Dự thảo Luật Dân số lần 3 của Bộ Y tế đề xuất hỗ trợ tiền cho những gia đình sinh con gái một bề nhằm giảm thiểu mất cân bằng giới tính khi sinh. Bình luận về vấn đề này, GS-TS Nguyễn Đình Cử - Chủ tịch Hội đồng Khoa học, Viện Nghiên cứu Dân số, Gia đình và Trẻ em cho rằng tính hiệu quả của nhóm giải pháp này không cao.
Vênh với Luật Bình đẳng giới
. Phóng viên: Vì sao ông không đồng tình với đề xuất hỗ trợ tiền cho gia đình sinh con gái một bề, thưa ông?
+ GS-TS Nguyễn Đình Cử: Trước tiên phải nói rõ dự thảo đưa ra hai phương án, phương án 1 là hỗ trợ tiền như bạn đã đề cập, phương án 2 là không hỗ trợ. Như vậy ngay cả trong ban soạn thảo dự luật này cũng đang cân nhắc, đắn đo, lưỡng lự chứ chưa thống nhất hoàn toàn. Tôi nghiêng về phương án 2 là không hỗ trợ, lý do là căn cứ trên nhiều phương diện cả về tính hiệu quả, kinh phí, kinh tế, tâm lý…
. Ông có thể nói cụ thể hơn về những lý do đó?
+ Lý do đầu tiên đó là không phải hiện nay ai cũng lựa chọn giới tính khi sinh. Bằng chứng năm 2009, theo tổng điều tra dân số, khu vực Tây Nguyên tỉ số giới tính khi sinh rất ổn theo mức tự nhiên, không hề có biểu hiện về sự lựa chọn giới tính khi sinh của các bậc cha mẹ. Ở đây cứ 100 cháu gái thì có 105 cháu trai, đó là trong mức cho phép. Hay như vùng nghèo Tây Bắc chẳng hạn, trong khoảng 100 cháu gái thì có 107 cháu trai, đó là con số trung bình. Như vậy, cả một khu vực rộng lớn, nghèo, trình độ phát triển còn thấp mà họ lại không lựa chọn. Trong khi đó, người ta phát hiện ra những người giàu lại thường là những người lựa chọn giới tính khi sinh. Những người có học vấn cao cũng lựa chọn giới tính khi sinh, tỉ số lệch giới tính khi sinh ở đối tượng này khoảng 113 cháu trai trên 100 cháu gái.
Cái cớ để người ta chọc ngoáy nhau
. Đánh giá đó của ông có tác động thế nào đến việc ông không đồng tình với việc hỗ trợ tiền…?
+ Thứ nhất, không phải ai cũng lựa chọn giới tính khi sinh mà rơi vào những gia đình giàu. Dự thảo lại dùng phần thưởng kinh tế để động viên người giàu, bảo ông dừng lại thì tôi cho rằng sức thuyết phục không cao, ý nghĩa kinh tế không đạt được. Ý nghĩa tinh thần cũng không có nốt, tôi giàu có, tôi trình độ học vấn cao tôi có phải là nhóm yếu thế, thiệt thòi đâu mà ông phải động viên khuyến khích, nếu ở vùng nghèo thì có thể mới có ý nghĩa.
Các cặp vợ chồng ở miền núi ít có xu hướng lựa chọn giới tính khi sinh. Trong ảnh: Một gia đình ở miền núi Hà Giang. Ảnh: V.THỊNH
. Còn lý do nào nữa không, thưa ông?
+ Tôi còn e ngại người nằm trong đối tượng này có cảm giác bị xúc phạm, thậm chí là cớ để người ta chọc ngoáy lẫn nhau. Về mặt pháp lý, chúng ta có Luật Bình đẳng giới 2006. Điều 6, 7 của luật này quy định có thể dùng các biện pháp bất bình thường để hỗ trợ cho bình đẳng giới. Ví dụ như ngày xưa thi vào ĐH các cháu gái được cộng thêm một điểm, đó là biện pháp bất bình thường, không bình đẳng nhưng mục tiêu là nâng cao dần học vấn của các em gái. Nhưng Điều 7 quy định phạm vi để áp dụng các biện pháp bất bình thường là vùng sâu, vùng xa, vùng nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số. Chiếu lại với đối tượng lựa chọn giới tính khi sinh thì những người có học vấn cao, giàu, tập trung chính là đồng bằng sông Hồng, tức là nó không nằm trong phạm vi mà Luật Bình đẳng giới quy định ở Điều 7. Vậy cho nên phương án này có thể vênh với Luật Bình đẳng giới 2006. Thêm vào đó cần cân nhắc yếu tố tâm lý, văn hóa. Ví dụ, ở Tây Nguyên ảnh hưởng tư tưởng mẫu hệ, sinh con gái là người ta lại mừng mà mình còn hỗ trợ cho họ nữa là không thích hợp.
. Ở trên ông có nhắc đến vấn đề kinh phí, liệu nó có phải là gánh nặng nếu thực hiện phương án hỗ trợ?
