Sài Gòn đáng yêu lắm, đừng 'sợ hãi' khi đến nơi này!

Dy Khoa là nhà báo, tác giả của cuốn sách Đi qua hai mùa dịch. Dưới đây là bài viết chia sẻ câu chuyện hơn 10 năm trước anh xuống TP. HCM nhập học: 

Hơn 10 năm trước, tôi bỡ ngỡ đặt chân đến đất Sài thành với biết bao sự tò mò, mong muốn được khám phá. Thời điểm đó, tôi một thân một mình từ quê nhà xuống TP.HCM kiếm trường học, rồi lần sau cũng một mình xuống TP.HCM để tìm nhà trọ. Tất cả tôi đều đi một mình.

Không phải vì mẹ tôi không thương con mà do tôi muốn bản thân có cơ hội trưởng thành. Bởi lúc đó tôi nghĩ chỉ có tự đi trên đôi chân của mình mới mở được nhiều cánh cửa mới mẻ.

Cả hai lần ấy mẹ luôn là người đặt vé xe. Còn tôi thì vạch trước cho mình một lộ trình hợp lý nhất từ bến xe đến các điểm trường hoặc nhà trọ. Lúc đó Internet chưa phổ biến như bây giờ, nhất là đứa trẻ ở vùng nông thôn như tôi. Tôi tranh thủ ra quán net dịch vụ để tìm hiểu thông tin, tra cứu bản đồ đường đi lẫn các phương tiện kết nối. Tôi nhớ mình làm kỹ tới mức từ xuống trạm buýt thì đi bộ bao nhiêu mét sẽ đến điểm cần đến. Khi đó, trung tâm điều hành phương tiện vận tải công cộng có trang web hướng dẫn đi xe buýt. Tôi là “mối quen” của trang web này.

Nhờ lịch trình lên sẵn nên tôi đỡ phải lúng túng khi xuống bến xe hay chuyển địa điểm. Tôi nhớ khi đó tôi xuống bến xe An Sương và lên xe số 4 ngay trong bến xe. Sau đó xuống xe ở một trạm trên đường rồi di chuyển bằng một xe khác. Một ngày đầu tiên của tôi trở thành chàng sinh viên Sài Gòn cũng khá suôn sẻ.

Đến lúc nhập học cũng vậy, tự mình rảo xung quanh trường có phòng trọ nào phù hợp không. Đúng là sinh viên năm nhất nào cũng “ngu ngơ” khoản này. Tôi soạn sẵn danh sách nhưng điều bản thân thắc mắc để hỏi chủ trọ cho bằng hết như ngoài tiền tháng còn tiền gì, mấy giờ nhà đóng cổng... Dĩ nhiên trong quá trình sống sẽ còn phát sinh nhiều thứ nhưng động não hỏi cũng là cách tạo sự yên tâm cho bản thân.

Dy Khoa, những ngày chân ướt chân ráo mới xuống Sài Gòn. 

Vào học tôi bắt đầu tìm hiểu chuyến xe buýt gần nhà trọ đến trường. Lịch trình cũng được lên tương tự như đã từng. Sau này, đến khi có cơ hội đi du lịch nhiều nơi, tôi vẫn duy trì thói quen với quan điểm: Một lần lên lịch trình là một lần trải nghiệm điểm đến. Nó giúp bản thân giảm bớt sự bỡ ngỡ hơn là không chuẩn bị gì.

Các bạn đừng bao giờ nghĩ “hóng chuyện” là một chuyện xấu. Chỉ nghe và đi mách lại với người khác mới là thói quen cần bài trừ. Nghe ngóng những chuyện diễn ra xung quanh để tu chỉnh bản thân. Lấy kinh nghiệm của người khác làm kinh nghiệm cho mình.

Tận dụng các quen biết sẵn có, dù thân hay sơ, biết nói “tôi cần giúp đỡ” là bài học mà bản thân "thằng Khoa" hồi 18 tuổi đúc kết được. Chúng ta cứ bị ngại mở lời đề nghị ai đó giúp đỡ vì quan niệm người Việt cứ ai đó giúp mình nghĩa là mang ơn. Vậy nên ai cũng e dè. Đó là một thói quen không hề tốt. Khi ấy, tôi đã hỏi tất cả mối quan hệ mà tôi biết được về cách đi lại, hàng quán, cả việc chọn chú xe ôm tin tưởng…

Hỏi cán bộ trường để họ chỉ cách học. Hỏi giảng viên để biết cách qua môn. Hỏi bạn bè xung quanh để họ trở thành tri kỷ, có người chia sẻ khi bạn buồn vui. Hỏi hàng xóm để biết đâu là quán ăn cần né để không bị chặt chém...

Là một người quảng giao, tôi sẵn sàng kết bạn với tất cả. Chỉ có như vậy mới có thể biết được các tính cách đang tồn tại trong xã hội.

Ngoài ra, hãy tin vào linh cảm. Nếu linh cảm mách bảo thôi thì đừng cố gắng. Linh cảm thường xảy ra dựa vào kinh nghiệm sống của bản thân. Đó chính là lý do tồn tại câu nói “gừng càng già càng cay”. Những người trẻ, trải nghiệm ít thì cũng tin nên những nền tảng đó.

Sài Gòn với tôi và nhiều người vẫn luôn là vùng đất hứa. Nơi này cho tôi công việc và những người bạn, anh chị đồng nghiệp tuyệt vời. Sài Gòn là vùng đất cởi mở, dang tay chào đón với tất cả!

Khi cử nhân mặc áo lính
Khi cử nhân mặc áo lính
(PLO)- Khi nhập ngũ, tôi không có ý định sẽ gắn bó với nó lâu dài, tự nhiên có duyên từ đâu trên trời rơi xuống và... thế là...

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm