Trước đó, mọi kỳ vọng đổ dồn về Thủ tướng Đức Angela Merkel và Đức giáo hoàng Francis sẽ trở thành tân chủ nhân cho giải Nobel Hòa bình năm nay. Cả thế giới hết lời ca ngợi sự dũng cảm của bà Merkel vì đã mở cửa đất nước cho những người tị nạn chạy trốn chiến tranh và khủng bố, Đức Giáo hoàng đã vượt xa hàng dặm trên chiếc xe được mệnh danh là Popemobile để truyền bá thông điệp về biến đổi khí hậu.
Tuy nhiên, người chiến thắng lại nằm ngoài sự chờ đợi của mọi người. Chiều 9-10, Ủy ban Nobel Na Uy thông báo giải thưởng Nobel Hòa bình 2015 đã được trao cho "Bộ tứ đối thoại quốc gia Tunisia" vì những đóng góp mang tính quyết định của nhóm này trong việc xây dựng nền dân chủ đa nguyên ở Tunisia sau Cách mạng hoa nhài năm 2011.
Bất ngờ bởi không mấy người biết về bộ tứ đối thoại dân tộc Tunisia này theo như kết quả thăm dò được thực hiện trên trang web chính thức của giải Nobel. 30 phút sau khi tân chủ nhân lộ diện, hơn 88% trả lời “Không” trước câu hỏi “Bạn có biết gì về bộ tứ đối thoại dân tộc Tunisia không và những việc làm của họ đối với nền dân chủ ở Tunisia là gì?”
Bộ tứ đối thoại quốc gia Tunisia trở thành tân chủ nhân cho giải Nobel Hòa bình 2015.
Tuy nhiên, tờ HindustanTimes bình luận lựa chọn bộ tứ đối thoại quốc gia Tinisia là chủ nhân giải Nobel Hòa bình năm nay không chỉ là thước đo cho hoạt động của nhóm này mà còn là sự phản ánh việc Ủy ban Nobel Na Uy quan tâm tới những cá nhân, tổ chức hoạt động hướng đến mục tiêu hòa bình cho thế giới.
Chọn bộ tứ đối thoại quốc gia Tunisia là người chiến thắng, Ủy ban Nobel đang muốn gửi đi thông điệp rằng cách tốt nhất thoát khỏi khủng hoảng là đoàn kết quốc gia và phát huy dân chủ. Nhiều quốc gia ở Tây Á và Bắc Phi đã rơi vào tình trạng hỗn loạn và đang cố vật lộn với sự bất ổn sau cuộc cách mạng Mùa xuân Ả Rập.
Tờ Hindustan Times nhận định Ủy ban Nobel đang muốn “nhắn nhủ” với các quốc gia khác rằng chỉ như ở Tunisia thì những phong trào tôn giáo và không tôn giáo mới có điều kiện hợp tác với nhau vì lợi ích tốt nhất cho quốc gia và các tổ chức đoàn thể xã hội mới có thể đóng vai trò thiết yếu trong việc dân chủ hóa một quốc gia.
Tunisia đã chuẩn bị một bước đi dài hạn để bước tiếp và đối mặt với nhiều thách thức - một sự thật mà Ủy ban Nobel phải thừa nhận. Do đó, giải thưởng Nobel Hòa bình 2015 được trao cho bộ tứ đối thoại quốc gia Tunisia là xứng đáng và đây được xem là động lực để khuyến khích người dân Tunisia và nhân dân các nước phấn đấu vì một nền hòa bình lâu bền bằng việc tăng cường thể chế dân chủ.