Nhân hội thảo về phòng, chống lãng phí (PCLP) được tổ chức hồi cuối tháng 12-2024, Pháp Luật TP.HCM đã có cuộc trao đổi với TS Nguyễn Xuân Trường, Vụ trưởng Vụ Địa phương I, Ban Nội chính Trung ương, về chủ trương, chính sách của Đảng trong công tác PCLP, cũng như lý do vì sao thời điểm này phải đẩy mạnh.
Chống lãng phí - ưu tiên của giai đoạn phát triển mới
. Phóng viên: Tổng Bí thư Tô Lâm nhận trọng trách không lâu thì đã có bài viết nhấn mạnh nhiệm vụ PCLP. Ngay sau đó Ban Chỉ đạo (BCĐ) Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực được bổ sung nhiệm vụ PCLP. Sự chuyển động này cần được nhìn nhận như thế nào, thưa ông?
+ TS Nguyễn Xuân Trường: Chúng ta cần nhận thức thống nhất với nhau rằng thực hành tiết kiệm, chống lãng phí đã được Đảng, Nhà nước quan tâm ngay từ những ngày đầu thành lập nước. Chủ tịch Hồ Chí Minh là tấm gương sáng ngời về đạo đức cách mạng đã phân tích: “Tham ô là trộm cướp. Lãng phí tuy không lấy của công đút túi song kết quả cũng rất tai hại cho dân, cho Chính phủ. Có khi tai hại hơn tham ô”.
Sau này, trong quá trình đổi mới, xây dựng nền pháp quyền, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (QH) trong năm 1998 đã ban hành cùng lúc hai pháp lệnh về phòng, chống tham nhũng và về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí. Đến năm 2005, hai pháp lệnh này được sửa đổi toàn diện, nâng lên thành hai luật tương ứng.
Còn về phía Đảng, năm 2006, tại Hội nghị lần thứ 3 Trung ương khóa X đã ban hành một nghị quyết chuyên đề về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng với công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí...
Nói như vậy để thấy trong nhận thức của Đảng, trong chính sách, pháp luật của Nhà nước luôn song song nhiệm vụ phòng, chống tham nhũng và lãng phí.
Tổng Bí thư Tô Lâm gần đây nhấn mạnh nhiệm vụ PCLP hàm ý phòng, chống tham nhũng, tiêu cực đã có chuyển biến rõ rệt, giờ cần phải chỉ đạo mạnh hơn, chú ý nhiều hơn công tác PCLP.
. Phòng, chống tham nhũng thời gian qua đã được Đảng, Nhà nước làm rất mạnh, với con số, kết quả cụ thể nhưng dường như chống lãng phí chưa được quan tâm đúng mức?
+ Trong từng nội dung, lĩnh vực công tác cụ thể, qua thời gian, mỗi lần tổng kết, đánh giá, chúng ta đều nhìn nhận cả những mặt được và chưa được.
QH năm 2022 đã thực hiện một cuộc giám sát việc thực hiện pháp luật về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí và trên cơ sở kết quả giám sát đã ban hành nghị quyết về vấn đề này.
Theo đó, QH đánh giá khung khổ pháp lý liên quan đến công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí đã có những hoàn thiện; quản lý thu chi ngân sách chặt chẽ hơn, bước đầu khắc phục được tình trạng đầu tư dàn trải. Giai đoạn 2016-2021 đã tiết kiệm ngân sách hơn 350.000 tỉ đồng. Sắp xếp, tinh gọn bộ máy theo Nghị quyết 18 đã có những kết quả nổi bật. Nhiều vụ án kinh tế gây thất thoát vốn, tài sản nhà nước đã được điều tra, truy tố, xét xử...
Dù vậy, QH cũng chỉ ra những bất cập, yếu kém. Tổng Bí thư Tô Lâm trong những bài viết, phát biểu gần đây cũng nhấn mạnh những mặt hạn chế, cần khắc phục.
“Chúng ta đang bước vào kỷ nguyên vươn mình của dân tộc. Muốn vươn mình thì phải có nguồn lực đầu tư phát triển, mà như thế hẳn nhiên phải đẩy mạnh thực hành tiết kiệm, chống lãng phí.”
Cũng cần nói thêm rằng phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, lãng phí là trách nhiệm chung của toàn hệ thống chính trị chứ không phải cứ đợi BCĐ có ý kiến, có chỉ đạo mới làm. Tuy nhiên, mỗi gia đình, mỗi cá nhân và Đảng ta cũng vậy, mỗi giai đoạn nhất định đều phải xác lập ưu tiên.
Giai đoạn vừa qua, Bộ Chính trị, BCĐ xác định ưu tiên là công tác chống tham nhũng, tiêu cực. Chúng ta làm mạnh, tuyên truyền cũng mạnh và người dân cảm nhận rõ kết quả, đồng thời cũng đòi hỏi công tác chống lãng phí phải tương xứng.
Nay có thể nói là giai đoạn phát triển mới mà như Tổng Bí thư Tô Lâm nói, chúng ta phải chuẩn bị bước vào kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình. Muốn vươn mình thì phải có nguồn lực đầu tư phát triển. Mà như thế hẳn nhiên phải đẩy mạnh thực hành tiết kiệm, chống lãng phí.
Cố Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng từng đặt yêu cầu công tác phòng, chống tham nhũng phải đẩy mạnh đến mức “củi tươi vào lò cũng cháy”. Đến nay chúng ta thấy vẫn liên tục điều tra, truy tố, xét xử các vụ án tham nhũng mới, với rất nhiều vụ ở địa phương, không còn “trên nóng, dưới lạnh”.
Giờ Tổng Bí thư Tô Lâm yêu cầu công tác PCLP cũng phải đẩy mạnh tương đương, ngang hàng với nhiệm vụ phòng, chống tham nhũng, tiêu cực. Phải nâng việc này thành văn hóa, trở thành “tự giác”, “tự nguyện”, “cơm ăn, nước uống, áo mặc hằng ngày”.
Logic của sự vận động, phát triển là thế.
Cần mổ phanh từng dự án chậm tiến độ, đắp chiếu
. Có ý kiến cho rằng chống lãng phí khó khăn hơn vì nó trừu tượng hơn, có nhiều nguyên nhân khách quan, chủ quan hơn, liên quan nhiều tới cơ chế, chính sách, trình độ, năng lực của tổ chức, bộ máy hơn là con người cụ thể. Ông nhìn nhận vấn đề này thế nào?
+ Năm 2021, khi cố Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng yêu cầu BCĐ thêm nhiệm vụ chỉ đạo phòng, chống tiêu cực thì các cơ quan tố tụng, các ngành, địa phương cũng có băn khoăn là tiêu cực biểu hiện đa dạng, biết phòng, chống thế nào, chỉ đạo thế nào…
Từ thực tế ấy, BCĐ Trung ương ban hành Hướng dẫn 25 và đến nay chúng ta đã có nhận thức thống nhất hơn, có phương pháp, cách làm phù hợp.
Các địa phương đang báo cáo kết quả hoạt động của BCĐ cấp tỉnh năm 2024 thì thấy số lượng cụ thể vụ án, vụ việc tiêu cực đã xử lý trong thời gian qua khá nhiều.
Tức là vạn sự khởi đầu nan, cái gì cũng phải có quá trình. Nay với PCLP, chúng ta cũng đã và đang làm. Tuy nhiên, với yêu cầu mới, bối cảnh mới thì phải có cách tiếp cận mới. BCĐ đã giao Ban cán sự Đảng Chính phủ chủ trì xây dựng hướng dẫn nội dung này.
Còn theo Tổng Bí thư Tô Lâm thì bây giờ cần chỉ đạo rà soát, xử lý nghiêm các vụ việc lãng phí lớn, dư luận xã hội quan tâm theo đúng tinh thần “xử lý một vụ, cảnh tỉnh cả vùng, cả lĩnh vực”.
. Nhưng quy trách nhiệm cá nhân trong các sự việc mà cảm nhận bên ngoài là lãng phí có vẻ khó...
+ Cho nên đột phá bây giờ là làm đã. Vừa làm vừa rút kinh nghiệm. Bàn làm, không bàn lùi.
Chỉ một cuộc giám sát, QH đã chỉ ra 51 dự án, cụm dự án sử dụng vốn đầu tư công không hiệu quả hoặc lãng phí; 13 dự án, chuỗi dự án trọng điểm trong lĩnh vực năng lượng chậm tiến độ; 19 dự án chậm triển khai, có khó khăn, vướng mắc, để đất đai hoang hóa, lãng phí; 880 dự án, công trình không đưa hoặc chậm đưa đất vào sử dụng.
Vấn đề là giờ phải mổ phanh từng dự án, xem quá trình triển khai thế nào, vướng mắc ở đâu để tập trung tháo gỡ. Chứ chúng ta nhiều khi nể nang, né tránh, rồi tư duy nhiệm kỳ. Coi những công việc, dự án tồn đọng, chậm tiến độ ấy là của các cán bộ, lãnh đạo khóa trước. Có khi là việc của ông anh, tiền bối, rồi ngại không muốn xới cái việc người ta muốn quên.
Những dự án chậm tiến độ, đắp chiếu kéo dài thì giờ phải có giải pháp để hoạt động trở lại, chứ không thể kéo dài sự lãng phí ấy.
Còn để quy trách nhiệm cá nhân thì đều có giải pháp cả. Như ngành kiểm toán có cả khoa học về kiểm toán trách nhiệm kinh tế. Dự án nào cũng có luận chứng kinh tế kỹ thuật. Khi làm báo cáo tiền khả thi, khả thi đều đánh giá tính cấp thiết, các yếu tố tác động. Rồi các cơ quan thẩm định, xác định tiến độ triển khai. Quá trình triển khai thì ràng buộc các bên liên quan bằng hợp đồng…
Vậy thì quan trọng là phải làm, phải mổ xẻ thì mới ra được trách nhiệm, quy được trách nhiệm cá nhân. Tất nhiên là sẽ đánh giá mọi việc trong bối cảnh lịch sử, có nguyên nhân khách quan, chủ quan, tình huống bất khả kháng... để xác định tình tiết giảm nhẹ, tăng nặng.
Tinh gọn bộ máy hiệu quả là chống lãng phí
. Tại hội thảo về PCLP mới đây, ông có lấy ví dụ về một số nước có tốc độ tăng trưởng kinh tế thần kỳ. Vậy điều mà chúng ta có thể học hỏi là gì?
+ Trung Quốc sau hơn 45 năm cải cách mở cửa (từ năm 1978) đã có quy mô GDP gấp 324 lần. Singapore ở thời điểm giành độc lập vào năm 1959, thu nhập bình quân đầu người là 400 USD thì nay là 88.000 USD, tăng gấp 220 lần. Hàn Quốc đã tạo nên “kỳ tích sông Hàn”, trở thành nền kinh tế lớn thứ 12 trên thế giới, nâng thu nhập bình quân đầu người từ 82 USD vào năm 1962 lên 36.194 USD (gấp 441 lần) vào năm 2023. Còn Nhật Bản, đống đổ nát sau Chiến tranh thế giới thứ hai, với văn hóa tiết kiệm, tinh thần kỷ luật lao động, sử dụng viện trợ có hiệu quả đã có lúc phát triển trở thành nền kinh tế lớn thứ hai thế giới, chỉ sau Mỹ.
Chúng ta sau gần 40 năm đổi mới đã đạt được những thành tích đáng tự hào nhưng nhìn thẳng vào sự thật, như Tổng Bí thư Tô Lâm nói thì nguy cơ tụt hậu là rất lớn. Hiện chúng ta đang đối mặt với nhiều thách thức khi nhìn về mục tiêu cụ thể mà Đảng ta đã đề ra. Đó là đến năm 2025 là nước đang phát triển, có công nghiệp theo hướng hiện đại, vượt qua mức thu nhập trung bình thấp; đến năm 2030 là nước đang phát triển, có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao; đến năm 2045 trở thành nước phát triển, thu nhập cao.
Như thế, chúng ta phải giải quyết các vấn đề lãng phí mà như Tổng Bí thư đã chỉ ra, đó là chất lượng xây dựng, hoàn thiện pháp luật chưa đáp ứng yêu cầu thực tiễn dẫn đến khó khăn, cản trở việc thực thi, gây thất thoát, lãng phí các nguồn lực.
Lãng phí thời gian, công sức của doanh nghiệp, cá nhân khi thủ tục hành chính rườm rà, dịch vụ công trực tuyến chưa thuận tiện và thông suốt.
Lãng phí cơ hội phát triển của địa phương, của đất nước do bộ máy nhà nước có nơi, có lúc hoạt động chưa hiệu quả, một bộ phận cán bộ thiếu năng lực, né tránh, đùn đẩy công việc, sợ trách nhiệm; do chất lượng, năng suất lao động thấp.
Lãng phí tài nguyên thiên nhiên; lãng phí tài sản công do quản lý, sử dụng chưa hiệu quả; giải ngân vốn đầu tư công, rồi việc thực hiện các chương trình, mục tiêu quốc gia, các gói tín dụng hỗ trợ phát triển an sinh xã hội hầu hết đều rất chậm.
. Cuộc cách mạng về tinh gọn bộ máy mà từ trung ương đến địa phương đang quyết liệt triển khai những ngày này chính là để giải quyết bài toán lãng phí ấy?
+ Đúng vậy! Tinh gọn bộ máy, tinh giản biên chế không chỉ giúp giảm ngân sách chi thường xuyên để có thêm nguồn cho đầu tư phát triển. Quá trình ấy nếu có cách làm khoa học thì còn mở ra cơ hội để tổng rà soát hệ thống pháp luật cũng như công tác tổ chức thi hành, vốn chưa thực sự khơi thông các nguồn lực trong xã hội, sức sáng tạo trong người dân, doanh nghiệp.
Quá trình ấy cho phép chúng ta cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, để tấn công vào tình trạng một bộ phận thiếu năng lực, né tránh, đùn đẩy, sợ trách nhiệm xuất hiện mấy năm qua.
Luật Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí định nghĩa đơn giản lãng phí là việc quản lý, sử dụng vốn, tài sản, lao động, thời gian lao động và tài nguyên không hiệu quả. Vậy cuộc cách mạng tinh gọn bộ máy mà nâng cao được hiệu quả, hiệu lực của các cơ quan nhà nước cũng như các cơ quan, tổ chức trong cả hệ thống chính trị thì cũng chính là góp phần chống lãng phí.
. Xin cảm ơn ông.
Khu vực công cần học phương pháp quản trị của khu vực tư
Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí là việc chung của toàn xã hội nhưng chúng ta đều phải công nhận rằng khu vực tư thì tiết kiệm hơn, ít lãng phí hơn. Do vậy, khu vực công nên tham khảo phương pháp quản trị của khu vực tư.
Tôi có cô em họ làm ở một tập đoàn tư nhân lớn từng bị phạt rất nặng thẳng vào lương vì ba lỗi: Hai lần đi làm muộn, một lần mang máy tính cơ quan về nhà.
Quản lý giờ giấc làm việc, rồi kể cả bảo mật đều bằng hệ thống giám sát điện tử, rất đơn giản. Kèm theo là khen thưởng phân minh, rõ ràng. Đấy chính là quản trị.
Quản trị trong khu vực tư về bản chất là tác động vào chính động cơ làm việc, động cơ lao động của mỗi người. Không rõ động cơ ấy, không quản trị được động cơ ấy thì hiệu quả công việc khó mà tốt được.
Ở cấp độ địa phương, Quảng Ninh trước đây đã thử nghiệm đầu tư công - quản trị tư, đầu tư tư - sử dụng công. Và đến Trung ương khóa này đã được đưa vào nghị quyết về đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa để thí điểm...
TS NGUYỄN XUÂN TRƯỜNG