Chiều 26-4, báo Pháp Luật TP.HCM tổ chức buổi giao lưu trực tuyến giữa bạn đọc với chủ quán Xin Chào Nguyễn Văn Tấn và chủ chòi vịt Nguyễn Văn Bỉ. Cùng giao lưu với ông Tấn và ông Bỉ còn có luật sư (LS) Nguyễn Duy (Đoàn LS TP.HCM, người nhận bào chữa, hỗ trợ pháp lý cho ông Bỉ và ông Tấn) và LS Phạm Công Hùng (nguyên Thẩm phán TAND Tối cao).
Cất cái chòi vịt chưa đầy một tiếng
Với nụ cười hiền, ông Bỉ chia sẻ cảm xúc về sự ngỡ ngàng khi biết mình có thể vô tù: “Tôi không ngờ cất cái chòi con con chưa đầy một tiếng đồng hồ lại thành nghiêm trọng như vậy, bị phạt đến hơn 6 triệu đồng. Ngày xưa khi nuôi bò tôi cũng cất chuồng nhưng không việc gì. Khi nhận tờ giấy có mấy dòng chữ cấm đi khỏi nơi cư trú, tôi chỉ dám đi quanh xóm. Ăn không thấy ngon, ngủ không tròn giấc, bắc võng nằm ngoài hiên mà thao thức đến sáng. Tôi giấu nhẹm mọi chuyện, kể cả với người thân”.
Khi bị khởi tố, ông Bỉ không có khiếu nại gì vì cứ nghĩ mình đã vi phạm. Vậy nên ông nghiêm túc chấp hành, tháo dỡ và đi đóng phạt. “Tôi nghĩ nếu tiếp tục kêu oan, tiếp tục nhờ LS hay báo chí giúp đỡ thì chỉ làm tội tôi nặng thêm và có khi bị bỏ tù. Vì tôi không nắm luật, cứ nghĩ mình đã lỡ vi phạm thì phải chịu. Chỉ khi thấy vụ án anh Tấn giống mình, tôi mới ngộ ra mình bị oan, lúc đó tôi mới nhờ LS Duy tư vấn đòi minh oan”.
Ông Bỉ nói ông chỉ mong muốn được đối xử công bằng, sau này khi đi làm thủ tục hồ sơ thì được giải quyết nhanh gọn, được tiếp đón chân thành và chỉ dẫn pháp luật cho hiểu biết hơn. “Thật lòng tôi cũng không mong muốn lấy lại tiền đã đóng phạt chi cho mất công” - ông Bỉ cười hiền.
Ông Tấn (ngồi giữa, đeo kính) đang trả lời câu hỏi của bạn đọc tại buổi giao lưu trực tuyến. Ảnh: PHƯỚC TĨNH
“Tôi sẵn sàng tha thứ cho Đại tá Quý”
Tương tự, trả lời câu hỏi của bạn đọc, ông Tấn cho biết: “Trước lời xin lỗi và mong muốn tha thứ của Đại tá Nguyễn Văn Quý, Trưởng Công an huyện Bình Chánh, thật lòng tôi sẵn sàng tha thứ. Chuyện gì qua rồi thì thôi. Tôi cũng mong sẽ không có những ai bị oan như tôi”.
Ông Tấn nói ông không biết mình có quyền yêu cầu xin lỗi công khai, bồi thường thiệt hại. Thế nên đến giờ ông không biết là mình nên yêu cầu gì. LS Nguyễn Duy cho biết ông Tấn thuộc trường hợp được bồi thường theo Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước, vì vậy ông có quyền yêu cầu VKSND huyện Bình Chánh xin lỗi và bồi thường. Còn nếu cho rằng bản thân ông bị oan do trưởng Công an huyện Bình Chánh có dấu hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự người không phạm tội thì ông Tấn có quyền làm đơn đề nghị CQĐT thuộc VKSND Tối cao vào cuộc để điều tra về hành vi này.
Về “mong muốn chỉ lấy lại 17 triệu đồng đã nộp phạt” của ông Tấn, LS Nguyễn Duy cho rằng có hai phương án để thực hiện. Một là ông Tấn khởi kiện quyết định xử phạt vi phạm hành chính ra tòa Bình Chánh để yêu cầu hủy quyết định trên, nếu được tòa chấp nhận thì ông được nhận lại số tiền bị phạt. Hai là chính Công an huyện Bình Chánh nhận thấy quyết định xử phạt có sai sót sẽ ra quyết định hủy quyết định xử phạt đối với ông Tấn thì ông Tấn sẽ được nhận lại tiền.
Nhận thức là cả quá trình
LS Phạm Công Hùng cho rằng nhiều năm làm công tác xét xử, ông nhận thấy những người tiến hành tố tụng (điều tra viên, kiểm sát viên và thẩm phán) phải hết sức tỉnh táo, nhạy cảm cập nhật tất cả văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến việc điều tra, truy tố và xét xử. Thẩm phán phải nâng cao phẩm chất của người đại diện cho các cơ quan bảo vệ pháp luật (công an nhân dân, VKSND, TAND) để giải quyết vụ án vô tư, khách quan, không thiên về hướng buộc tội ngay từ ban đầu thì sẽ tránh được oan, sai. “Đặc biệt, người tiến hành tố tụng chú ý không hình sự hóa các vi phạm về hành chính, dân sự. Điều này đã được quy định rất rõ tại khoản 4 Điều 8 BLHS 1999: Hành vi tuy có dấu hiệu của tội phạm nhưng tính chất nguy hiểm cho xã hội không đáng kể thì không phải là tội phạm” - LS Hùng nói.
Có bạn đọc đặt câu hỏi: Có hay không chuyện “phủ bênh phủ, huyện bênh huyện” khi Công an TP.HCM trả lời khởi tố là có căn cứ nhưng ngay sau đó VKSND Tối cao đã yêu cầu đình chỉ vì ông Tấn vô tội? LS Nguyễn Duy cho rằng với những nội dung, quy định (phải có giấy phép riêng trong trường hợp pháp luật quy định phải có giấy phép) thì hiện nay pháp luật chưa quy định, giải thích như thế nào là giấy phép riêng. “Vì vậy việc các cá nhân, cơ quan chức năng tiến hành tố tụng có thể có những nhận thức pháp luật khác nhau về vấn đề này. Do đó, không thể kết luận là “phủ bênh phủ, huyện bênh huyện”. Việc áp dụng pháp luật trong những trường hợp như trên phụ thuộc vào cách hiểu và vận dụng của mỗi cá nhân, cơ quan tiến hành tố tụng. Tuy nhiên, theo tôi cần phải vận dụng nguyên tắc có lợi cho người dân” - LS Duy nói.
LS Phạm Công Hùng thì cho rằng nhận thức là cả một quá trình. Để tìm ra sự thật khách quan của vụ án phải trải qua một quá trình điều tra, truy tố và xét xử. Trong quá trình đó, các ý kiến tranh luận khác nhau để tìm ra sự thật khách quan của vụ án là bình thường. “Phải có tranh luận thì mới tìm ra được chân lý. Kết cục cuối cùng ông Tấn được minh oan cũng chính là nhờ sự tranh luận quyết liệt của những người có thẩm quyền giải quyết vụ án như thế” - ông Hùng chia sẻ.
Vừa phạt hành chính, vừa xử hình sự một hành vi Trước khi chuyển hồ sơ qua công an theo đề nghị của cơ quan này, UBND huyện Bình Chánh đã tạm đình chỉ thi hành quyết định xử phạt hành chính đối với ông Bỉ. Tuy nhiên, việc tạm đình chỉ thi hành quyết định không có nghĩa là quyết định xử phạt hành chính đó đã bị hủy bỏ. Và điều đó sẽ phát sinh tình trạng quyết định xử phạt vi phạm hành chính vẫn có hiệu lực (chưa bị hủy bỏ) nhưng ông Bỉ lại bị khởi tố điều tra về cùng một hành vi đã bị xử phạt hành chính trước đó. Điều này là chưa ổn. Nếu có sự oan sai thì mặc nhiên người gây ra oan sai phải chịu trách nhiệm và bị xử lý theo quy định của pháp luật. LS Phạm Công Hùng |