Theo tờ Bưu điện Hoa nam buổi sáng, mặc dù được kỳ vọng sẽ phát biểu với tư cách một đại biểu của nhân dân, hoặc một nhà tư vấn chính trị, vậy nhưng nhiều đại biểu là các doanh nhân tỷ phú đã tranh thủ kỳ họp có sự tham gia của các quan chức hàng đầu để quảng cáo cho những dự án, sản phẩm mới của công ty mình.
Hồi tuần trước, tân tỷ phú giàu nhất Trung Quốc Li Hejun, chủ của công ty năng lượng mặt trời Hanergy, đã có bài phát biểu về lợi ích của các pin năng lượng mặt trời màng mỏng tại kỳ họp của Hội nghị hiệp thương chính trị nhân dân Trung Quốc (CPPCC), nơi ông này là đại biểu.
Một đại biểu CPPCC khác là Li Yanhong, nhà sáng lập gã khổng lồ tìm kiếm Baidu, thì đề xuất triển khai trên toàn quốc dự án “Bộ não Trung Quốc” để phát triển các hệ thống trí tuệ nhân tạo (AI).
AI là một thuật ngữ khoa học, được giới thiệu bởi nhà khoa học máy tính Mỹ John McCarthy, ám chỉ “khoa học và kỹ thuật tạo ra các cỗ máy thông minh”. Li Yanhong hồi năm ngoái đã công bố rằng Baidu đã bắt đầu tiến vào lĩnh vực này với dự án “Bộ não Baidu”.
“Rõ ràng là không phù hợp khi một đại biểu chỉ tập trung vào chuyên ngành của công ty mình khi đưa ra các đề xuất tại các kỳ họp quốc hội”, Yu Ruiyu, phó chủ tịch Viện kế toán công được chứng nhận đồng thời là một đại biểu Quốc hội Trung Quốc khẳng định.
“Chúng ta lẽ ra phải nói về các vấn đề được nhiều người quan tâm hơn, như đời sống nhân dân và cải thiện hệ thống pháp lý”, bà Yu nói.
Ge Jianxiong, một giáo sư đại học Fudan, đồng lời là đại biểu CPPCC đã so sánh diễn văn của ông Li Hejun tại quốc hội với “chương trình quảng cáo trên truyền hình quốc gia”.
Nó giống như nói với các cổ đông của công ty ông ấy rằng “chính phủ Trung Quốc ủng hộ ông ấy”, và rằng “sản phẩm và công ty của ông ấy có một tương lai đầy hứa hẹn”, giáo sư Ge nói.
“Cho dù sản phẩm hoặc công ty của ông ta có đáng quảng bá, tốt hơn là để bên thứ ba không có liên quan tới họ, như các nhà khoa học danh tiếng hoặc doanh nhân làm việc đó, thay vì chính bản thân ông ta”.