Em Phạm Song Toàn được trao học bổng vì sự chính trực và lòng dũng cảm của Hội đồng giáo dục một trường quốc tế tại TP.HCM!
Lần đầu tiên trong vụ lộn xộn kỳ cục này tôi mới thấy một tin có ý nghĩa nhất đối với cuộc sống và giáo dục.
Sau khi phản ánh cô giáo dạy toán "im như thóc", em Phạm Song Toàn đã phải xin chuyển trường. Ảnh: NGUYỄN QUYÊN
Thông tin kỳ quặc về cô giáo “im như thóc”, thông tin kỳ quặc về việc buộc phải lên tiếng của Phạm Song Toàn giữa một tập thể những chàng trai - cô gái đang đến tuổi trưởng thành, sắp làm chủ số phận của mình nhưng không thể lên tiếng vì một hành xử trái luật kỳ quặc của giáo viên.
Khi đối diện với cách hành xử không đúng với vị trí và công việc của nhà giáo, lẽ ra, học trò phải bất bình lên tiếng, lẽ ra cơ chế kiểm soát của nhà trường phải biết, lẽ ra phụ huynh phải biết. Nhưng tất cả chỉ biết trong một buổi làm việc giữa các em học sinh với lãnh đạo sở GD&ĐT TP.HCM.
Lẽ ra, dù chậm, cái kết có hậu đã dừng lại ngay lúc em thốt ra lời cầu cứu về chuyện kỳ quặc quái đản của giờ toán thì nó lại tiếp tục trở thành bi kịch khi em bị dòm ngó, kỳ thị, nhà trường bình chân như vại. Đến mức, bà phó chủ tịch UBND thành phố phải lên tiếng để đưa ra phương án chuyển trường.
Một xã hội mà kẻ thực hiện lòng dũng cảm một cách chính đáng nhất đã vội vã đi vào đường cùng, úp mặt chạy trốn thì quả là tuyệt vọng!
Cái kết có hậu chỉ đến từ một Hội đồng giáo dục của một trường tư thục quốc tế; trong khi đáng lẽ, thành phố phải lấy chuyện này ra mà tuyên dương, tưởng thưởng về lòng dũng cảm chính trực của học sinh, làm gương sáng cho nhà trường, cho giới trẻ.
Thành phố không thể ủng hộ một giải pháp chạy trốn của em Song Toàn như thế, dù đau xót mà nói, trên thực tế quả thật giải pháp này lại tốt cho em.
Người cần phải lập tức rời bục giảng là cô giáo “im như thóc” - chứ không phải xuất hiện trên báo Dân Trí nói những điều vớ vẩn để thanh minh về sự “im như thóc” của mình.
Kế đến, những người cần phải rời vị trí gấp là ban giám hiệu của nhà trường ấy, bởi họ đã không có đủ độ chính trực để hành xử, để bảo vệ, che chở cho học trò tốt.
Hành xử bằng cách chần chừ, cù cưa, kéo dài… với những quy định, cơ chế, kiểm điểm... một cách giáo điều như thế thì còn gì là dạy dỗ?!
Hành xử mà để một học sinh chính trực và dũng cảm như thế đã không thể tin cậy môi trường giáo dục cũ nên phải chuyển trường thì còn gì là giáo dục? Hành xử đến nỗi để quan chức thành phố cũng ủng hộ giải pháp chuyển trường như thế thì còn gì là môi trường giáo dục?
Sự chính trực và lòng dũng cảm còn có chỗ đứng hay không?!