Chợ Bến Thành, nhà thờ Đức Bà… chưa là di tích!

Tòa dinh Thượng thơ ở 59-61 Lý Tự Trọng, quận 1, TP.HCM có thể sẽ bị đập bỏ theo đồ án thiết kế công trình mở rộng và nâng cấp trụ sở HĐND và UBND TP.HCM. Tại buổi họp báo mới đây, lãnh đạo Văn phòng UBND cho biết lý do không giữ lại dinh Thượng thơ là vì nó không nằm trong danh mục bảo tồn.

Pháp Luật TP.HCM có cuộc trao đổi với ông Trương Kiêm Quân, Giám đốc Trung tâm Bảo tồn và phát huy giá trị di tích lịch sử-văn hóa, Sở VH&TT TP.HCM, xung quanh vấn đề này.

Dinh Thượng thơ vẫn còn giá trị

. Phóng viên: Thưa ông, công trình dinh Thượng thơ đã có hàng trăm năm tuổi và gắn liền với lịch sử phát triển của TP.HCM, tại sao nó không có trong danh mục bảo tồn?

+ Ông Trương Kim Quân: Theo quy định tại Luật Di sản, muốn lập hồ sơ công nhận di tích một công trình thì hồ sơ phải đảm bảo các yếu tố: Thứ nhất là phải có đơn đề nghị của đơn vị chủ quản; thứ hai là công trình đó phải có giá trị tiêu biểu và tất cả yếu tố gốc vẫn còn được giữ nguyên vẹn. Dinh Thượng thơ hiện nay đều không đáp ứng được các điều kiện này nên không đưa vào danh mục kiểm kê để lập hồ sơ xét công nhận di tích.

Về công trình này, chúng tôi đã khảo sát nhiều lần và nhận thấy hiện chỉ còn giá trị kiến trúc mặt đứng bên ngoài. Còn phía trong, qua nhiều năm sử dụng đã thay đổi hoàn toàn so với giá trị gốc. Xét tổng thể thì không đảm bảo được yếu tố tiêu biểu. Do đó, dinh Thượng thơ không đủ điều kiện để xét xếp hạng di tích.

Tuy nhiên, hiện nay TP cũng có chương trình bảo tồn cảnh quan kiến trúc đô thị (gọi tắt là chương trình bảo tồn - PV) do Sở QHKT phụ trách. Chương trình này có tiêu chí thấp hơn so với công trình được công nhận là di tích và không chịu ràng buộc khắt khe của Luật Di sản, cụ thể là không cần phải có đơn của người sở hữu và chỉ cần không thay đổi hình thức bên ngoài. Nếu nằm trong chương trình bảo tồn thì nó cũng sẽ được bảo vệ.

. Và hiện nay dinh Thượng thơ cũng không nằm trong danh mục bảo tồn cảnh quan kiến trúc của TP?

+ Tôi được biết để xếp các công trình danh mục bảo tồn thì phải qua hội đồng QHKT do Sở QHKT chủ trì phối hợp với rất nhiều thành viên gồm các nhà khoa học, các hội kiến trúc sư, mỹ thuật, khoa học lịch sử… để xét duyệt cho từng công trình cụ thể.

Về dinh Thượng thơ, Sở QHKT và Viện Nghiên cứu phát triển cũng đã họp đánh giá công trình này nhưng cụ thể thế nào thì tôi không nắm. Nhưng việc Sở QHKT trưng bày phương án thiết kế mở rộng trụ sở UBND TP để lấy ý kiến người dân cũng cho thấy tinh thần cầu thị và lắng nghe ý kiến người dân, các nhà khoa học cũng như các chuyên gia. Tôi cho rằng phương án thiết kế sẽ còn được chỉnh sửa và tiếp tục hoàn thiện.

Số phận của dinh Thượng thơ mai này sẽ ra sao? Ảnh: VIỆT HOA

Phập phồng số phận hàng loạt công trình lịch sử

. Vậy là rất có thể một ngày nào đó các công trình mang tính biểu tượng của Sài Gòn-TP.HCM như nhà thờ Đức Bà, chợ Bến Thành, Bưu điện TP... cũng sẽ bị xóa sổ do chúng không phải là di tích?

+ Trên địa bàn TP hiện có 170 di tích đã được công nhận và còn khoảng 100 công trình đang nằm trong danh mục kiểm kê để lập hồ sơ xét duyệt di tích. Trong đó, các công trình có giá trị lớn như nhà thờ Đức Bà, Bưu điện TP, chợ Bến Thành, kho bạc nhà nước, trụ sở tòa nhà Hải quan, Trường THPT Trưng Vương… đều đã có tên trong danh mục kiểm kê này.

Khi chưa được công nhận là di tích mà ở trong danh mục kiểm kê thì vẫn sẽ được ứng xử như di tích, chỉ có điểm khác biệt là thời hạn chỉ được năm năm. Sau thời gian này, cá nhân/tổ chức sở hữu di tích sẽ có quyền thay đổi ý kiến.

. Như vậy, việc có trở thành di tích hay không phụ thuộc vào ý chí của chủ sở hữu?

+ Một trong những điều kiện tiên quyết trong Luật Di sản quy định là phải có sự đồng thuận của chủ sở hữu. 100 công trình nằm trong danh mục kiểm kê, có nhiều công trình chúng tôi phải làm việc rất nhiều lần, thậm chí năn nỉ chủ sở hữu để lập hồ sơ xét duyệt công nhận di tích. Tuy nhiên, đa phần họ chỉ đồng ý vào danh mục kiểm kê (có giá trị trong vòng năm năm) mà không muốn đưa vào di tích (bảo tồn vĩnh viễn).

Tâm lý của đa số chủ sở hữu đều lo ngại sẽ bị hạn chế quyền lợi về xây dựng, sửa chữa. Chẳng hạn như công trình Bưu điện TP, gần như năm nào chúng tôi cũng có văn bản gửi đến cơ quan này để đề nghị đưa vào di tích. Tuy nhiên, họ vẫn chỉ đồng ý vào danh mục kiểm kê, còn vào di tích thì phải… từ từ.

. Xin cám ơn ông.

Cách quản lý di sản “có vấn đề”

Nếu như việc dinh Thượng thơ không nằm trong danh sách di tích bảo tồn của TP.HCM là lý do chính để phá bỏ tòa nhà lịch sử này thì có lẽ cách quản lý di sản hiện nay của chúng ta đang có vấn đề khá nghiêm trọng. Bởi hiện nay nhiều công trình di sản như nhà thờ Đức Bà, Bưu điện TP… và nhiều công trình lịch sử có giá trị khác của Sài Gòn 300 năm đều không có tên trong danh sách này. Và đó có thể cũng sẽ là lý do “hợp pháp” tương tự để phá bỏ các công trình này bất kỳ lúc nào, khi cần xây nhà cao tầng “để phát triển”.

Kiến trúc sư NGÔ VIẾT NAM SƠN

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm

Đọc nhiều
Tiện ích
Tin mới