Đặc biệt hơn, người mua-kẻ bán ở phiên chợ này luôn được lãi yêu thương và lời những nụ cười…
Suốt nhiều tháng nay, cứ mỗi sáng Chủ nhật, tại quán cà phê Cây Sấu (172 Thích Quảng Đức, phường 5, quận Phú Nhuận, TP.HCM) có vài gian hàng bày bán nhiều thứ nho nhỏ như chổi đót, giỏ lùng, giỏ làm bằng rễ tranh hay những cuốn sách cũ đã ngả màu... Đó chính là phiên chợ đặc biệt của Hội quán Các bà mẹ TP.HCM gây ngạc nhiên, thích thú cho những ai một lần đến đây.
Hàng quê mang về phố thị
Ở cái chợ phiên này, người ta đến không ồn ào, vội vã, không chỉ chăm chú mua cho xong thứ họ cần rồi ra về. Họ đến để chia sẻ câu chuyện của mình, để cảm nhận rõ hơn sự đùm bọc, yêu thương lẫn nhau giữa người với người.
Chị Nguyễn Thanh Thúy, Hội trưởng Hội quán Các bà mẹ TP.HCM, cùng những thành viên trong hội quán của mình lập ra phiên chợ này như một cách để làm sống lại những giá trị cũ xưa của nhiều làng nghề, gắn kết nhiều con người lại với nhau. Những món hàng mà hội quán mang đến chợ đều là gom góp, nhặt nhạnh được qua nhiều chuyến đi về các tỉnh, thành. “Chợ nhỏ thôi, không đặt nặng vấn đề phải bán được nhiều, bán cho hết. Bán được bao nhiêu thì bán, vì đến với chợ là đến bằng tấm lòng chứ không phải đong đếm bằng tiền” - chị Thúy chia sẻ.
Câu chuyện về mấy cái chổi đót, như một cái duyên để rồi trở thành món hàng được yêu thích, bán chạy trong phiên chợ. Chị Thúy kể có lần chị cùng người bạn của mình về Mang Thít, Vĩnh Long để tìm hiểu, hỗ trợ cho một trường hợp bị xâm hại tình dục. Tình cờ người bạn của chị thấy người dân bên đường đang làm chổi nên xuống hỏi chuyện, rồi mua vài cây chổi như một món quà. Về chị mang ra chợ phiên bán, người ta mua hết không còn cây nào...
Người bán hay người mua ở chợ phiên luôn lời bao yêu thương và lãi những nụ cười. Ảnh: THANH TUYỀN
Hay như mấy cái giỏ lùng, giỏ làm bằng rễ tranh, cũng là chị Thúy và bạn của mình mang về trong một chuyến đi Cần Thơ, ghé thăm những người làm nghề ở đó, nghe câu chuyện của họ rồi lại tay xách nách mang mấy cái giỏ về Sài Gòn bán. Vừa giúp được người bán lại vừa giúp người mua tìm được những mặt hàng mà họ cần... Rồi nào là rau củ cũng được mang về từ nơi này nơi kia, mà chất lượng thì phải đảm bảo cho người mua.
Mấy tấm vải lụa để may áo dài cũng được mang về từ làng lụa Mã Châu, nơi chị từng đến nhiều lần để hiểu về công việc của họ, về một làng nghề giờ chỉ còn trong ký ức, ít người biết đến. Chị mang đến phiên chợ bán như một cái cớ để giới thiệu với nhiều người hiểu rõ về chất liệu và quá trình làm nên một tấm lụa, hiểu thêm cái giá trị, sự kiên nhẫn của người làm nghề thủ công.
Rồi từ một cơ duyên, chị biết được một bạn sinh viên Trường ĐH Ngoại thương đã qua đời vì chứng bệnh trầm cảm. Chị thay mặt hội quán đến tiễn bạn đi, biết được người mẹ hằng ngày làm bánh bột lọc gói để bán kiếm sống. Chị hỏi chuyện, rồi ngỏ ý mong người mẹ có thể mang bánh đến phiên chợ của chị bán... Người mẹ nhận lời, tham gia cũng được hai phiên chợ rồi...
“Thấy chị đang buồn vì mất con, cũng muốn làm gì đó giúp chị. Thôi thì gì cũng không bằng lao động, bằng chính sức mình. Chị làm bánh bỏ cho nhiều nơi, lại thấy sạch sẽ và ngon nên mình mời chị đến phiên chợ bán. Chủ yếu là muốn chị có thêm chút thu nhập rồi dần dà vơi đi nỗi nhớ con. Có mọi người ở đây cùng chia sẻ thì chị đỡ nghĩ nhiều hơn...” - chị Thúy nói.
Những món hàng quê tại chợ phiên Sài Gòn. Ảnh: THANH TUYỀN
Tiền lời gây quỹ làm từ thiện
Phiên chợ đặc biệt không chỉ ở cái cách mọi người mang những món hàng đến với người dân TP mà qua đó người mua-kẻ bán góp sức, góp lòng hỗ trợ cho những phận nghèo.
Chị Thúy cho biết toàn bộ số tiền thu được tại phiên chợ này được dùng cho nhiều hoạt động cộng đồng khác nhau của hội quán. Chị kể nhiều câu chuyện trong những chuyến đi của mình khi về các tỉnh vùng sâu, vùng xa và tận mắt chứng kiến những khó khăn, thiếu thốn của người dân ở đó. Đó là động lực để hội quán thực hiện nhiều phiên chợ, giữ vai trò là nơi kết nối để mọi người có thể san sẻ cho nhau.
Lần đầu thấy mấy chị bày đồ ra bán giữa quán cà phê thấy lạ lẫm lắm. Mà lại toàn là mấy cái đồ bằng tre, nứa hay những cuốn sách đã ngả màu. Đi hai lần tôi mới rõ việc mà mấy chị đang làm nên thấy nó xúc động sao đó. Có rất nhiều người, nhiều đơn vị, tổ chức thiện nguyện nhưng tôi thấy cách mấy chị làm nó lạ, nó nho nhỏ, giản dị vậy thôi nhưng thật ấm áp, chân tình. Chị TRẦN MINH PHƯƠNG, khách đến mua ở phiên chợ |
Trong một chuyến về Mang Thít, Vĩnh Long để hỗ trợ cho một trường hợp bị xâm hại tình dục, thấy người dân cũng như các em nhỏ còn chưa hiểu rõ về vấn nạn này, thiếu thốn sách báo để đọc, chị Thúy lại gây quỹ từ phiên chợ, mua sách báo để gửi tặng cho các trường học ở đây... Ngoài ra, những bà mẹ đơn thân có hoàn cảnh khó khăn, hay khi biết có người phụ nữ nào đang phải chạy vạy từng ngày lo chữa bệnh cho con, chị Thúy cùng hội quán lại trích quỹ ra để hỗ trợ một cách âm thầm...
Mà cái cách mọi người đến đây mua cũng ngồ ngộ lắm thay. Không trả giá, không kỳ kèo bớt một thêm hai mà chỉ chuyện trò hỏi han rồi vui vẻ mua hàng. Không chỉ người lớn mà cả trẻ nhỏ cũng đến phiên chợ, học cách trao yêu thương giản đơn như vậy. Bé Thục Quyên (chín tuổi) đến chợ, hát tặng mọi người một bản dân ca rồi góp 200.000 đồng vào quỹ của chợ để mua 10 cuốn sách giáo dục giới tính tặng cho các bạn ở Trường Mỹ Phước A, Mang Thít, Vĩnh Long. “Con thấy vui vì được góp với các cô chú để mua sách tặng các bạn ở đó. Con muốn được làm cho các bạn nhiều hơn nữa bằng sức của con” - Thục Quyên cười nói.
Phiên chợ cứ thế diễn ra theo cái nhịp chậm rãi, âm thầm, chân chất, mộc mạc như vậy giữa lòng đô thị để chở yêu thương của người TP đến những miền xa.
Lãi yêu thương và lời những nụ cười Mỗi lần tổ chức phiên chợ, cả hội quán của chị Thúy lại phân công nhau ra để chở đồ đạc qua điểm bán. Vậy mà chẳng thấy ai than mệt, chẳng thấy ai nhăn nhó... “Mọi người cứ hỗ trợ nhau như vậy, cứ vô tư í ới phụ nhau làm. Nhiều khi gian hàng người này bán được bao nhiêu lại quay qua mua giùm hàng cho người kia, mua qua mua lại rồi bao nhiêu tiền bán được lại đem góp chung vào quỹ chứ chị em chẳng tính toán lỗ lời gì” - chị Thúy kể. Ở phiên chợ này, có nhiều khách đến mua xong còn góp thêm chút ít để phụ chi phí đi lại làm từ thiện cho các thành viên hội quán. Xem ra cái phiên chợ này chẳng bao giờ bị lỗ mà ngược lại, chợ luôn có lãi là yêu thương và những nụ cười. |