Cho vay tiêu dùng phải tách khỏi NH bằng CTTC

Nhu cầu vay vốn tiêu dùng của khách hàng cá nhân ngày một tăng nhưng thị trường cho vay ở lĩnh vực này ngày càng cạnh tranh khốc liệt hơn vì số công ty tài chính (CTTC) tăng mạnh. Mới đây, nhiều ngân hàng (NH) cũng tiết lộ đang nghiên cứu để mua hoặc thành lập mới một CTTC.

Quản lý khoản vay nhỏ… mà không dễ

Theo ông Huỳnh Trung Minh, chuyên gia tài chính: Dù mới thành lập hay mua lại CTTC, NH có nhiều thuận lợi nhờ kinh nghiệm, số vốn bỏ ra để thành lập các CTTC cũng khá nhỏ so với tiềm lực của mình. Khi NH có thêm CTTC sẽ gia tăng thêm khách hàng. “Tuy nhiên, các CTTC cũng có lợi thế riêng khi họ đã quen với việc cho vay những món hàng nhỏ như điện thoại, tivi, máy tính…, các món hàng chỉ vài triệu đồng. Còn với NH trước đây các món tiêu dùng cho vay thường chỉ là xe hơi, sửa chữa nhà cửa…” - ông Minh nói.

Đồng quan điểm này ông Friedrich Weiss, quyền Tổng Giám đốc Home Credit Việt Nam, cho rằng đối với ngành tài chính tiêu dùng nhân viên và mạng lưới bán hàng rộng khắp và thời gian duyệt khoản vay nhanh chóng là rất quan trọng. Thế mạnh của NH là tận dụng mạng lưới, nguồn vốn và thương hiệu. Thế nhưng những ưu điểm đó họ đã có từ lâu chứ không phải trong tương lai mới có. Tại châu Âu, một số NH từng muốn tham gia cho vay tiêu dùng, họ quan niệm rằng đã quản lý được các khoản vay lớn vay trung, dài hạn thì việc quản lý một khoản vay nhỏ càng dễ hơn. Tuy nhiên, thực tế không giống như vậy về mô hình cũng như quản lý rủi ro. “Thế nên các khoản vay tiêu dùng phải tách ra khỏi NH thông qua các CTTC, phải tách riêng để minh bạch chi phí quản trị rủi ro, quản lý được rủi ro nợ xấu trong toàn hệ thống” - ông Friedrich nhấn mạnh.

Khách hàng được nhân viên tài chính tư vấn tại cửa hàng xe máy.

Tiềm năng nhưng khó kiểm soát rủi ro

Không ít các tổ chức tài chính nhìn thấy lợi nhuận từ việc cho vay tiêu dùng nhưng vấn đề kiểm soát nợ xấu đối với lĩnh vực này là điều đau đầu nhất. Theo ông Đặng Quốc Tiến, chuyên gia tài chính NH: Nguyên tắc lãi suất cao thì có rủi ro lớn, mà rủi ro lớn nhất trong việc cho vay tiêu dùng chính là khả năng trả nợ của khách hàng. Vì thế, việc quản lý dòng tiền là câu chuyện cực kỳ quan trọng. Muốn vậy, các NH có CTTC sẽ phải có quy chế riêng về chính sách, quản trị… trên cơ sở các nguyên tắc cơ bản của NHNN quy định.

Chia sẻ về chiến lược của mình trước bối cảnh nở rộ các CTTC, ông Friedrich cho biết mức tăng trưởng thị phần của công ty hiện khoảng 40% và đứng đầu thị trường. Số cửa hàng Home Credit đã có mặt khắp nơi, kể cả vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa. Cùng với đó là việc liên kết với nhiều công ty tham gia trên cả nước. “Sắp tới, công ty sẽ không mở rộng mà tập trung vào việc củng cố, nâng cao chất lượng để phục vụ tốt hơn nhu cầu của khách hàng” - ông Friedrich nhấn mạnh.

Riêng về vấn đề quản trị, ông Friedrich tự tin vì Home Credit có kinh nghiệm và hệ thống quản trị rủi ro được xây dựng trong nhiều năm, đặc biệt kinh nghiệm về quản lý rủi ro của Tập đoàn Home Credit (công ty mẹ). Đơn cử như việc thẩm định, quyết định duyệt khoản vay hiện đã được tự động hóa, duyệt trên máy chỉ sau 15 phút và giải ngân cho khách hàng. Tuy nhiên, đây cũng là kinh nghiệm 25 năm trên toàn thế giới chứ không chỉ riêng Home Credit ở Việt Nam.

Được hủy hợp đồng mà không phải chịu phí phạt

Nhiều người ví lãi suất vay tiêu dùng cao như lãi suất tín dụng đen nhưng CTTC vẫn hút khách và tăng trưởng ổn định. Ông Friedrich cho rằng có nhiều sản phẩm, nhiều mức lãi suất và tùy thuộc vào mức thẩm định của từng khách hàng để áp dụng mức lãi suất khác nhau. Nhóm khách hàng có rủi ro thấp thì lãi suất thấp hơn và ngược lại. “Ngay cả khi khách hàng đã ký hợp đồng nhưng sau đó suy nghĩ lại, trong vòng 14 ngày chúng tôi vẫn cho khách hàng hủy hợp đồng và không chịu một khoản phí phạt nào” - ông Friedrich nói.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm