Ngày 4-7, Văn phòng Chính phủ có công văn hỏa tốc truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc về việc tàu cá đóng mới theo Nghị định 67/2014 tại một số địa phương không đảm bảo chất lượng mà báo chí, dư luận phản ánh trong thời gian qua.
Theo đó, Thủ tướng giao Bộ Công an chỉ đạo các đơn vị chức năng điều tra làm rõ vụ việc đóng tàu kém chất lượng ở Bình Định và một số địa phương; báo cáo Thủ tướng kết quả thực hiện trong tháng 8-2017.
Thủ tướng cũng giao Bộ NN&PTNT có trách nhiệm phối hợp chặt chẽ với Bộ Công an thực hiện nhiệm vụ trên.
Một tàu cá vỏ thép mới đóng của ngư dân Bình Định bị rỉ sét.
Trước đó, UBND tỉnh Bình Định có văn bản báo cáo Thủ tướng Chính phủ về kết quả thẩm định 18 tàu vỏ thép hư hỏng và công tác chỉ đạo khắc phục.
Văn bản do ông Trần Châu, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, ký kiến nghị Thủ tướng chỉ đạo Bộ Công an yêu cầu các cơ quan chức năng của Bộ phối hợp với Công an tỉnh Bình Định để xử lý, truy cứu trách nhiệm hình sự đối với các cơ sở đóng tàu có hành vi gian lận trong thực hiện hợp đồng với ngư dân. Ngoài ra, UBND tỉnh Bình Định giao Công an tỉnh Bình Định báo cáo Bộ Công an về tình hình hư hỏng của 18 tàu vỏ thép, đề nghị lập hồ sơ khởi tố đối với các cơ sở đóng tàu gian dối.
Một máy tàu bị hỏng nặng.
Như Pháp Luật TP.HCM liên tục phản ánh, tỉnh Bình Định có hàng chục tàu vỏ thép vừa đóng mới theo Nghị định 67/CP đã bị hư hỏng nặng chỉ sau vài chuyến ra khơi, trong đó có một tàu bị chìm hoàn toàn ngay trong chuyến đánh bắt đầu tiên.
Toàn bộ số tàu vỏ thép bị hỏng của ngư dân Bình Định đều do hai doanh nghiệp đóng là Công ty TNHH MTV Nam Triệu (Bộ Công an) và Công ty TNHH Đại Nguyên Dương. Kết quả thẩm định độc lập của tỉnh Bình Định xác định có 10 tàu bị lắp máy cải hoán, không phải máy thủy, không phải hàng chính hãng. Có năm tàu bị đóng bằng thép Trung Quốc trong khi hồ sơ ghi là thép Hàn Quốc. Ngoài ra có nhiều trang thiết bị hư hỏng nặng, không hoạt động.