Câu chuyện phòng, chống buôn lậu thuốc lá đang trở nên khẩn cấp hơn bao giờ hết. Mục đích của “cuộc chiến” này không còn dừng lại ở việc chống thất thu ngân sách mà yêu cầu đặt ra là phải bảo vệ sức khỏe, tính mạng cho người dân và các lực lượng chống buôn lậu.
Mối nguy cho an ninh xã hội
Bấy lâu nay, tình trạng buôn lậu thuốc lá diễn ra ở nhiều địa phương trên cả nước. Tại phía Bắc, các đầu nậu thường lợi dụng thời điểm đêm khuya, rạng sáng để thuê người mang vác thuốc lá điếu qua biên giới, sau đó cất giấu trên các loại xe tải, xe khách để mang đi tiêu thụ. Ở miền Trung, thủ đoạn chủ yếu là nhập lậu thuốc lá qua cửa khẩu, sau đó cho người vận chuyển vào sâu trong nội địa.
Riêng ở khu vực biên giới Tây Nam, tình hình buôn lậu diễn ra rất nghiêm trọng, địa bàn chủ yếu là ở các tỉnh Tây Ninh, An Giang, Long An, Đồng Tháp, Kiên Giang. Các đầu nậu thường lợi dụng địa hình biên giới phức tạp, có nhiều đường mòn, lối tắt, dùng vật chất để lôi kéo nhiều người mang thuốc lá lậu qua biên giới.
Các đầu nậu thường cho người theo dõi hoạt động của các lực lượng chức năng ngay tại trụ sở để kịp thời báo cho đồng bọn. Khi bị bắt giữ, các nài thuốc lá lậu sẵn sàng tấn công lực lượng thực thi nhiệm vụ để cướp lại hàng. Trên đường, những chiếc xe máy chở hàng lậu luôn chạy tốc độ cao để trốn tránh lực lượng chức năng. Đây thật sự là nỗi kinh hoàng cho người dân và học sinh đi lại trên các tuyến đường này.
Những nài chở thuốc lá lậu luôn là nỗi ám ảnh của người dân địa phương, do họ thường xuyên chạy tốc độ cao để chạy trốn lực lượng chức năng. Ảnh: H.NAM
Cần những giải pháp căn cơ, quyết liệt hơn
Tại hội nghị chuyên đề về tăng cường công tác đấu tranh, phòng chống buôn lậu thuốc lá do Ban Chỉ đạo Chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả (BCĐ 389) tổ chức tại TP.HCM ngày 18-10, các đại biểu tỏ ra hết sức lo ngại về vấn nạn buôn lậu thuốc lá nêu trên.
Ông Trương Hòa Bình, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Thường trực, Trưởng ban BCĐ 389 Quốc gia, nêu thực trạng: Dù các lực lượng chức năng phòng, chống buôn lậu như hải quan, quản lý thị trường, biên phòng… giăng đầy ở biên giới nhưng vẫn chưa ngăn chặn được thuốc lá lậu. Thậm chí có nơi còn xảy ra tình trạng xe máy chở thuốc lá lậu giống như “tiểu đội, trung đội” nối đuôi nhau từ biên giới chở hàng về TP.HCM tiêu thụ.
“Phải kiên quyết triệt phá những đường dây buôn lậu, nhất là đối tượng cầm đầu. Đã đánh thì phải đánh vào đầu sỏ. Dư luận còn nêu về hiện tượng bảo kê cho thuốc lá lậu, nhất là bảo kê từ quan chức. Cần phải đấu tranh mạnh mẽ để loại trừ, vì bảo kê cho thuốc lá lậu cũng được coi như tội phạm” - Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình chỉ đạo.
Trước đó vài ngày, nhiều nhóm giải pháp quan trọng trong phòng, chống thuốc lá lậu cũng đã được thảo luận sôi nổi tại buổi tọa đàm “An toàn - hiệu quả trong phòng chống buôn lậu thuốc lá địa bàn trọng điểm phía Nam” do Tổng cục Cảnh sát và báo Công An Nhân Dân phối hợp với BCĐ 389 tổ chức tại TP.HCM.
Ông Nguyễn Thanh Toàn, Phó Cục trưởng Cục Hải quan tỉnh Đồng Tháp, cho rằng phải chuẩn bị tốt kế hoạch, lực lượng, trang thiết bị, dự kiến những tình huống phát sinh… để thu được hiệu quả cao nhất. “Những người buôn lậu rất ngán và sợ bị ghi hình làm bằng chứng. Trước khi tổ chức kiểm soát, truy quét phải có phương án áp giải tang vật tuyệt đối an toàn. Đặc biệt, phải quản lý tốt cán bộ vì yếu tố con người mang tính quyết định” - ông Toàn nêu một số giải pháp.
Thuốc lá nhập lậu đổ vào TP.HCM chủ yếu từ các tỉnh Long An, Tây Ninh thông qua các huyện Bình Chánh, Hóc Môn và Củ Chi. Ông Nguyễn Trung Bính, Phó Chi cục trưởng Chi cục Quản lý thị trường TP.HCM, cho biết để ngăn chặn tình trạng thuốc lá lậu, chi cục đã triển khai nhiều giải pháp như tuyên truyền, dán áp phích, ký cam kết với những người kinh doanh thuốc lá, gắn camera để giám sát, cho vay vốn để chuyển đổi ngành nghề... nhưng cũng chưa đạt hiệu quả cao. |