Chợ chiếu “Âm Phủ”

Khu chợ toàn chiếu là chiếu, thơm nồng mùi cỏ cói, mùi nắng, bày ngổn ngang ở một phiên chợ khuya, giữa những âm thanh hỗn độn của các cuộc mua bán chóng vánh.

Trắng đêm mưu sinh

Những mệt nhọc của ban ngày phả vào đêm tối, hàng trăm chiếc xe đạp lò dò trong bóng đêm tĩnh mịch, những người loạng choạng đưa tay quờ trên mặt đất tìm chỗ để đặt những đôi chiếu trắng xuống nền chợ. Ánh sáng yếu ớt của đèn pin hắt ra từ khu chợ, cảnh kẻ mua người bán cứ nhập nhoạng khiến nhiều người nhát vía nghĩ đó là trò đùa của những con ma trơi vào lúc nửa đêm. Có điều lạ, từ hàng trăm năm nay, bao người vẫn cứ uể oải với cảnh giao dịch tranh tối tranh sáng ở chợ chiếu “Âm Phủ” (xã An Lễ, huyện Quỳnh Phụ, Thái Bình).

Đúng 0 giờ 30, người dân lũ lượt đổ về chợ Âm Phủ. Trên từng đôi quang gánh nặng trĩu vai là vài đôi chiếu trắng được phơi vội nên mùi thơm của cói, của nắng vẫn còn phảng phất. Người dân ở đây vẫn gọi vui là chợ Âm Phủ hay chợ Ma (tên thật là chợ Đồng Bằng) bởi chợ được họp vào một khung giờ oái oăm từ 1 giờ đến 4 giờ và chỉ bán duy nhất mặt hàng chiếu mộc hay còn gọi là chiếu trắng dệt bằng tay. Chợ họp vào các ngày 4, 9, 14, 19, 24, 29. Gần 1 giờ sáng, người bán đã đông đủ. Trong lúc chờ thương lái đến mua chiếu, nhiều người ngả chiếu xuống ngồi nói chuyện về giá đay, giá cói, chuyện đồng áng, chuyện con cái học hành… Những câu chuyện xen lẫn những cái ngáp ngủ, dù uể oải nhưng cũng xua tan được nỗi buồn của một phiên chợ khuya. Có người còn tranh thủ trải chiếu ngả lưng cho đỡ mệt.

Chợ chiếu đêm nào cũng sầm uất và đông nghịt người. Cảnh giao dịch diễn ra trong bóng tối với những chiếc đèn pin dùng để soi chất lượng chiếu của cánh dân buôn.

Có mặt gần như sớm nhất ở chợ chiếu, chị Trần Thị Nến (An Vũ, Quỳnh Phụ) mới hơn 40 tuổi nhưng tóc đã bạc gần hết, người gầy nhom, da đen nhẻm. “Ngót hai chục năm mòn gót chân đi chợ chiếu đêm, hết chợ An Tràng lại đến chợ Sổ, chợ Ma, quanh đi quẩn lại, chẳng đêm nào được một giấc ngủ say thì tóc bạc nhanh có gì lạ. Lúc người ta ngủ mình lại lọ mọ sắp đồ đi chợ” - chị Nến nói. Đi chợ từ thuở con gái, nay các con đã khôn lớn, chị vẫn còng lưng cõng chiếu bán ở chợ đêm. Dù mệt mỏi nhưng không phiên nào chị bỏ chợ. Mỗi đêm chị bán khoảng chục lá chiếu, có hôm bán được 300.000-400.000 đồng/đôi, hôm nào cói xấu chỉ bán được 200.000 đồng. Tính ra công dệt mỗi đôi chiếu chỉ 30.000-50.000 đồng, mỗi tháng hai vợ chồng chị chăm chỉ cũng kiếm được 4-5 triệu đồng.

Thoáng chốc chợ chiếu đã đông nghịt, cả người bán và người mua lên tới 300-400 người, chủ yếu là phụ nữ trung niên. Mọi người đến đây từ nhiều vùng dệt chiếu: An Lễ, An Dục, An Tràng, Đồng Tiến, An Vũ… thậm chí có nhiều người dân từ huyện Đông Hưng xa xôi cũng chở chiếu về đây bán.

Bà Nguyễn Thị Năm 70 tuổi chia sẻ: “Gần 50 năm nay đêm nào tôi cũng đi chợ, mỗi phiên bán vài đôi chiếu kiếm tiền thêm chứ trông vào ruộng lúa thì sao mà đủ sống được. Mỗi tháng cũng được 2 triệu đồng, chiếu đã nuôi nhà tôi mấy đời nay rồi đấy cô ạ!”. Đi chợ từ lúc tóc còn xanh nay tóc đã ngả gần hết sang màu bạc nhưng chính bà Năm cũng không hiểu vì sao có tập tục lạ oái oăm họp chợ ban đêm, chỉ biết rằng chợ được họp từ hàng trăm năm nay rồi. Cả gia đình bà từ con gái, con dâu, con rể đến đời cháu chắt đều gắn bó với nghề dệt chiếu. Theo bà Năm, sở dĩ chiếu Quỳnh Phụ luôn được ưa chuộng bởi được dệt bằng tay nên chiếu bền, nằm mát, êm ái, rất thích hợp với người già.

