Sau khi nữ sinh Phạm Song Toàn lên tiếng về việc cô giáo không giảng bài trong bốn tháng qua khiến dư luận sửng sốt, em đã được chuyển trường để tránh những sức ép tâm lý. Đó là một điều rất đáng buồn, bởi lẽ ra người phải chuyển khỏi trường không phải là cô học sinh dũng cảm đó. Môi trường xã hội và môi trường giáo dục của chúng ta vẫn đang dung túng cho những sự việc bất công và bất bình thường. Sự việc diễn ra đến bốn tháng trời mà cho đến khi học sinh đối thoại với lãnh đạo TP sự thật mới vỡ lở.
Nhà trường dạy các em phải tôn sư trọng đạo là rất đúng nhưng cũng cần dạy cho các em tinh thần thẳng thắn, dũng cảm, dám lên tiếng trước cái sai, chấp nhận những nguyên tắc dân chủ trong khi xây dựng nội quy trường học, tạo cơ chế để các em được nói lên nguyện vọng của mình. Phần lớn thầy cô đều yêu thương học trò nhưng học trò vẫn là đối tượng yếu thế và khó có thể tự bảo vệ khi bị thầy cô, người lớn cư xử bất công dù cố ý hay vô ý.
Thầy hiệu trưởng Trường THPT Long Thới, Nhà Bè trước đó đã nói sẽ xử lý vụ việc và nhận trách nhiệm nhưng cho đến ngày 7-4 vừa qua, động thái quyết liệt nhất từ phía nhà trường vẫn là… họp kiểm điểm trách nhiệm. Một sự việc rõ ràng như vậy, gây bức xúc như vậy nhưng người đứng đầu nhà trường vẫn loay hoay trong việc xử lý. Nhà trường cũng nói rằng sẽ đảm bảo quyền lợi cho học sinh nhưng ban giám hiệu vẫn để cô giáo lên lớp và em học sinh bị tổn thương nhất đã phải rời trường học của mình. Để các thầy cô giáo “nói là làm” khó đến thế sao, thưa thầy?
Cách xử sự của thầy hiệu trưởng Trường TH Bình Chánh, Long An trong vụ để cô giáo quỳ trước phụ huynh đã là một bài học rất buồn nhưng đủ sâu sắc để các thầy cô trong ban giám hiệu các trường học rút kinh nghiệm. Thầy giáo đó cũng đã bị cách chức hiệu trưởng.
Trách nhiệm người đứng đầu không phải là dựa vào các nguyên tắc để từ từ đưa ra một quy trình xử lý khi mọi sự đã rồi, bởi như vậy thì ai cũng có thể làm hiệu trưởng! Bao che hay làm khó đều có thể dựa vào nguyên tắc. Nguyên tắc không quan trọng bằng thái độ, quan điểm và cách xử lý của người đứng đầu khi giải quyết vụ việc.
Tôi không có ý định tạo thêm bất cứ áp lực đối với cô giáo “im như thóc” dù rằng cô vẫn nhất định không bày tỏ nguyên do và vẫn cho rằng mình là giáo viên có trách nhiệm. Nếu ban giám hiệu sâu sát, quyết liệt điều chỉnh những biểu hiện sai, sự việc đã không “rối nùi” như bây giờ .
Để bản chất giáo dục-đào tạo Việt Nam đúng như nhiều khẩu hiệu rất tuyệt: “Mỗi ngày đến trường là một ngày vui”, “Trường học thân thiện, học sinh tích cực” thì thiết nghĩ ít nhất xin các thầy cô hãy “nói là làm”!