cho rằng TP nên có cái nhìn xa hơn để sự chỉnh trang không dừng lại ở những công trình lẻ mẻ mà có sự kết nối dựa trên đặc trưng sông nước.
TS-KTS Ngô Viết Nam Sơn
Pháp Luật TP.HCM đã trò chuyện cùng TS-kiến trúc sư (KTS) Ngô Viết Nam Sơn, người đã từng góp mặt trong công trình quy hoạch kết nối hai bờ đông - tây của Thượng Hải, một TP có nhiều nét tương đồng như TP.HCM hiện tại.
. Phóng viên: Thưa KTS, ông có thể nói về điểm tương đồng của Thượng Hải và TP.HCM để làm một cơ sở cho việc quy hoạch trung tâm TP.HCM hiện nay?
+ TS-KTS Ngô Viết Nam Sơn: Với việc này phải nhắc lùi thời điểm một chút. TP.HCM có hai bên sông và quy hoạch khu trung tâm TP.HCM có hai phần. Chúng ta đã làm trước quy hoạch Thủ Thiêm - bờ đông và sau đó bốn năm, khoảng năm 2007, chúng ta quy hoạch khu trung tâm hiện hữu phía bến Bạch Đằng - bờ tây. Trường hợp này rất giống phố Đông Thượng Hải, có bờ tây và bờ đông; trong đó bờ tây là khu trung tâm lịch sử, bờ đông là mới, hiện đại, kinh tế tài chính.
Thượng Hải và TP.HCM có nét tương đồng với cấu trúc không gian ven sông Sài Gòn và ở Thượng Hải là sông Hoàng Phố; vì thế tôi cho rằng trục ven sông sẽ là trục cảnh quan chính nối bờ tây và đông tạo thành trung tâm thống nhất của TP.
Nên khi nói quy hoạch bến Bạch Đằng thì chỉ mới quy hoạch bờ tây. Điều tiếc nhất từ trước tới nay của việc quy hoạch khu trung tâm này là chúng ta đang quy hoạch tách rời chứ không tổng thể.
Kinh nghiệm Thượng Hải cũng từng làm hai quy hoạch tách rời. Tuy nhiên, sau năm, 10 năm thì không phát triển, không thu hút được đầu tư, vì thế họ đã làm quy hoạch thống nhất. Lúc đó tôi cùng nhóm SOM tại Mỹ (hãng kiến trúc và xây dựng Skidmore, Owings & Merrill - PV) làm quy hoạch hợp nhất hai bờ đông - tây Thượng Hải. Sau quy hoạch đó, phố Đông phát triển mạnh. Điển cứu đó so với TP.HCM khá giống nhau.
. Vậy theo ông, việc chỉnh trang bến Bạch Đằng trong tổng thể quy hoạch ven sông hiện nay cần chú trọng điều gì?
+ Hiện khu trung tâm mới ở bờ đông là Thủ Thiêm có quảng trường, công viên, bến thuyền, bên bờ tây hiện nay cũng có. Quy hoạch mình đang xem quảng trường Thủ Thiêm là điểm nhấn chính của trục sông Sài Gòn. Tôi cho rằng quảng trường Thủ Thiêm không đủ; giá trị cảnh quan chính của trục cảnh quan hai bên ven sông của TP.HCM phải là bến Bạch Đằng, vì bến Bạch Đằng có giá trị lịch sử. Quảng trường Thủ Thiêm chỉ là rộng mới, giá trị văn hóa, lịch sử không có. Quảng trường vẫn cách xa di sản nhà thờ Thủ Thiêm, tu viện Dòng mến Thánh giá Thủ Thiêm. Vì thế, khi quy hoạch ven sông phải lưu ý một số vấn đề cụ thể khác.
Công viên bến Bạch Đằng sau khi được cải tạo đang trở thành điểm check-in độc đáo của người dân. Ảnh: TĐĐ
. Ông có thể chia sẻ tổng quan về việc quy hoạch ven sông Sài Gòn hiện cần lưu ý những điều gì để khả thi và để TP.HCM xứng đáng là đô thị nhân văn, văn minh, hiện đại?
+ Đầu tiên, quy hoạch ven sông bờ tây và bờ đông phải có sự liên kết không gian và kết nối lưu thông.
Tiếp theo, điểm nhấn quan trọng nhất phải là khu vực bến Bạch Đằng, đặc biệt là khu vực giao với những tuyến đường: Nguyễn Huệ - Hàm Nghi - Đồng Khởi. Đó là khu vực quan trọng nhất, là lõi của khu trung tâm ven sông. Khu vực này rất cần kết nối quảng trường Thủ Thiêm bên kia sông bởi giá trị bến Bạch Đằng vẫn quan trọng hơn.
Trước đây chúng ta không quy hoạch nên trong quy hoạch Thủ Thiêm, Công ty Sasaki Associates (Mỹ) không hiểu giá trị bến Bạch Đằng mà tưởng Công trường Mê Linh giá trị hơn nên mới đặt quảng trường Thủ Thiêm đối diện Công trường Mê Linh.
Công trường Mê Linh có giá trị nhưng không giá trị bằng đoạn bến Bạch Đằng giao với đường Nguyễn Huệ. Bởi trục này là trục chính đô thị trung tâm từ xưa đến giờ. Đường Nguyễn Huệ xưa vốn là con kênh, lấp thành con đường, gần đó có cột cờ Thủ Ngữ. Nếu Sasaki Associates hiểu lịch sử và được làm quy hoạch hai bên trung tâm cùng một lúc thì tôi chắc chắn họ sẽ làm quảng trường Thủ Thiêm đối diện phố đi bộ Nguyễn Huệ chứ không phải xa như hiện tại.
Bây giờ trễ nhưng không muộn. Tôi vẫn cho rằng TP.HCM cần một quy hoạch hợp nhất hai bờ đông - tây hơn là chỉ quy hoạch rời. Hai quy hoạch rời đều đã trên năm năm, sắp tới cũng phải điều chỉnh, theo tôi khi điều chỉnh nên hợp nhất hai quy hoạch lại và có kết nối tốt hơn giữa hai bờ đông - tây.
Khi kết nối hai bờ đông - tây, trục ven sông sẽ là trục cảnh quan chính, là không gian đi bộ, công trình lịch sử, công trình mới ven sông đều trên trục cảnh quan đó.
. Tại sao ông cho rằng trục bến Bạch Đằng - phố đi bộ Nguyễn Huệ quan trọng nhất?
+ Ngoài yếu tố lịch sử, trung tâm Sài Gòn như tôi vừa nói bên trên, khu vực bến Bạch Đằng xung quanh đường Nguyễn Huệ quan trọng còn bởi quy mô hiện nay của phố đi bộ Nguyễn Huệ hoàn toàn không nhỏ hơn quảng trường Thủ Thiêm.
Hiện mỗi lần có sự kiện, phố đi bộ có thể chứa 600.000-700.000 người. Trục này có thể kết nối sang đường Lê Lợi, chợ Bến Thành… khi đó quy mô còn lớn hơn quảng trường Thủ Thiêm.
Tôi vẫn khẳng định ở phố đi bộ quan trọng nhất vẫn là giá trị lịch sử; bởi đây là trục nối quá khứ - tương lai, khi đầu này là công trình UBND TP.HCM và đầu kia là công trình tháp cao 88 tầng Thủ Thiêm sau này.
Phương án quy hoạch khu trung tâm TP.HCM kết nối hai bờ đông - tây với cầu đi bộ, monorail, metro, trục ven sông… theo đề xuất của TS-KTS Ngô Viết Nam Sơn. Ảnh: KTS Ngô Viết Nam Sơn cung cấp
. Ông có thể gợi ý một phương án kết nối từ UBND TP.HCM đến Thủ Thiêm với phương tiện giao thông cụ thể?
+ Khi thấy sự quan trọng của trục này, chúng ta sẽ có nhiều cơ hội. Từ phố đi bộ Nguyễn Huệ đến đoạn giáp bến Bạch Đằng có thể làm đường với những bậc thang lớn ngang vài chục mét nối sang Thủ Thiêm. Khi chúng ta kết nối sang Thủ Thiêm với một cây cầu như vậy thì không cần ngầm hóa ở phía đường Tôn Đức Thắng nữa. Bởi thực tế luồng người từ phố đi bộ từ trung tâm sang bến Bạch Đằng, Thủ Thiêm là luồng người lớn nhất.
Sau này TP còn có trạm metro ngay Thương xá TAX, lượng người đi qua cổng đó hàng trăm ngàn người mỗi ngày, có thể đi bộ 5 phút băng qua bến Bạch Đằng, Thủ Thiêm.
Về mặt kết nối bờ đông - tây, TP đang có cơ hội có một tuyến monorail nối từ Thương xá TAX, gần metro. Monorail chạy trên cao băng qua bên kia sông và chạy đến quảng trường Thủ Thiêm. Tức người dân, du khách muốn qua quảng trường Thủ Thiêm có thể đi bộ khoảng 2 km hoặc đi bằng monorail tầm 2-3 toa. Monorail kết hợp cầu đi bộ trên cao.
Khi tổ chức được như vậy, đường Tôn Đức Thắng sẽ là tuyến đường có cây xanh rất đẹp mà đỡ tốn kém chi phí đường ngầm.
. Thực tế hiện nay, trục phố đi bộ Nguyễn Huệ đang có không gian ngầm nhưng chưa hiệu quả…
+ Nếu TP làm trục ngầm thì nên làm ngầm ngay dưới đường Nguyễn Huệ. Hiện đường Nguyễn Huệ bên dưới không gian ngầm nhỏ, quá phí, chỉ vài khu vệ sinh... Nếu làm ngầm đường Nguyễn Huệ, TP có ga ngầm metro ngay bồn phun nước (giao lộ Lê Lợi - Nguyễn Huệ), từ đó có đường ngầm ra thẳng bến Bạch Đằng. Trong đường ngầm có thể làm các không gian dịch vụ thương mại; bãi xe ngầm Nguyễn Huệ. Bãi xe ngầm kết nối các đường Tôn Đức Thắng, Pasteur, Hai Bà Trưng… quẹo vô đậu ngầm bên dưới sẽ giúp toàn bộ trục trung tâm giảm xe.
Tôi tin làm được như thế sẽ có nhà đầu tư bởi vị trí quá trung tâm và làm sẽ hiệu quả. Tiền cho thuê bãi xe ngầm, dịch vụ thương mại… dư sức trả cho chi phí ngầm hóa phố đi bộ.
Phối cảnh tổng thể khi trung tâm TP.HCM có kết nối hai bờ đông - tây. Ảnh: KTS Ngô Viết Nam Sơn cung cấp
Không nên ngầm hóa đường Tôn Đức Thắng Việc không ngầm hóa đường Tôn Đức Thắng sẽ tiết kiệm ngân sách bởi làm ngầm ven sông cũng phải chống thấm, xử lý nhiều thứ… Tôi tính mét dài kinh phí đường ngầm Tôn Đức Thắng không kém chi phí khi làm hầm Thủ Thiêm. Ngoài ra, làm ngầm còn chắn đường nước thoát ngầm ra sông; nguy cơ nước dội ngược làm ngập khu trung tâm. Nếu không ngầm nữa thì bến Bạch Đằng càng có thêm nhiều cây xanh. Bởi hiện nay, lý do chặt cây trục đường Tôn Đức Thắng là phục vụ cho dự án ngầm hóa đường ở đây. |
. Bên cạnh việc kết nối hai bờ đông - tây, nếu chỉ đoạn Bạch Đằng - Thủ Thiêm, e rằng tất cả cũng sẽ tiếp tục dồn ứ trong tương lai khi Thủ Thiêm phát triển, ông nghĩ sao về vấn đề này?
+ Tôi cho rằng TP cần có một quy hoạch công viên ven sông thống nhất, lâu nay TP muốn làm mà dường như lấn cấn chưa làm.
Đoạn sông từ An Phú bên kia Thanh Đa chạy dài đến khu trung tâm TP, sang đoạn bên này cảng Sài Gòn, bên kia Thủ Thiêm; hai bên sông nên có tuyến cho người đi bộ và xe đạp chạy liên tục.
. Liệu có giống như TP Huế đang làm dọc sông Hương, thưa ông?
+ Đúng rồi, ở Huế đang làm rất đẹp nhưng ở Huế lợi thế hơn TP.HCM ở việc rất ít công trình lấn chiếm ven sông. Nên phương án ở TP.HCM khi làm tuyến đường này nếu có công trình khó giải tỏa thì đoạn nào khó, thay vì chờ thì có thể làm đường vòng tránh công trình. Tôi đặt nặng vấn đề công trình phải liên tục, chưa giải tỏa được ngay thì tính phương án khác và phải làm một trục ven sông liên tục.
Trục ven sông từ Thanh Đa chạy dài đến cảng Sài Gòn, tuyến đó sẽ kết hợp những cụm công trình lịch sử: Cột cờ Thủ Ngữ, khách sạn Majestic, ụ tàu Ba Son, Bảo tàng Tôn Đức Thắng… cùng những công trình mới: Nhà hát, trung tâm triển lãm quy hoạch, Công viên Vinhomes…
Bên cạnh đó, dọc tuyến này có thể làm một số điểm dịch vụ thương mại ngắm cảnh, nghỉ chân; chúng ta sẽ có những bãi xe dọc tuyến này. Khi đó, người dân thay vì chạy xe đến bến Bạch Đằng để đi tham quan trung tâm thì có thể đậu xe ở An Phú rồi đạp xe đạp dạo chơi vào TP.
TP lúc đó sẽ có nhiều bãi xe, để khi có những lễ hội, xe sẽ không bị dồn ứ trong khu trung tâm; người dân thong dong đi xe đạp, đi bộ vào trung tâm. Tôi hình dung lúc đó lễ hội sẽ không chỉ là khu bến Bạch Đằng mà tập trung hai bên sông đèn sáng, người đi lại dập dìu… suốt hai tuyến.
Thậm chí, người dân, du khách có thể đi đường sông, tấp vào các trạm nghỉ chân là bến thuyền… Cả chục cây số ven sông người đi bộ dập dìu nhưng khu trung tâm không kẹt xe, luồng giao thông phân tán, nguyên tuyến này TP có thể trồng cây bóng mát hai bên.
. Xin cám ơn ông.
Cấp thiết phủ cây xanh ở bến Bạch Đằng, phố đi bộ Nguyễn Huệ “Thực tế việc chỉnh trang bất cứ công viên nào, dù công viên cảnh quan để ra ngắm sông thì cũng cần phải có những cụm cây cao tạo bóng mát. Nên 20-30 m phải có cụm cây để người dân nắng cũng phải có chỗ núp mát. Không thể trưa, khi trời nắng thì công viên trống lốc người vì nắng. Không bóng cây xanh ngay khu vực đài phun nước Phố đi bộ Nguyễn Huệ - giao Lê Lợi. Trước đây khi chưa có phố đi bộ, đài phun nước che mát bởi hàng liễu xanh. Công viên bến Bạch Đằng hiện quy hoạch, cách làm đang y như phố đi bộ Nguyễn Huệ. Tôi cho rằng đó không phải là cách làm tốt. Phải có những cụm cây cao bóng mát và tầm nhìn ra sông vẫn thoáng, mát xanh. Bến Thượng Hải, phía bờ tây vẫn có cây cao bóng mát chứ không phải như bờ bến Bạch Đằng hiện tại” - TS-KTS Ngô Viết Nam Sơn chia sẻ. Nên chú trọng thêm hướng nhìn của Đức thánh Trần Hưng Đạo Công trình Công trường Mê Linh trước năm 1975 do thân phụ của KTS Ngô Viết Nam Sơn là KTS Ngô Viết Thụ thiết kế. Đánh giá về việc chỉnh trang lần này của TP với Công trường Mê Linh, TS-KTS Ngô Viết Nam Sơn cho biết: “Trong đồ án chỉnh trang hiện giờ đã giữ gần hết những cơ cấu quy hoạch quảng trường ban đầu. Nên chú trọng thêm hướng nhìn của Đức thánh Trần Hưng Đạo Lúc ba tôi làm, ban đầu tại vị trí đặt tượng Trần Hưng Đạo người ta đặt tượng Hai Bà Trưng, sau đó họ đặt Trần Hưng Đạo. Bệ tam giác thời Hai Bà Trưng với phần rỗng bên dưới thoáng hơn khi nhìn ra phía sông; tuy nhiên khi dựng tượng Đức thánh Trần Hưng Đạo, phần bệ đã được bít lại thành bệ tam giác nhìn ra sông như hiện nay. Quy hoạch ban đầu của ba tôi tầm nhìn từ tượng đài hướng nhìn thoáng ra sông nên tôi cho rằng cải tạo khu vực Công trường Mê Linh và tượng Đức thánh Trần Hưng Đạo hiện nay đang tôn trọng thiết kế lịch sử, giữ dáng vóc của vị trí lịch sử; sắp tới nên tôn tạo phần lư hương. Bởi ngoài yếu tố là công trường, lịch sử tượng Đức thánh Trần Hưng Đạo chỉ tay ra sông với ý nghĩa lần này đi không thắng giặc Nguyên, ông sẽ không về lại nữa. Khi chỉ ra sông, hiện thiết kế của bến thuyền bên phía sông nếu được nên cải tạo để hướng từ tượng nhìn ra thoáng hơn. Phần mái khu vực bến thuyền ngay trục chính nên làm mái kính đảm bảo che mưa nắng nhưng giúp hướng nhìn từ tượng ra thoáng sẽ phù hợp hơn với ý nghĩa lịch sử - tức Đức thánh Trần Hưng Đạo đang chỉ ra sông chứ không phải chỉ ra nhà chờ bến thuyền. Chỗ nhà chờ nên thêm cây xanh để khu vực này thoáng hơn thành quần thể đẹp cùng với kiến trúc của Công trường Mê Linh”. |