Chợ đồng loạt mở cửa: Tiểu thương sốt ruột chờ khách

Từ khi TP.HCM nới lỏng giãn cách xã hội (ngày 1-10) đến nay, đã có hơn 100 trong tổng số 234 chợ truyền thống hoạt động trở lại. Tại nhiều địa phương khác như Hà Nội, Cần Thơ, Đà Nẵng…, chợ cũng đã hồi sinh sau một thời gian dài “cửa đóng then cài”. Tuy nhiên, nhìn chung sức mua ở các chợ còn thấp.

Mở cửa chợ an toàn

Sau thời gian dài bị phong tỏa, ngày 21-10 vừa qua, chợ Long Biên (quận Ba Đình, Hà Nội) đã hoạt động trở lại. Trước khi vào chợ, các tài xế, tiểu thương đều được yêu cầu đo thân nhiệt, quét mã QR. Hệ thống phun khử khuẩn hoạt động liên tục ngay trước lối vào.

Được trở lại với quầy hàng hải sản của mình sau hơn hai tháng tạm nghỉ dịch, chị Nguyễn Thị Thương vui mừng cho biết: Sau khi được thông báo về việc chợ hoạt động trở lại, chị đã nhập các mặt hàng từ rất sớm để kịp mang ra chợ bán.

“Không chỉ có tôi mà nhiều tiểu thương ở đây trong thời gian qua bị ảnh hưởng nặng nề của dịch bệnh. Tất cả thu nhập của gia đình đều trông đợi vào gian hàng ở chợ nên tôi rất phấn khởi khi được buôn bán trở lại. Mong dịch sớm bị đẩy lùi để mọi người an tâm làm việc, kinh doanh để có tiền lo cho cuộc sống” - chị Thương chia sẻ.

Ông Nguyễn Văn Loan, Phó Trưởng Ban quản lý chợ Long Biên, thông tin: Tất cả quầy hàng đều lắp tấm chắn giọt bắn, có mã QR để khách có thể quét khi tới mua hàng. “Các tiểu thương phải tiêm ít nhất một mũi vaccine phòng COVID-19. Bên cạnh đó, chợ thiết lập một khu vực riêng nhằm cách ly tạm thời để đáp ứng yêu cầu xử lý nhanh các trường hợp có nghi nhiễm virus SARS-CoV-2…” - ông Loan nói.

Tại TP.HCM, hàng loạt chợ cũng tái khởi động sau thời gian “ngủ đông”. Đơn cử chợ Bàn Cờ ở quận 3 vừa chính thức mở cửa phục vụ người dân đến mua sắm. Ban quản lý chợ sắp xếp phân luồng một lối ra, một lối vào, đặc biệt chợ còn bố trí một phòng cách ly tạm thời đúng theo tiêu chí “có phương án xử lý khi đơn vị có ca nghi nhiễm COVID-19”.

Không gian chợ thoáng, mỗi gian hàng đều trang bị màn chắn, người mua trả tiền và nhận hàng qua một cái rổ để tránh tiếp xúc trực tiếp. Trước mỗi sạp đều trang bị cồn khử khuẩn và niêm yết giá rõ ràng.

Ghi nhận cho thấy không khí mua sắm chưa nhộn nhịp, tuy nhiên khách hàng bày tỏ yên tâm với cách tổ chức của chợ. Bà Phạm Thị Thúy Hằng, Phó Chủ tịch UBND quận 3, nhấn mạnh trong giai đoạn hiện nay, quận muốn thực hiện mở cửa chợ từng bước, thận trọng, an toàn và sẽ phát triển quy mô tiểu thương tham gia bán hàng ngày càng nhiều hơn.

Chợ Bình Tây (TP.HCM) đã mở cửa trở lại nhưng vì sợ dịch nên khách chưa nhiều. Ảnh: TÚ UYÊN

Thiếu hàng, sức mua còn thấp

Ghi nhận thực tế cho thấy một số chợ hiện đã hoạt động 100% công suất, số khác chủ yếu chỉ bán mặt hàng thực phẩm tươi sống. Số lượng tiểu thương mở bán trở lại còn ít, khách đi chợ chưa đông và sức mua yếu.

Đơn cử tại chợ Bình Tây (quận 6), nhiều ngành hàng như mũ nón, giày dép, bánh kẹo… mở bán trở lại thưa thớt. Bà Thanh Vân, chủ một sạp bánh kẹo tại chợ Bình Tây, đánh giá chợ mở bán trở lại nhưng khách hàng còn sợ dịch, chưa đi chợ nên sức mua èo uột. Hầu như các tiểu thương mở cửa bán “cho có tụ” chứ khách lẻ, khách sỉ đều chưa đi mua sắm.

 “Xe chạy liên tỉnh vẫn còn gặp nhiều khó khăn, khách hàng không đi lại được. Hơn nữa, các lò bánh kẹo tại miền Tây như Cần Thơ, Vĩnh Long cũng chưa tái sản xuất nên chưa lấy được nhiều hàng để bán” - bà Vân kể.

