Liên quan tàu vỏ thép của ông Phan Lùn (xã Hoài Thanh, huyện Hoài Nhơn, Bình Định) bị hỏng máy ngay chuyến ra khơi đầu tiên sau hơn nửa năm nằm bờ, ông than: Từ ngày vay tiền đóng con tàu, gia đình sống trong lo lắng, khốn khổ!
Ông cho hay hiện con tàu đang nằm chờ để sửa chữa hộp số tại Côn Đảo (Bà Rịa-Vũng Tàu). Khi máy chính hoạt động trở lại, con tàu này sẽ được đưa đến Vũng Tàu để tiếp tục sửa chữa máy phát điện thì mới có thể ra khơi trở lại.
Theo ông Lùn, con tàu được Công ty TNHH MTV Nam Triệu (Bộ Công an) thay máy mới chính hãng Mitsubishi (Nhật Bản) cách đây hơn hai tháng. Ngày 2-1, tàu ra khơi đánh bắt trở lại chuyến đầu tiên sau hơn sáu tháng nằm bờ. Hơn 20 ngày sau, trong khi đang đánh bắt ở vùng biển phía Nam, tàu của ông Lùn bất ngờ bị hỏng máy phát điện. Trên đường đưa tàu về Quy Nhơn (Bình Định) để sửa chữa, tàu lại bị hỏng máy chính, không thể hoạt động được, phải phát tín hiệu cầu cứu khẩn cấp. Trưa 26-1, tàu cứu nạn của Trung tâm Phối hợp tìm kiếm hàng hải Việt Nam đã lai dắt vào Côn Đảo. “Anh em kiểm tra thì thấy hộp số không còn nhớt. Không hiểu sao máy mới mà lại bị như vậy!” - ông Lùn than.
Các cơ quan chức năng giám sát việc thay máy chính hãng cho tàu vỏ thép. Ảnh: TL
Trước đó, từ tháng 6-2017 con tàu đã nằm bờ do máy chính trên tàu không chính hãng như trong hợp đồng đóng tàu và Bình Định đã yêu cầu Công ty Nam Triệu phải thay máy chính hãng cho 11 tàu cá, trong đó có tàu ông Lùn.
Cũng theo ông Lùn, thời hạn bảo hành của Công ty Nam Triệu với con tàu theo hợp đồng đã hết nên ông phải chịu toàn bộ chi phí sửa chữa. Ngay trong chuyến đầu tiên đi đánh bắt trở lại, gia đình đã bị thiệt hại gần 300 triệu đồng. “Tàu sửa xong, gia đình tôi hy vọng có phương tiện đánh bắt để trả nợ, anh em bạn thuyền có việc làm. Chưa kịp mừng thì giờ nợ nần tiếp tục chồng chất. Thực sự từ ngày vay tiền đóng con tàu vỏ thép này, gia đình tôi luôn sống trong lo lắng, khốn khổ. Tôi đau buồn quá!” - ông nghẹn ngào nói.
Ngày 29-1, trao đổi với Pháp Luật TP.HCM, một lãnh đạo Sở NN&PTNT tỉnh Bình Định cho biết Sở sẽ phối hợp với các cơ quan chức năng làm rõ nguyên nhân con tàu lại bị hỏng. “Trước và trong quá trình thay máy mới đều được Trung tâm Đăng kiểm tàu cá của Tổng cục Thủy sản cùng nhiều cơ quan chức năng kiểm tra, giám sát kỹ. Khi ông Lùn đưa tàu về Bình Định, chúng tôi sẽ kiểm tra lại để xác định nguyên nhân hư hỏng” - vị lãnh đạo Sở NN&PTNT thông tin.
PV đã nhiều lần liên lạc với lãnh đạo Công ty Nam Triệu để tìm hiểu rõ hơn sự việc nhưng họ không nghe máy.