Những người phụ nữ này ban ngày miệt mài với việc đồng áng và dệt chiếu, cách vài hôm lại mang chiếu ra chợ bán. Ảnh trong bài: HUỆ BẠCH

Tấp nập thương lái

2 giờ đêm, chợ bắt đầu nhao nhao với các cuộc thương lượng, mặc cả. Mỗi người ôm vài đôi chiếu dựng đứng thẳng tắp, đứng dài kín khu chợ chỉ chừa một lối đi nhỏ cho các thương lái soi đèn và mặc cả. Ngày trước, thương lái dùng đèn dầu để soi rõ từng sợi đay, nay họ dùng các loại đèn điện loại cực sáng, đèn mỏ treo đầu. Theo ông Trương Công Chinh (An Vũ, Quỳnh Phụ) thì chỉ cần soi đèn, chiếu xấu, chiếu đẹp gì cũng biết ngay. Với kinh nghiệm 25 năm buôn chiếu, ông Chinh cho rằng chiếu đẹp là các chiếu được dệt bằng sợi đay, cói phải già, tròn, bóng, dày và cứng chiếu, đường dệt đẹp. Còn chiếu xấu thường mỏng, lỏng lẻo do sợi cói bị non, dệt ẩu.

Giá bán buôn chiếu dao động từ 200.000 đến 400.000 đồng/đôi, nếu chiếu đẹp, dệt bằng cỏ cói tự trồng vùng này giá có thể lên tới 600.000 đồng/đôi. Mỗi đêm, ông Chinh mua buôn khoảng 300 đên 400 lá chiếu trắng, sau đó đem về phơi màu, in hoa lên chiếu rồi chở bán sang các tỉnh. Đêm nào cũng vậy, chiếc xe ba gác tự chế của ông luôn nặng nề rời chợ muộn nhất sau khi đã được chất đầy chiếu. Nhiều thương lái các tỉnh cũng tìm về đây mua buôn chiếu. Mỗi phiên, một người mua từ vài chục đến vài trăm đôi về phơi nắng, in hoa hoặc cứ để nguyên chiếu mộc xuất đi các nơi. Đêm nào chợ chiếu cũng đông nghịt người, bán cả vạn đôi chiếu.

Không thể thay đổi phong tục?

“Thú thật là tôi mệt mỏi lắm, hơn 50 năm mòn mỏi ở khu chợ này đến giờ này thì như đã kiệt sức. Bây giờ tôi chỉ có mong muốn là chợ chiếu Âm Phủ này được họp vào ban ngày để những nông dân như chúng tôi sau một ngày dài lao động quần quật không phải trắng đêm ở chợ chiếu nữa” - bà Năm thở dài.

Nhiều người nông dân bán chiếu ở chợ cho biết họ như bị nghẹt thở bởi công việc ngập đầu từ sáng cho đến thâu đêm. Nhiều người buôn chiếu giải thích, vì chiếu là mặt hàng cồng cềnh, họp vào ban đêm sẽ tiện cho giao thông đi lại. Hơn nữa, buổi đêm soi đèn sẽ nhìn rõ chiếu xấu hay tốt, đặc biệt thu mua xong về có thể về phơi nắng rồi xuất đi luôn.

Nằm cạnh quốc lộ 10 nối Thái Bình, Nam Định và Hải Phòng, Quảng Ninh, chợ Âm Phủ có truyền thống buôn bán chiếu nổi tiếng. Ngoài chợ Âm Phủ còn có chợ chiếu An Tràng (xã An Tràng), chợ Sổ (xã An Dục), tất cả đều họp từ 1 giờ đến 4 giờ sáng nhưng lệch ngày nhau. Chợ đêm đã trở thành phong tục lâu đời của người dân Quỳnh Phụ.

Cuộc sống người nông dân ở đây hối hả từ tinh mơ sáng cho tới đêm, ngày quần quật với ruộng đồng, kẽo kẹt khung dệt, đêm đến lại ra mò mẫm ở chợ chiếu. Nhiều lần, lịch họp chợ đã được thử đổi sang ban ngày nhưng sự thiếu đồng bộ giữa chính quyền với người buôn, người bán và “phong tục ăn mòn vào máu rồi” nên muốn thay đổi cũng khó. Ông Đinh Văn Thuẫn, Chủ tịch xã An Lễ, cho rằng: “Xã đã nhiều lần đóng cửa chợ, không cho họp chợ vào đêm khuya vì ảnh hưởng đến an ninh trật tự nhưng cấm mãi vẫn không được. Chợ đã trở thành truyền thống lâu đời nên việc thay đổi cũng không thể trong một sớm một chiều”.

Ông Thuẫn cũng cho biết An Lễ được coi là làng nghề se đay, dệt chiếu bởi trong 2.000 hộ dân thì có đến 90% người dân làm nghề này. Những năm gần đây, do sự phát triển mạnh của các mặt hàng chiếu nhựa, chiếu trúc, chiếu dệt máy nên chỉ còn 30%-40% hộ còn giữ được nghề truyền thống. Nguồn đay nguyên liệu do người dân tự trồng hoặc mua từ các tỉnh phía Nam.

Hơn 4 giờ sáng, chợ tan không còn bóng người, hai hàng ăn nơi cuối chợ cũng gói gém chuẩn bị ra về. Đằng xa, dáng chị Nến thất thểu khuất vào đêm tối, trên xe vẫn còn ế lại năm đôi chiếu, vừa đi vừa lẩm bẩm: “Chẳng biết có từ bao giờ, quê tôi lại họp chợ chiếu ban đêm. Hết chợ An Tràng, chợ Âm Phủ, lại đến chợ Sổ, quay đi quẩn lại đã bạc mái đầu!”.

HUỆ BẠCH

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm

Đọc nhiều
Tiện ích
Tin mới