Bên chấp nhận, bên phản đối
Theo ông Nguyễn Công Bình, Chi cục phó Chi cục Thủy sản (Sở NN&PTNT tỉnh Bình Định), 19 chủ tàu đã yêu cầu hai công ty trên phải chi trả bồi thường, hỗ trợ do thiệt hại với tổng số tiền gần 37 tỉ đồng. Trong đó gồm nhiều khoản như chi phí khắc phục, sửa chữa sau khi nhận tàu; lỗ tổn phí, thuê thuyền viên do tàu hư hỏng khai thác không hiệu quả, nợ gốc, lãi ngân hàng cùng nhiều khoản khác… Trong số tiền phải bồi thường trên, riêng Công ty Nam Triệu bị yêu cầu phải chi trả hơn 33 tỉ đồng, còn lại là Công ty Đại Nguyên Dương.
Ông Nguyễn Văn Mẫn, Quyền Tổng Giám đốc Công ty Nam Triệu, nhận trách nhiệm về những thiệt hại do tàu mới đóng đã bị hư hỏng. Theo ông Mẫn, đến nay công ty này đã bỏ ra hơn 40 tỉ đồng để khắc phục, sửa chữa và dự kiến sẽ còn thiệt hại hơn nữa. “Những yêu cầu hỗ trợ thiệt hại của ngư dân là chính đáng, chúng tôi ghi nhận. Chúng tôi sẽ làm việc với các chủ tàu để xem xét, bàn bạc, thống nhất việc bồi thường một cách hợp lý. Sau đó chúng tôi sẽ báo cáo với cơ quan chủ quản là Tổng cục Hậu cần, Bộ Công an để xin ý kiến. Công ty Nam Triệu đã rất cố gắng, mong bà con ngư dân hiểu cho khó khăn của doanh nghiệp” - ông Mẫn trần tình.
Trong khi đó ông Nguyễn Xuân Nguyên, Giám đốc Công ty Đại Nguyên Dương, thừa nhận công ty ông có thiếu sót trong quá trình thi công làm thân tàu bị hư hỏng nhưng lại cho rằng máy, vỏ tàu vẫn đủ điều kiện khai thác. Do đó ông không chấp nhận bồi thường việc tàu nằm bờ.
Mặt khác, giám đốc Công ty Đại Nguyên Dương cho rằng việc sửa chữa tàu chậm tiến độ cam kết là do ngư dân yêu cầu kiểm tra chất lượng tôn, công ty chờ các văn bản cho sửa chữa của các cơ quan chức năng, mưa bão, điều kiện nơi sửa chữa tàu không đáp ứng… “Với những lỗi hư hỏng thân vỏ của các tàu đó, chúng tôi chỉ sửa chữa trong 15 ngày là xong. Việc sửa chữa chậm không phải do công ty nên chúng tôi không bồi thường cho ngư dân” - ông Nguyên lớn tiếng.
Việc sửa chữa tàu kéo dài khiến ngư dân bị thiệt hại nặng. Ảnh: TẤN LỘC
Nếu không bồi thường sẽ kiện ra tòa
Nhiều ngư dân chủ tàu đã phản ứng gay gắt trước ý kiến của giám đốc Công ty Đại Nguyên Dương. Các chủ tàu cho rằng lãnh đạo công ty cố tình thoái thác trách nhiệm trước thiệt hại quá lớn của ngư dân. Ông Lê Văn Thãi nói rằng gia đình ông đã quá mệt mỏi với hơn 20 cuộc họp nhưng hiện nay tàu vỏ thép BĐ 99016 TS của ông vẫn chưa sửa chữa xong. Ông Thãi yêu cầu bồi thường 2,8 tỉ đồng.
Ông Hà Ngọc Tân, Phó Chủ tịch UBND huyện Phù Mỹ, cho biết: “Lãnh đạo Công ty Đại Nguyên Dương nói không bồi thường cho ngư dân là không thể chấp nhận. Nếu công ty này không bồi thường, chính quyền sẽ hỗ trợ bà con ngư dân khởi kiện ra tòa”.
Ông Phan Trọng Hổ, Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Bình Định, đề nghị hai công ty trên chậm nhất đến ngày 15-12 phải có văn bản trả lời chính thức có chi trả bồi thường hay không.
Ông Hổ cho biết thêm Sở NN&PTNT sẽ tham mưu UBND tỉnh có văn bản đề nghị Thủ tướng có hướng giải quyết hỗ trợ đối với các ngư dân chủ tàu trong việc trả nợ ngân hàng. Trong số 19 tàu bị hư hỏng có 17 chủ tàu nợ quá hạn ngân hàng với tổng số tiền gần 18 tỉ đồng, trong đó nợ gốc hơn 8 tỉ đồng, còn lại là tiền lãi.