Hôm nay (26-10), theo nghị trình, Quốc hội sẽ thảo luận báo cáo của Chính phủ về công tác phòng, chống tham nhũng (PCTN) 2020.
Trong báo cáo gửi tới Quốc hội, Chính phủ nhận định nhìn chung, “tham nhũng được kiềm chế, từng bước ngăn chặn và có chiều hướng thuyên giảm; góp phần quan trọng giữ vững ổn định chính trị, kinh tế - xã hội, nâng cao uy tín và vị thế của nước ta trên trường quốc tế”.
Chính phủ khẳng định công tác PCTN tiếp tục duy trì, đẩy mạnh, khẳng định mạnh mẽ quyết tâm chống tham nhũng “không có vùng cấm, không có ngoại lệ” của Đảng, Nhà nước.
Người đứng đầu thiếu trách nhiệm, để xảy ra tham nhũng
Về kết quả cụ thể, báo cáo Chính phủ cho thấy việc xây dựng các tiêu chuẩn, định mức như sử dụng ô tô, điện thoại hỗ trợ các ngày lễ, tết, khen thưởng… “cơ bản nghiêm túc”, được xây dựng cụ thể trong quy chế chi tiêu nội bộ của từng cơ quan, đơn vị và công khai, minh bạch cho toàn thể cán bộ, công chức, viên chức giám sát và thực hiện.
Các bộ, ngành, địa phương đã tiến hành hơn 3.940 cuộc kiểm tra việc thực hiện các chế độ, định mức, tiêu chuẩn, phát hiện 394 vụ việc và 521 người vi phạm (tăng hơn 38% số vụ và hơn 80% số người vi phạm so với năm 2019). Đã xử lý kỷ luật 65 người, xử lý hình sự 64 người; kiến nghị thu hồi và bồi thường hơn 44 tỉ đồng, đã được thu hồi và bồi thường trên 24 tỉ đồng.
Theo Chính phủ, trong kỳ báo cáo, các bộ, ngành, địa phương đã tiến hành kiểm tra việc thực hiện quy tắc ứng xử của cán bộ, công chức tại hơn 4.640 cơ quan, tổ chức, đơn vị (tăng gần 59% so với năm 2019); phát hiện, chấn chỉnh các sai phạm và xử lý 192 cán bộ, công chức, viên chức vi phạm quy tắc ứng xử, quy tắc đạo đức nghề nghiệp (tăng hơn 40% so với năm 2019).
Đáng chú ý, có tám trường hợp bị đình chỉ, tạm đình chỉ việc thực hiện nhiệm vụ, công vụ được giao do có xung đột lợi ích. Có ba trường hợp nộp lại quà tặng theo quy định, trị giá gần 32 triệu đồng. Qua hoạt động thanh tra phát hiện một cơ quan (Sở Công Thương tỉnh Tây Ninh) nhận quà tặng không đúng quy định, đã thu hồi số tiền vi phạm là 210 triệu đồng và đang tiến hành xử lý vi phạm.
Cũng theo số liệu từ báo cáo Chính phủ, năm 2020 có 69 người đứng đầu và cấp phó bị xử lý kỷ luật (tăng 39 người so với năm 2019) và 12 người bị xử lý hình sự do thiếu trách nhiệm để xảy ra tham nhũng. Bình Thuận là địa phương có số lượng người đứng đầu, cấp phó bị xử lý kỷ luật nhiều nhất (23 người). Về phía bộ, ngành, hai bộ Tài chính và Xây dựng đứng đầu danh sách, mỗi bộ có bốn người bị xử lý kỷ luật.
Phiên tòa xét xử 2 cựu bộ trưởng Bộ TT&TT trong đại án Mobifone mua AVG. Ảnh: TTXVN
Có biểu hiện “nhóm lợi ích”, bảo kê cho vi phạm
Thẩm tra báo cáo nói trên, Ủy ban Tư pháp của Quốc hội ghi nhận những kết quả Chính phủ đạt được trong việc triển khai thực hiện các biện pháp phòng ngừa tham nhũng. Tuy nhiên, cơ quan thẩm tra cho rằng công tác phòng ngừa tham nhũng trong một số ngành, lĩnh vực, địa phương vẫn còn những hạn chế nhất định.
Đáng chú ý, việc công khai, minh bạch trong tổ chức và hoạt động ở một số bộ, ngành, địa phương vẫn còn hạn chế. Tình trạng vi phạm định mức, tiêu chuẩn, chế độ còn diễn ra khá phổ biến; việc xử lý vi phạm tuy có tăng so với năm 2019 nhưng còn chưa phản ánh đúng với tình hình thực tế đang diễn ra.
Đặc biệt, việc thực hiện quy tắc ứng xử, quy tắc đạo đức nghề nghiệp và kiểm soát xung đột lợi ích tuy đã được các ngành, các cấp quan tâm thực hiện nhưng trên một số lĩnh vực, hiệu quả công tác này còn chưa thực sự chuyển biến. “Qua công tác thanh tra, kiểm tra và qua phản ánh của dư luận, cử tri và báo chí cho thấy còn nhiều trường hợp thực hiện quy tắc ứng xử chưa nghiêm, có biểu hiện “nhóm lợi ích”, móc ngoặc giữa người có chức vụ, quyền hạn trong khu vực nhà nước và doanh nghiệp; tình trạng người có chức vụ, quyền hạn “bảo kê”, bao che cho các hành vi vi phạm pháp luật vẫn diễn ra...” - báo cáo thẩm tra nêu rõ.
Cạnh đó, theo Ủy ban Tư pháp, cán bộ, công chức, viên chức lợi dụng vị trí công tác, lợi dụng sơ hở về cơ chế, chính sách, pháp luật để nhũng nhiễu, gây phiền hà nhằm vụ lợi khi giải quyết công việc liên quan đến người dân, doanh nghiệp vẫn xảy ra khá phổ biến. Xuất hiện tình trạng lợi dụng chủ trương xã hội hóa trong lĩnh vực y tế để tham nhũng, thậm chí có những trường hợp lợi dụng tình hình dịch bệnh để thực hiện hành vi tham nhũng...
“Việc bổ nhiệm cán bộ, công chức giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý, kể cả đối với vị trí chủ chốt ở một số bộ, ngành, địa phương trong một số trường hợp còn chưa thật sự phù hợp, dẫn đến còn có trường hợp người đứng đầu bị xử lý kỷ luật, thậm chí bị xử lý hình sự” - Ủy ban Tư pháp nêu.
Đồng thời, qua giám sát, phản ánh của dư luận cử tri và báo chí cho thấy vừa qua còn có một số trường hợp bổ nhiệm thần tốc; bổ nhiệm cán bộ không đủ điều kiện, tiêu chuẩn, thiếu minh bạch… gây phản cảm, hoài nghi trong dư luận.
Đề nghị đánh giá về “lợi ích nhóm”, “sân sau” Tại báo cáo thẩm tra công tác PCTN năm 2019, Ủy ban Tư pháp đã kiến nghị Chính phủ, các bộ, ngành đánh giá, nhận diện về tình trạng “tham nhũng vặt”, tham nhũng dưới hình thức “lợi ích nhóm”, “sân sau”, tham nhũng trong các cơ quan có chức năng chống tham nhũng. Qua đó, Ủy ban Tư pháp đề nghị các cơ quan có giải pháp phòng, chống; tổng kết, rà soát lại chức năng, nhiệm vụ và đánh giá hiệu quả của các đơn vị chuyên trách chống tham nhũng để điều chỉnh chức năng, nhiệm vụ cho phù hợp. “Đề nghị Chính phủ, các bộ, ngành báo cáo Quốc hội về kết quả thực hiện các kiến nghị trên của Ủy ban Tư pháp” - báo cáo thẩm tra nêu. |
“Tham nhũng trong chính cơ quan bảo vệ pháp luật”
Trong báo cáo thẩm tra, Ủy ban Tư pháp cho rằng số vụ án tham nhũng được phát hiện, điều tra, truy tố, xét xử còn chưa phản ánh đúng thực trạng tình hình tham nhũng. Cùng với đó, việc phát hiện tham nhũng thông qua công tác tự kiểm tra nội bộ, kiểm tra của cấp trên đối với cấp dưới là khâu yếu tồn tại nhiều năm nhưng vẫn chưa được khắc phục.
Ủy ban Tư pháp cũng đánh giá hoạt động của các đơn vị chuyên trách chống tham nhũng vẫn chưa đáp ứng đầy đủ yêu cầu; số vụ việc, vụ án tham nhũng do cơ quan điều tra chuyên trách phát hiện, khởi tố, điều tra còn ít.
Chất lượng và tiến độ giải quyết một số vụ việc, vụ án tham nhũng còn chưa đạt yêu cầu, một số vụ việc phải tạm đình chỉ điều tra do hết thời hạn điều tra chưa có kết quả giám định, định giá tài sản; còn có vụ án phải đình chỉ do không chứng minh được tội phạm…
“Vẫn còn đối tượng phạm tội tham nhũng bỏ trốn gây khó khăn cho công tác điều tra, xử lý, gây bức xúc trong dư luận” - báo cáo nêu và dẫn chứng vụ bị can Bùi Quang Huy (tổng giám đốc Công ty Nhật Cường) bị truy nã quốc tế về các tội buôn lậu và vi phạm quy định về kế toán gây hậu quả nghiêm trọng; bị can Hồ Thị Kim Thoa bị khởi tố về tội vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát, lãng phí, khi bị khởi tố không có mặt tại Việt Nam...
“Vẫn còn tình trạng tham nhũng ngay trong chính các cơ quan bảo vệ pháp luật, cơ quan tư pháp, cơ quan có chức năng chống tham nhũng”. Báo cáo thẩm tra nêu và cho rằng điều này làm ảnh hưởng trực tiếp đến hiệu quả công tác đấu tranh PCTN, làm giảm niềm tin của nhân dân đối với các cơ quan bảo vệ pháp luật.
Ủy ban Tư pháp cũng dẫn lại con số nêu trong báo cáo của viện trưởng VKSND Tối cao cho thấy trong năm 2020, Cơ quan điều tra VKSND Tối cao đã thụ lý điều tra 50 vụ/36 bị can, trong đó có 25 vụ/26 bị can về tội tham nhũng, chức vụ trong hoạt động tư pháp. “Đây là những vấn đề cần được Chính phủ, VKSND Tối cao, TAND Tối cao đánh giá đúng về thực trạng và có giải pháp khắc phục” - cơ quan thẩm tra nêu quan điểm.
Những con số đáng chú ý - Toàn ngành thanh tra đã triển khai gần 6.900 cuộc thanh tra hành chính và hơn 210.000 cuộc thanh tra, kiểm tra chuyên ngành. Qua thanh tra phát hiện vi phạm về kinh tế hơn 119.500 tỉ đồng, hơn 9.000 ha đất; kiến nghị thu hồi hơn 44.500 tỉ đồng và trên 1.400 ha đất; kiến nghị xử lý kỷ luật hành chính hơn 2.650 tập thể và nhiều cá nhân… - TAND các cấp đã thụ lý theo thủ tục sơ thẩm 436 vụ với 1.175 bị cáo, đã xét xử sơ thẩm 269 vụ/645 bị cáo phạm các tội tham nhũng. Trong đó có tám bị cáo bị tuyên phạt tù chung thân hoặc tử hình; xét xử phúc thẩm 158 vụ, 326 bị cáo. - Về kết quả thi hành án liên quan đến việc thu hồi tài sản tham nhũng nói chung, số thi hành xong là hơn 3.600 việc (đạt tỉ lệ hơn 84% số vụ việc có điều kiện thi hành). Số tiền thu được là hơn 15.000 tỉ đồng, đạt tỉ lệ 43,42% số có khả năng thi hành. - Năm 2020, các cấp, các ngành đã tiến hành chuyển đổi vị trí công tác nhằm phòng ngừa tham nhũng đối với hơn 17.900 cán bộ, công chức, viên chức (tăng hơn 50% so với năm 2019). |