Chọn ở lại vì tiền về quê dịp Tết thật xa xỉ!

(PLO)- Tết là dịp mọi người về quê đoàn tụ gia đình, thế nhưng nhiều người lại chọn ở lại "đất khách" vì một vài lý do, trong đó đa số là vì kinh tế.

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Tết Nguyên đán là ngày lễ quan trọng, là nét đẹp văn hoá truyền thống của người Việt Nam.

Đây là dịp để trở về, là dịp để chúng ta đoàn tụ với gia đình sau một năm làm việc, học tập vất vả ở “xứ người”.

Dẫu vậy, một số người lại vì nhiều lý do khác nhau mà không thể về quê đón Tết cùng người thân của mình.

IMG_3907.jpeg
Chị Huỳnh Hiền, công nhân may tại một công ty ở quận 12 chia sẻ Tết năm nay sẽ không về quê vì kinh tế khó khăn, không dư giả. Ảnh: TRẦN MINH

Kinh tế khó khăn

Bạn đọc Thanh Ngọc (quê Vĩnh Long), một công nhân xa nhà đang làm ở Đồng Nai chia sẻ, những năm qua kinh tế khó khăn khiến công ty cũng dần thưa thớt đơn hàng, tiền lương cũng trở nên ít ỏi. Thế nên, việc để có chút đỉnh tiền về quê dịp Tết là một điều gì đó khá xa xỉ.

“Mọi người cũng biết tình hình năm qua khó khăn đến nhường nào. Các công ty liên tục cắt giảm lao động, công ty tôi cũng không ngoại lệ, tưởng chừng bản thân may mắn được giữ lại làm việc thế nhưng số giờ làm việc lại trở nên ít ỏi. Nếu không có mẹ giúp đỡ tôi cũng không biết làm cách nào để chăm sóc, nuôi dưỡng đứa con trai 2 tuổi của mình.

Tiền ăn mỗi tháng đôi khi còn thiếu trước hụt sau, thử hỏi lấy tiền đâu mà về quê ăn Tết, trong khi về quê nào là tiền xe, tiền ăn uống, quà cáp,… Tính nhẩm thôi số tiền để về quê dịp Tết có thể gấp mấy lần tiền lương của tôi hiện tại, vậy nên cách tốt nhất là ở lại trong căn trọ nhỏ này dù sẽ rất buồn” - chị Ngọc nói.

Tương tự, bạn đọc Khánh Tùng quê Thái Bình cũng chia sẻ đã 5 năm rồi gia đình anh đã không về quê đón Tết vì chi phí cho một chuyến về quê khá đắt đỏ.

“Vào dịp Tết, giá vé máy bay hay vé tàu đều tăng cao, gia đình tôi lại có 5 thành viên, nếu về quê tôi phải bỏ ra khoảng 20 triệu đồng để mua vé máy bay khứ hồi. Chưa kể đã lâu không về quê chẳng lẽ lại mang tay không mà không có quà cáp gì. Tôi cũng đã thử tính một kế hoạch chuẩn bị cho đợt về quê dịp Tết nhưng thực sự chi phí đó quá lớn đối với gia đình tôi. Tôi đành phải lỡ hẹn người thân của mình thêm vài năm nữa, đến khi nào các con lớn và tôi có điều kiện hơn” - anh Tùng nói.

Nhiều áp lực

Trên thực tế, việc nhiều người không về quê dịp Tết đều xuất phát từ kinh tế khó khăn. Tuy nhiên, bên cạnh đó lại còn một số nguyên nhân khác.

“Lý do không về quê dịp Tết, thứ nhất có lẽ là vấn đề tiền bạc, thứ hai chắc sẽ là áp lực. Áp lực từ kinh tế, công việc cho đến gia đình, người thân…

Tôi nhớ như in cách đây 6 năm, tôi cũng về quê dịp Tết, tưởng chừng mọi thứ sẽ diễn ra vui vẻ cho đến ngày 29 Tết chủ nợ đến nhà lớn tiếng yêu cầu ba mẹ tôi phải thanh toán nợ trước khi bước sang năm mới. Lúc đó bản thân bất lực vô cùng, vì vừa đi học vừa đi làm, số tiền đi làm chỉ vừa đủ cho việc học của bản thân, lấy đâu ra tiền mà trả nợ thay ba mẹ.

Rồi cả nhà phải trơ mắt nhìn người ta siết nợ từng món đồ trong nhà. Vậy là năm đó cái Tết trong tôi cũng dần biến mất. Tôi bỏ học, lao đầu vào công việc chỉ muốn ba mẹ có cuộc sống tốt hơn. Đã 6 năm kể từ ngày đó, tôi không về quê nữa, dù là Tết hay dịp nào” - bạn đọc Nguyễn Thuý Vi.

“Kinh tế là một phần, nhưng những câu hỏi, những lời hối thúc, những bàn tán ngày Tết mới là nguyên nhân chính làm tôi không còn hứng thú về quê mỗi khi Tết đến. Tôi khó chịu và áp lực bởi những câu hỏi từ họ hàng, xóm giềng, họ hỏi tôi bao giờ lấy vợ, lương bao nhiêu một tháng… Tôi lo lắng những khó chịu của chính mình sẽ làm ảnh hưởng đến mối quan hệ gia đình. Để tránh điều đó, tôi chọn cách ở lại thành phố” - bạn đọc Quang Vinh.

“Tết mà không về nhà là một điều gì đó rất có lỗi với ba mẹ. Họ trông ngóng con cái từng giờ, từng phút, họ nhìn con người khác sum họp cùng gia đình mà chạnh lòng. Thật sự tôi chỉ biết trách bản thân quá vô dụng, với người ta Tết vui và hạnh phúc, còn với tôi Tết là nỗi ám ảnh” - bạn đọc Thuý Diễm.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm