Ngư dân Trần Văn Liên (51 tuổi, ngụ thôn Tân An, xã Bình Minh, Thăng Bình, tỉnh Quảng Nam) bức xúc cho biết, con tàu trị giá 16 tỉ đồng mang số hiệu Qna- 94679TS của gia đình ông gần 2 năm nay vẫn nằm bờ ở âu thuyền Thọ Quang (Đà Nẵng). Điều này khiến gia đình ông lâm vào cảnh khó khăn, nợ nần chồng chất. Ông và các con ông không có công ăn việc làm, trong khi đó các chủ nợ liên tục đòi mà không biết đào đâu ra để trả.
Mới chạy thử đã hỏng
Tháng 9-2015, ông Liên có vay tiền theo nghị định 67/2014 để đóng tàu vỏ thép với hi vọng được thuận lợi trong việc đi biển. Hai doanh nghiệp đóng tàu cho gia đình ông là Công ty cổ phần đóng tàu Bảo Duy (trụ sở Đà Nẵng) và Công ty TNHH Dịch vụ kỹ thuật Liên Á (trụ sở Hà Nội). Trong đó, công ty Liên Á chủ yếu cung cấp máy móc và kỹ thuật cho tàu.
Con tàu vỏ thép của ông Liên nằm bờ 2 năm nay
Đáng nói, vào tháng 3-2016, công ty đóng tàu có nói ông Liên cho tàu chạy thử nhưng ngư dân này không đồng ý vì tàu chưa được bàn giao và không có nhân viên kỹ thuật bên bán máy. Tuy nhiên, sau đó phía bên công ty có cho người chạy thử, nhưng chỉ được một lúc thì tàu xuất hiện tiếng rú rồi hỏng.
Lúc này, bên Công ty Liên Á đã cho người mở máy ra coi và tiến hành nhiều cuộc họp bàn kế hoạch sửa chữa sau đó. Cuối cùng, Công ty Bảo Duy góp 600 triệu đồng cùng với 100 triệu đồng của Công ty Liên Á để mua phụ tùng sửa chữa tàu.
Sau khi mua được phụ tùng xong, bên công ty đóng tàu tiến hành kiểm tra thay thế thì phát hiện lốc máy đã bị hỏng. Trong lúc này, Công ty Bảo Duy đã chịu chi 50% số tiền để mua lại máy mới, trong khi đó Công ty Liên Á không có ý kiến gì. Mới đây, ông Liên đã gửi đơn đến tòa án nhân dân TP Tam Kỳ (Quảng Nam) để kiện cả hai công ty trên.
“Tôi phải thuế chấp bìa đỏ để vay thêm 450 triệu đồng để chuẩn bị ra khơi, nhưng ai ngờ tàu hỏng khiến gia đình điêu đứng mấy năm nay. Riêng tiền trả để giữ chân bạn thuyền đã gần 200 triệu đồng, còn tiền chuẩn bị mua dầu và vật dụng khác cũng cả trăm triệu nhưng tàu hỏng thì chúng tôi đứt hơi. Nợ hơn 15 tỉ đồng ngân hàng mà giờ không có việc làm thì lấy chi mà trả nợ” ông Liên bức xúc
Ai chịu trách nhiệm?
Ông Liên làm nghề biển đã chừng hơn 30 năm, hai con trai ông cũng theo nghề cha. Nghe tin Nhà nước cho vay tiền đóng tàu, gia đình ông mừng rỡ bán con tàu cũ được 600 triệu đồng rồi vay mượn thêm 200 triệu đồng để làm tiền đối ứng đóng tàu nhưng giờ công cốc.
“Tôi rất bức xúc, bạn bè đi tàu gỗ thì mỗi năm cũng thu được hơn 500 triệu đồng, còn tàu sắt thì trừ chi phí rồi mỗi năm cũng thu hơn 2 tỉ đồng. Vậy mà giờ tôi cũng không biết làm gì vì tàu hỏng nằm bờ. Hai con trai không có việc nên cũng ở nhà chờ. Giờ chỉ mong cơ quan chức năng giải quyết sớm để tôi có thể ra khơi đánh bắt, lấy tiền trả nợ” ông Liên nói
Trao đổi với Pháp Luật TPHCM chiều 29-6, bà Trần Ngọc Phương Tú, Phụ trách hành chính Công ty Cổ phần đóng tàu Bảo Duy cho biết, tàu vỏ thép mang số hiệu Qna- 94679TS của ông Trần Văn Liên được đóng mới trong vòng 6 tháng. Tuy nhiên, bên phía công ty Bảo Duy chỉ chịu trách nhiệm đóng phần vỏ tàu khoảng 10 tỉ và hoàn thành đúng theo hợp đồng, còn phần máy tàu do Công ty THHH Dịch vụ Kỹ thuật Liên Á cung cấp.
Ông Liên bức xúc vì tàu chưa ra khơi đã hỏng khiến gia đình ông điêu đứng. Ảnh HUY TRƯỜNG
Cũng theo bà Tú, phần máy tàu do ông Liên và công ty THHH Dịch vụ Kỹ thuật Liên Á ký kết với nhau, bên phía công ty Bảo Duy chỉ có trách nhiệm gắn bộ phận máy này vào trong tàu. Khi tàu hư, cả 3 bên cùng ngồi họp thì công ty THHH Dịch vụ Kỹ thuật Liên Á đã đồng ý sữa chữa, nhưng có đề nghị bên công ty bà hỗ trợ để mua phụ tùng.
“Để giúp đỡ cho ông Liên, công ty chúng tôi đã vận động cán bộ nhân viên đóng góp gần 600 triệu đồng để thay thế phụ tùng theo yêu cầu của Liên Á. Tuy nhiên, phần máy tàu hư quá nặng nên không sữa chữa được, cũng từ đó 600 triệu được chúng tôi đóng góp hỗ trợ vẫn chưa trả lại cho công ty. Hiện vụ kiện này chỉ mới xử một phiên, vào ngày 20-6, tòa tiếp tục làm việc nhưng công ty THHH Dịch vụ Kỹ thuật Liên Á xin hoãn, đến bây giờ vẫn chưa có thông báo mới ”, bà Tú cho biết thêm.
Trong khi đó, đại diện Công ty THHH Dịch vụ Kỹ thuật Liên Á cho biết, ngay lần đầu tiên chạy là máy đã hư hỏng rồi. Ngay cái thời điểm xảy ra hỏng máy tàu thì nhân viên của bên công ty không có mặt. Do bị thiếu dầu nên hư máy chứ gì nữa. Máy này là máy Nhật nhưng nhập từ Singapore về.
Trong khi đó ông Trần Đình Tùng, Phó chủ tịch tỉnh Quảng Nam cho biết, chuyện này đang làm thủ tục ra tòa. Để tòa độc lập xét xử chứ chính quyền không can thiệp được.