+ Đúng, tôi đặt câu hỏi là liệu ngân sách nhà nước có cáng đáng nổi không. Tôi tính đại thể theo quy luật tự nhiên chung hiện nay chúng ta có khoảng 24 triệu cặp vợ chồng, trong đó có khoảng 25% các cặp sinh hai con gái, tức là sáu triệu cặp, 10% trong số đó 60 tuổi trở lên là cỡ khoảng 600.000 cặp, trong đó 600.000 cặp này có độ khoảng một nửa là có bảo hiểm xã hội hoặc các trợ cấp xã hội khác. Chúng ta ít nhất phải cung cấp cho khoảng 300.000 cặp vợ chồng có hai con gái tuổi 60 trở lên, trợ cấp theo mức nghèo nhất của chuẩn nghèo hiện nay thì như vậy mỗi tháng cũng khoảng 300 tỉ đồng và mỗi năm 3.600 tỉ đồng. Còn một yếu tố tôi cũng lo ngại nữa đó là khoản hỗ trợ này còn có thể xúc phạm chính người con gái trong gia đình.
. Sự xúc phạm đó như ông nói thể hiện ra sao?
+ Nếu Nhà nước hỗ trợ nhà có hai con gái thì sẽ nảy sinh tâm lý mặc định con gái không có năng lực để báo hiếu cha mẹ hoặc là không có trách nhiệm báo hiếu cha mẹ, mà trách nhiệm này chỉ thuộc về con trai thôi nên Nhà nước mới phải hỗ trợ. Như thế càng khoét sâu thêm sự khác biệt, tô đậm bất bình đẳng giữa nam và nữ.
Tư duy bao cấp của người hoạch định chính sách
. Theo quan sát của ông, ở các nước khác họ giải quyết bất bình đẳng giới khi sinh như thế nào?
+ Có hai ví dụ điển hình ở hai nước. Ở Trung Quốc, nước này cũng hỗ trợ 600 NDT/tháng cho những cặp vợ chồng chỉ có con gái nhưng mất cân bằng giới tính của Trung Quốc hiện nay vẫn rất cao, cao hơn nước ta nhiều. Trong khi đó, ở Hàn Quốc cũng xảy ra tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh rất nghiêm trọng nhưng sự phát triển kinh tế của họ rất vượt bậc, đây là nền tảng tốt và cơ bản để giải quyết vấn đề này.
. Vậy theo ông, ở Việt Nam giải pháp nào là phù hợp cho tình trạng này?
+ Giải pháp của chúng ta vẫn là phát triển kinh tế-xã hội. Tạo mọi điều kiện cho phụ nữ phát triển. Tôi tin tưởng thế hệ thanh niên trẻ ngày nay sẽ bớt nặng nề câu chuyện này đi.
. Ở trên ông có nói tại Việt Nam những người giàu, học vấn cao lại có xu hướng lựa chọn giới tính khi sinh cao hơn nhưng ông lại coi phát triển kinh tế-xã hội là một giải pháp, điều đó có mâu thuẫn không?
+ Không hề mâu thuẫn chút nào. Ở nước ta người giàu, học vấn cao nhưng lại sống trong một nền tảng kinh tế-xã hội chưa phát triển cộng với quan điểm Nho giáo thành ra những người này chưa vượt qua được dư luận xã hội bao trùm xung quanh họ. Ví dụ như tôi ý thức tốt không có lựa chọn giới tính khi sinh nhưng khi về quê anh em, họ hàng tôi lại nói thế không được, còn ở Hàn Quốc nền tảng phát triển đều có rồi nên họ không chịu sức ép của xã hội nữa.
. Nhìn tổng thể, ông thấy điều gì từ “sáng kiến” trên?
+ Tôi thấy xã hội mình vẫn mang tính chất tàn dư của bao cấp, hay nói cách khác nó phản ánh tư duy bao cấp của những người hoạch định chính sách.
. Xin cảm ơn ông.
Ông THÂN TRUNG DŨNG, Viện Nghiên cứu Truyền thống và Phát triển: “Không thể dùng ngân sách để thực hiện chính sách chưa chắc đã thành công” Việc được hỗ trợ tiền đối với các gia đình ở TP có thể họ thấy việc đó là bình thường, nếu người ta được tiền thì càng tốt. Nhưng ở các vùng nông thôn, với những cặp vợ chồng mà cụ thể là đàn ông có định kiến giới nặng nề, nếu cán bộ đem tiền đến không khéo còn bị họ đuổi về vì họ cho rằng đó là hành động sỉ nhục hay bêu riếu họ. Quan trọng hơn cả là ngân sách nhà nước đang khó khăn, không thể dùng tiền để thực hiện những chính sách mà chưa chắc nó đã mang lại hiệu quả trong thực tiễn, trong khi đó vùng khó khăn, dân tộc trẻ em vẫn còn thiếu đói, thiếu sách vở, hay dịch vụ y tế thì tại sao không dùng số tiền đó lo cho việc cấp bách hơn. Theo tôi, giải pháp quan trọng nhất vẫn là đánh vào nhận thức, dĩ nhiên nhận thức phải từ từ. Một vấn đề nữa đó là những người quyết tâm sinh con trai có thể họ nhận tiền xong một thời gian họ lại sinh tiếp thì phải làm thế nào, đó là những tình huống mà người làm chính sách phải tính tới. |