Ngày 19-12, trao đổi với Pháp Luật TP.HCM, Thượng tá Bùi Hữu Hùng, Phó tổng giám đốc Công ty TNHH MTV Nam Triệu (thuộc Tổng cục Hậu cần- Kỹ thuật, Bộ Công an), cho biết công ty đã có văn bản gửi Sở NN&PTNT tỉnh Bình Định về tiến độ sửa chữa, khắc phục các tàu vỏ thép hỏng và việc đền bù thiệt hại cho các chủ tàu.
Theo đó, công ty này đã báo cáo các cơ quan chức năng của Tổng cục Hậu cần- kỹ thuật xin chủ trương về việc hỗ trợ theo đề nghị của ngư dân. Công ty cũng tiến hành rà soát, thống kê các khoản đã bồi thường, hỗ trợ cho ngư dân. Hiện nay, Công ty Nam Triệu đang xây dựng kế hoạch phương án chi tiết giải quyết hỗ trợ cho ngư dân đảm bảo có tình, có lý, đúng quy định và trên cơ sở hợp đồng kinh tế đã ký kết giữa các bên. Dự kiến, việc bồi thường sẽ hoàn thành vào cuối tháng 1-2018.
Các tàu vỏ thép do Công ty Nam Triệu đóng vừa được sửa chữa.
Trước đó, Sở NN&PTNT tỉnh Bình Định có văn bản gửi Công ty TNHH MTV Nam Triệu (Bộ Công an), Công ty TNHH Đại Nguyên Dương về yêu cầu đền bù thiệt hại đối với 19 chủ tàu vỏ thép do hai công ty này vừa đóng mới đã bị hư hỏng.
Theo văn bản này, 19 chủ tàu vỏ thép yêu cầu hai công ty trên phải đền bù, hỗ trợ thiệt hại tổng cộng hơn 45,6 tỉ đồng. Trong đó, 14 chủ tàu yêu cầu Công ty Nam Triệu bồi thường tổng cộng hơn 36,5 tỉ đồng, năm chủ tàu yêu cầu Công ty Đại Nguyên Dương đền bù hơn 9 tỉ đồng.
Theo Thượng tá Bùi Hữu Hùng, sắp tới Công ty Nam Triệu cùng các cơ quan chức năng của Tổng cục Hậu cần- kỹ thuật sẽ làm việc cụ thể với từng ngư dân chủ tàu vỏ thép để thống nhất việc kê khai thiệt hại, đảm bảo rõ ràng, hợp lý. “Ngư dân bị thiệt hại là có thật! Chúng tôi chia sẻ với bà con! Quan điểm của Công ty Nam Triệu là cái gì chính đáng thì sẽ xem xét bồi thường, hỗ trợ hợp tình hợp lý’’- ông Hùng nói với PV.
Cũng theo Thượng tá Hùng, cùng với việc xem xét bồi thường cho ngư dân, Công ty Nam Triệu sẽ buộc Công ty TNHH Thương mại xuất nhập khẩu Hoàng Gia Phát (Q.2, TP.HCM) phải đền bù cho Nam Triệu. “Công ty Hoàng Gia Phát làm sai hợp đồng nên chịu trách nhiệm về thiệt hại. Về nguyên tắc, Hoàng Gia Phát phải thanh toán lại tiền cho Nam Triệu để mua máy mới lắp cho tàu của ngư dân. Hiện nay, Hoàng Gia Phát kêu khó khăn, chưa thanh toán lại tiền mua máy. Chúng tôi sẽ đề nghị cơ quan chức năng có biện pháp mạnh đối với Công ty Hoàng Gia Phát“- ông Hùng thông tin.
Lãnh đạo Công ty Nam Triệu cho biết thêm hiện vẫn còn bốn tàu đang được sửa chữa hoàn chỉnh tại Nhà máy Đóng tàu Cam Ranh (Khánh Hòa). Dự kiến, cả bốn tàu này sẽ được hạ thủy vào cuối tháng 12-2017.
Theo Thượng tá Hùng, nguyên nhân việc sửa chữa tàu chậm tiến độ là do máy chính của tàu bị trục trặc phải khắc phục, dẫn đến việc đưa tàu đến Nhà máy Đóng tàu Cam Ranh bị chậm. Ngoài ra, do ảnh hưởng mưa bão, không thể phun sơn, sửa chữa theo đúng tiến độ cam kết. Trước đó, 11 tàu vỏ thép do Công ty Nam Triệu đóng bị hỏng đã được sửa chữa hoàn thành tại Nhà máy Đóng tàu Tam Quan (Bình Định).
Năm tàu vỏ thép do Công ty Đại Nguyên Dương đóng phải nằm bờ dài ngày, gây thiệt hại nặng đối với ngư dân. Ảnh: TL
Liên quan đến việc bồi thường thiệt hại cho ngư dân, trao đổi với Pháp Luật TP.HCM, ông Trần Châu, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định, cho biết trong tuần này các cơ quan chức năng sẽ làm việc với Công ty Đại Nguyên Dương để tiếp tục yêu cầu công ty này bồi thường cho ngư dân.
“Nếu Công ty Đại Nguyên Dương vẫn giữ quan điểm không bồi thường thiệt hại, UBND tỉnh Bình Định sẽ chỉ đạo các cơ quan chức năng hỗ trợ pháp lý để bà con ngư dân khởi kiện ra tòa, buộc công ty này phải bồi thường thiệt hại”- ông Châu nhấn mạnh.
Như Báo Pháp Luật TP.HCM đã thông tin, ngày 7-12 Công ty Đại Nguyên Dương có văn bản đề nghị các cơ quan chức năng tỉnh Bình Định xem xét cho công ty này không bồi thường thiệt hại cho ngư dân. Công ty này đưa ra lý do là việc chậm sửa chữa, khiến các tàu vỏ thép phải nằm bờ nhiều tháng qua không phải lỗi của công ty. Ngược lại công ty này đổ lỗi cho ngư dân và các nguyên nhân khách quan.