Tương tự, bà Thanh Hà, tiểu thương tại chợ Bình Tây, nói hiện nay tiểu thương gặp khó khăn khi nhập hàng. Ví dụ, muốn mua 10 món thì chín món không có vì nhiều công ty chưa hoạt động lại do công nhân về quê. Do đó, hiện giờ trong kho còn món gì tiểu thương bán món đó.

Chưa kể ngày 18-10 vừa qua, các nhà cung cấp lại báo tăng giá một số mặt hàng. Ví dụ, hộp nhựa 25.000 đồng nay lên 35.000 đồng/cái, móc nhôm cũng lên giá 50.000 đồng/100 cái. Giá tăng nên tiểu thương càng khó bán hàng hơn.

Bà Hương Xuân, tiểu thương ngành hàng bánh mứt chợ Bến Thành, cũng cho hay sau thời gian tạm nghỉ dịch nay buôn bán lại nhưng không bán được nhiều. Chợ vắng do người dân e ngại dịch bệnh, chi tiêu tiết kiệm. “Mọi năm, vào thời điểm này tiểu thương đã chuẩn bị đặt hàng cho mùa tết nhưng năm nay vẫn án binh bất động” - bà Xuân nói.

Chợ Bình Tây (TP.HCM) đã mở cửa trở lại nhưng vì sợ dịch nên khách chưa nhiều. Ảnh: TÚ UYÊN

Mong được giảm thuế, phí

Bà Hương Xuân, tiểu thương ngành hàng bánh mứt ở chợ Bến Thành, cho hay ban quản lý chợ đã tiến hành hỗ trợ cho mỗi hộ 300.000 đồng/tháng, tính chung mỗi hộ được hỗ trợ trong sáu tháng là 1,8 triệu đồng. Tuy nhiên, số tiền hỗ trợ không thấm vào đâu so với thiệt hại hàng hóa hơn 10 triệu đồng trong mấy tháng đóng cửa. Đó là chưa kể mấy tháng doanh thu bằng 0.

“Vì vậy, chúng tôi mong từ nay đến cuối năm tiểu thương sẽ được miễn hoặc giảm thuế, phí chừng nào hay chừng đó để bớt khó khăn” - bà Xuân kiến nghị.

Bà Thanh Vân, tiểu thương chợ Bình Tây, cũng thông tin thời gian qua được hỗ trợ 1,8 triệu đồng. Vì buôn bán khó khăn nên các tiểu thương đều mong muốn được giảm một nửa hoặc miễn toàn bộ tiền thuế, phí các loại. Tuy nhiên, từ khi mở bán trở lại chưa nghe thông tin có được miễn, giảm thuế, phí gì hay không. “Thu nhập của gia đình đều trông đợi vào gian hàng ở chợ” - bà Vân chia sẻ.

Theo Cục Thống kê TP.HCM, tính đến ngày 10-9, TP.HCM đã giải quyết hỗ trợ khó khăn cho hơn 21.000 thương nhân tại các chợ truyền thống với số tiền hơn 31 tỉ đồng. Đồng thời giải quyết cho hơn 5.860 hộ kinh doanh phải dừng hoạt động với số tiền là 11,72 tỉ đồng.

Tuy vậy, không phải tiểu thương nào cũng được hỗ trợ nên gặp nhiều khó khăn khi mở cửa trở lại. Bà Vương Ngọc Trân, Trưởng Ban quản lý chợ Tân Phú 1 (quận Tân Phú), nêu thực tế chợ do công ty tư nhân đấu thầu và hiện nay tất cả chi phí tiểu thương đóng cho ban quản lý chưa đến 45.000 đồng/sạp.

“Trong khi đó, theo quy định, để nhận được hỗ trợ thì tiểu thương phải có sạp trong nhà lồng, có giấy phép kinh doanh, đóng thuế đầy đủ... Trong khi đó 95% thương nhân ở chợ Tân Phú không hội đủ những điều kiện trên nên không được giải quyết” - bà Trân thông tin.

Hỗ trợ thương nhân gặp khó khăn

Sở Công Thương TP.HCM cho biết hồi tháng 7-2021, cơ quan này đã có công văn gửi UBND các quận, huyện hướng dẫn triển khai chính sách hỗ trợ thương nhân kinh doanh tại chợ truyền thống gặp khó khăn do đại dịch COVID-19. Đối tượng hỗ trợ gồm thương nhân tại chợ truyền thống có điểm kinh doanh, quầy hàng, sạp hàng, ki-ốt, cửa hàng được bố trí trong phạm vi chợ…

Mức hỗ trợ dao động từ 150.000 đến 300.000 đồng/điểm kinh doanh/tháng tùy hạng chợ. Thời gian hỗ trợ trong sáu tháng, từ tháng 7 đến hết tháng 12-2021.

Tuy vậy, theo Sở Công Thương, do tình hình dịch bệnh, hiện nay sở chưa nhận được đầy đủ báo cáo của quận, huyện về kết quả thực hiện triển khai chính sách hỗ trợ trên. 

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm