‘Chống tham nhũng có vùng nể, vùng tránh không?’

Ngày 1-12, Chủ tịch nước Trần Đại Quang và các đại biểu Quốc hội Đơn vị 1 (TP.HCM) đã có buổi tiếp xúc với cử tri các quận 1, 3, 4 sau kỳ họp thứ tư, Quốc hội khóa XIV.

Vấn nạn tham nhũng, việc thu hồi tài sản tham nhũng, tinh gọn bộ máy… tiếp tục được đông đảo cử tri ý kiến.

Chủ tịch nước Trần Đại Quang nói về nạn tham nhũng. QUỐC VŨ thực hiện.

Phải lấy lại tài sản cho dân

Cử tri Phan Thị Bích (quận 4) nhìn nhận công tác phòng, chống tham nhũng thời gian qua đã được triển khai quyết liệt, đạt nhiều kết quả quan trọng.

Tuy nhiên, một số trường hợp gần đây giải quyết chưa thỏa đáng và gây bức xúc cho người dân. Ví dụ vụ biệt phủ ở Yên Bái của ông Phạm Sỹ Quý - nguyên Giám đốc Sở TN&MT tỉnh Yên Bái hay hàng loạt cán bộ ở Sơn La bị bắt giữ…

 “Là một cử tri, tôi luôn quan tâm đến kết quả của những vụ án đó nhưng có những vụ mức xử lý đối với những người vi phạm còn nhẹ, thông tin chưa công khai gây hoang mang, bức xúc trong dân. Nói chống tham nhũng là không có vùng cấm nhưng có vùng nể, vùng tránh không?” - bà Bích đặt vấn đề.

Về vấn đề thu hồi tài sản tham nhũng, cử tri Phạm Thị Bích cho rằng việc thu hồi tài sản do tham nhũng mà có đang là khâu yếu. Theo cử tri này, phải thu hồi 100% tài sản tham nhũng. Cùng đó phải có quy định về tịch thu tài sản bất minh, tài sản không lý giải được nguồn gốc.

Chủ tịch nước Trần Đại Quang: “Trong đấu tranh chống tham nhũng, chúng ta phải làm rất kiên quyết, không loại trừ bất kỳ ai nếu có hành vi tham nhũng”. Ảnh: QUỐC VŨ

Cử tri Hồ Quang Chính (quận 3) kiến nghị phải chống tham nhũng mạnh hơn, hiệu quả hơn. Ông nhấn mạnh chống tham nhũng cần nhất là lấy lại bằng được tài sản về cho nhân dân, nếu chỉ nhốt tù không giải quyết được gì.

“Tôi từng nói với một đồng chí rằng lên trung ương làm việc, đồng chí có thể có 10 cái nhà lầu nhưng tôi khuyên đồng chí để lại tiếng tốt, tiếng thơm trong nhân dân” - cử tri Chính nhắn nhủ.

Không chỉ bỏ tù mà phải thu hồi tài sản

Ghi nhận các ý kiến của cử tri, Chủ tịch nước Trần Đại Quang ghi nhận, tiếp thu các ý kiến và cho rằng các ý kiến này đều tâm huyết sâu sắc, thể hiện tinh thần trách nhiệm, sự quan tâm vấn đề bức thiết của cả nước và TP.HCM.

Liên quan đến vấn nạn tham nhũng, Chủ tịch nước thông tin: Vừa qua công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng cũng đạt được một số kết quả bước đầu tích cực nhưng so với yêu cầu đặt ra thì vẫn chưa đạt được mong muốn của toàn Đảng, toàn dân.

Vì vậy thời gian tới, Chủ tịch nước cho hay từ trung ương đến địa phương phải đấu tranh với tham nhũng, kể cả tham nhũng vặt lâu nay làm nhức nhối, “ngứa ngáy”, khó chịu cho các tầng lớp nhân dân ở cấp cơ sở.

Không chạy theo phát triển gây ảnh hưởng môi trường

Chúng ta phải đạt được mục tiêu phát triển nhanh nhưng bền vững, đi liền với bảo vệ môi trường, không thể đánh đổi môi trường bằng mọi giá, không vì chạy theo phát triển mà gây ảnh hưởng môi trường. Đây là vấn đề hết sức cấp thiết, hết sức quan trọng.

Chủ tịch nước TRẦN ĐẠI QUANG

Theo Chủ tịch nước Trần Đại Quang, cả nước có khoảng 23 vụ việc tham nhũng đang tập trung xử lý tiếp. Tinh thần là rõ đến đâu xử lý đến đó, xử lý xong rồi lại tiếp tục làm, nếu có những bằng chứng vi phạm pháp luật thì tiếp tục xử lý nghiêm. Vì vậy có những vụ mấy năm nay vẫn xử chưa xong.

“Trong đấu tranh chống tham nhũng, chúng ta phải làm rất kiên quyết, không loại trừ bất kỳ ai nếu có hành vi tham nhũng” - Chủ tịch nước Trần Đại Quang nhấn mạnh và cho hay một trong những ưu tiên là thu hồi tài sản mà người tham nhũng đang chiếm dụng.

“Tôi cũng đã góp ý rất nhiều và tôi cũng tham gia chỉ đạo làm sao có nhiều giải pháp kiểm soát được, phát hiện được, truy được kịp thời tài sản có liên quan đến hoạt động tham nhũng. Trên cơ sở này, khi đưa vụ án ra xét xử thì có thể thu hồi được tài sản mà các đối tượng chiếm dụng” - Chủ tịch nước nhấn mạnh và khẳng định “bỏ tù” đối tượng tham nhũng nhưng chưa thu được tài sản thì chỉ mới thành công một nửa.

Kiến nghị mạnh dạn giải thể các ban chỉ đạo kém hiệu quả

Cử tri Nguyễn Hữu Châu (quận 3) cho rằng hiện nay bộ máy của hệ thống chính trị vẫn còn cồng kềnh với biên chế lên đến gần 4 triệu người.

Theo ông Châu, để tinh gọn bộ máy thì một trong những vấn đề cần xem xét là giải thể đại bộ phận các ban chỉ đạo (BCĐ) hoạt động kém hiệu quả.

Về vấn đề này, Chủ tịch nước Trần Đại Quang chia sẻ thời gian tới sẽ được giải quyết theo tinh thần Nghị quyết Trung ương VI và Nghị quyết QH khóa XIV. Trong đó sẽ giải quyết vấn đề này có hiệu quả tích cực hơn. Tuy nhiên, đây là việc khó, cần kỹ lưỡng, thận trọng, cái gì chín thì làm, cái gì chưa chín thì làm thí điểm, rút kinh nghiệm rồi làm tiếp. Không nên nôn nóng mà làm ảnh hưởng, xáo trộn, gây ra hệ lụy, phức tạp.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm

Đọc nhiều
Tiện ích
Tin mới