Cho rắn hổ mang cắn để giảm cảm giác nghiện thuốc phiện
Tạp chí y khoa Ấn Độ The Indian Journal of Psychological Medicine gần đây đưa tin về một người đàn ông kỳ lạ, dùng nọc độc của rắn hổ mang để làm giảm cảm giác nghiện thuốc phiện và rượu kinh niên.
Nọc rắn hổ mang được biết đến là một chất kịch độc. Ảnh minh họa
Nọc rắn hổ mang được biết đến là một chất kịch độc, với liều lượng chất độc trong một vết cắn có thể giết chết 20 người lớn khỏe mạnh hoặc thậm chí là một con voi.
Được biết người đàn ông Ấn Độ giấu tên này từng sử dụng các chất kích thích suốt 15 năm qua. Ông bắt đầu hút thuốc và uống rượu từ năm 18 tuổi và bắt đầu nghiện khi bước sang tuổi 24. Ở tuổi 25, ông bắt đầu sử dụng thuốc phiện và nghiện ngày càng nặng.
Qua thời gian, ông muốn tìm một loại thuốc mạnh hơn thứ thuốc phiện mà mình đang sử dụng. Một người bạn khuyên ông hãy thử sử dụng nọc rắn, thứ mà người này đã sử dụng từ lâu và có giá rẻ hơn rượu cũng như thuốc phiện, theo Oddity Central.
Lần đầu tiên, ông tìm đến một người thôi miên rắn ở địa phương và yêu cầu cho rắn cắn vào đầu lưỡi. Ông đã nhận được kết quả bất ngờ. Mặc dù không nhớ rõ loài rắn nào đã cắn mình, nhưng theo như lời ông mô tả với các chuyên gia tại Viện Giáo dục và nghiên cứu y khoa ở Ấn Độ thì đó có thể là một con rắn hổ mang.
Ông kể lại rằng lần đầu tiên khi bị rắn cắn, ông đã bị co giật, mờ mắt và nằm bất động trong khoảng một giờ. Nhưng sau khi tỉnh dậy, ông cảm thấy rất hưng phấn và cảm giác đó có thể kéo dài trong 3 đến 4 tuần. Nó khiến ông cảm thấy thỏa mãn hơn so với sử dụng thuốc phiện và rượu.
Cảm giác hưng phấn, dễ chịu đó giảm dần và khoảng ba tuần sau khi rắn cắn, ông lại cảm thấy bứt rứt, khó chịu và thèm thuốc. Người đàn ông lại cho rắn cắn một lần nữa. Từ đó, ông vẫn thường tìm đến nọc rắn vì nó giúp ông bỏ được rượu và thuốc phiện.
Người đàn ông cũng kể rằng việc cho rắn cắn hoặc kết hợp nọc rắn với các loại thuốc khác để tăng cảm giác khi dùng chất kích thích là khá phổ biến trong sắc tộc của ông.
Được biết đây không phải là trường hợp đầu tiên để rắn độc cắn nhằm tạo cảm giác. Một nghiên cứu tương tự vào năm 2013 đã từng đề cập đến hai trường hợp để rắn độc cắn nhằm giảm căng thẳng và gia tăng hưng phấn.
Ngoài ra, các tài liệu khoa học cho thấy nọc độc rắn hổ mang có tác dụng rất giống với morphine, nhưng “khác với thuốc phiện ở chỗ nó không gây nghiện và dẫn đến các tác dụng phụ khác".