“Trong ngày 4-8, Công ty TNHH MTV Nam Triệu phải có văn bản chính thức trả lời yêu cầu của ngư dân để Sở NN&PTNT Bình Định xin ý kiến UBND tỉnh giải quyết dứt điểm".
Ngày 3-8, Ông Trần Văn Phúc, Phó giám đốc Sở NN&PTNT Bình Định, kết luận như vậy tại cuộc họp giải quyết việc khắc phục, sửa chữa tàu vỏ thép giữa các ngư dân chủ tàu và Công ty TNHH MTV Nam Triệu (Bộ Công an).
Cũng theo ông Phúc, hiện nay, Tổng cục Hậu cần (Bộ Công an) đã vào Bình Định để kiểm tra tình hình khắc phục, sửa chữa tàu vỏ thép hư hỏng. "Mọi việc liên quan đến khắc phục, sửa chữa tàu vỏ thép hỏng phải nhanh chóng thống nhất, không để mất thời gian thêm nữa”- ông nói.
Tại cuộc họp ngày 3-8, các ngư dân và chủ tàu vẫn chưa thống nhất hoàn toàn phương án sửa chữa tàu vỏ thép hỏng.
Theo ông Trần Đình Sơn (ngụ xã Mỹ An, huyện Phù Mỹ, Bình Định), tàu cá vỏ thép BĐ- 99245 TS của ông do Công ty Nam Triệu đóng với tổng chi phí gần 20 tỉ đồng, trong đó riêng máy tàu hiệu Doosan (Hàn Quốc) có giá 2,7 tỉ đồng. Tuy nhiên, ngay trong chuyến đi biển đánh bắt đầu tiên, chỉ sau sáu ngày xuất bến, tàu bị hỏng máy, phải quay về, làm gia đình ông Sơn bị lỗ gần 200 triệu đồng.
Trong chuyến thứ hai, sau khi đi được 10 ngày, tàu lại bị gãy trục chính của máy, phải thả trôi tự do trên biển. Gia đình ông Sơn phải thuê hai tàu cá ở Bình Định, Thanh Hóa kéo vào bờ với chi phí 120 triệu đồng và bị lỗ hơn 200 triệu đồng. Ba tháng nay, tàu phải nằm bờ để chờ sửa chữa.
Trong tất cả các cuộc làm việc trước đây, ông Sơn đều yêu cầu Công ty Nam Triệu phải thay máy mới vì cho rằng máy tàu hư không phải lỗi của ông. Trong khi đó, công ty đóng tàu và doanh nghiệp cung cấp máy không đồng ý thay máy mới mà chỉ thay thế phụ tùng, linh kiện mới với lý do cho rằng đây là chính sách bảo hành toàn cầu của hãng Doosan.
Trong văn bản ngày 11-7 kết luận phương án khắc phục, sửa chữa tàu vỏ thép hỏng, UBND tỉnh Bình Định cũng yêu cầu Công ty Nam Triệu phải thay mới máy chính hiệu Doosan cho tàu của ông Trần Đình Sơn.
Tuy nhiên, trong phương án khắc phục, Công ty Nam Triệu chỉ thực hiện bảo hành, thay thế các linh kiện, phụ tùng mới cho tàu của ông Sơn. Công ty này đề nghị có kết luận nguyên nhân hư hỏng của máy chính hiệu Doosan để có căn cứ làm việc với đơn vị cung cấp máy vì phụ thuộc chính sách bảo hành của hãng Doosan. UBND tỉnh Bình Định không chấp nhận phương án này.
Tại cuộc họp ngày 3-8, ông Trần Văn Phúc cho rằng máy tàu của ông Sơn hư hỏng có lỗi của cơ sở đóng tàu lẫn chủ tàu. Khi máy tàu bị hỏng, công ty đóng tàu đã thay thế phụ tùng nhưng không đồng bộ, là nguyên nhân làm gãy trục chính của máy. Do đó, Sở NN&PTNT đề nghị hai bên thỏa thuận phương án khắc phục.
Sau khi tranh cãi gay gắt nhưng không tìm được sự thống nhất với công ty đóng tàu, ông Sơn đành chấp nhận thay thế phụ tùng do tàu phải nằm bờ quá lâu, nợ nần ngày càng phát sinh, chồng chất. Ông Sơn cũng đành chấp nhận bảo hành 12 tháng như đề nghị của Công ty Nam Triệu.
Tuy nhiên, ông Sơn đưa ra yêu cầu công ty đóng tàu phải thay máy mới nếu trong thời gian bảo hành máy tiếp tục hỏng với lý do khách quan, không phải lỗi của ngư dân.
Lãnh đạo Sở NN&PTNT cũng đồng tình với yêu cầu này. Phó giám đốc Sở NN&PTNT yêu cầu Công ty Nam Triệu phải thay thế bằng phụ tùng, thiết bị chính hãng của Doosan với sự kiểm tra, giám sát của Trung tâm Đăng kiểm tàu cá thuộc Tổng cục Thủy sản.
Trong khi đó, ông Nguyễn Hoàng Tân, Giám đốc Xí nghiệp đóng tàu (thuộc Công ty Nam Triệu), không tự quyết các yêu cầu của ngư dân mà liên tục xin rời cuộc họp để gọi điện hỏi ý kiến quyết định từ lãnh đạo công ty. Dù vậy, đại diện Công ty Nam Triệu vẫn chưa có câu trả lời cụ thể.
Các nhân viên hãng Doosan, doanh nghiệp cung cấp máy kiểm tra máy tàu của ngư dân Trần Đình Sơn
Trao đổi với Pháp Luật TP.HCM chiều 3-8, Đại tá Đặng Ngọc Oanh, Tổng giám đốc Công ty Nam Triệu, cho biết trong ngày 4-8 công ty sẽ có văn bản gửi Sở NN&PTNT Bình Định để báo cáo là không thể thay máy mới cho ông Sơn mà chỉ thay thế phụ tùng.
“Trong hợp đồng đã ký giữa Công ty Nam Triệu với ông Trần Đình Sơn có nêu là nếu máy hỏng đến đâu thì sửa chữa đến đó chứ không ghi là thay máy mới. Mặt khác, chính sách bảo hành của Doosan cũng đưa ra như vậy nên chúng tôi không thể làm khác. Đó là về lý, chứ về tình cảm chúng tôi sẽ hỗ trợ ngư dân lâu dài” - Đại tá Đặng Ngọc Oanh cho hay.
Cũng theo ông Oanh, hiện Công ty Nam Triệu đang sửa chữa 15 tàu vỏ thép bị hỏng cho ngư dân Bình Định. Công ty đã thay hoàn chỉnh máy mới, trục số cho một tàu trong bảy máy mới chính hãng Mitsubishi đã nhập về.
“Ngày 15-8, chúng tôi tiếp tục nhập về bốn máy mới chính hãng Mitsubishi để thay máy cho các tàu còn lại. Mặt khác, chúng tôi sẽ đưa bốn tàu vào Nha Trang hoặc ra Đà Nẵng để sửa chữa vì sửa tại Bình Định không kịp. Chúng tôi đảm bảo hoàn thành việc sửa chữa tất cả các tàu trong tháng 8-2017”- ông Oanh nói.
Theo Sở NN&PTNT Bình Định, hiện Công ty TNHH Đại Nguyên Dương cũng đã đưa năm tàu vỏ thép lên đà tại Xí nghiệp Đóng tàu Tam Quan (huyện Hoài Nhơn, Bình Định) để sửa chữa. Công ty này và các chủ tàu thống nhất không thay thế toàn bộ thép Trung Quốc bằng thép Hàn Quốc đạt cấp A; chỉ kiểm tra, thay thế những phần thép Trung Quốc không đạt cấp A bằng thép Hàn Quốc đạt cấp A. Doanh nghiệp sẽ trả tiền chênh lệch cho chủ tàu do thanh toán bằng thép Hàn Quốc. |