“Dù chưa có kết luận chính thức nhưng kết quả kiểm tra thực tế vừa qua cho thấy hai cơ sở đóng tàu là Công ty TNHH MTV Nam Triệu và Công ty TNHH Đại Nguyên Dương đã có những việc làm thiếu trách nhiệm, vi phạm trong thực hiện hợp đồng đóng tàu với ngư dân”. Ông Châu nói thế và nhấn mạnh: “Việc nhiều con tàu vỏ thép hàng chục tỉ đồng vừa đóng mới đã bị hư hỏng nặng, không thể đi biển không những gây thiệt hại nặng nề đối với bà con ngư dân mà còn ảnh hưởng đến một chính sách lớn, rất có ý nghĩa của Chính phủ là Nghị định 67/CP về một số chính sách phát triển thủy sản”.
Có đến tám tàu vỏ thép của ngư dân Bình Định đóng bằng thép không đạt tiêu chuẩn. Ảnh: TL
Ông Châu cho hay căn cứ vào kết quả thẩm định, UBND tỉnh Bình Định sẽ có kết luận chính thức về nguyên nhân các con tàu bị hư hỏng, xác định trách nhiệm của các bên liên quan. “Đây là cơ sở để chúng tôi buộc các công ty đóng tàu phải khắc phục triệt để tình trạng hỏng hóc, thực hiện đầy đủ nghĩa vụ với ngư dân theo đúng hợp đồng đã ký. Đồng thời UBND tỉnh cũng sẽ kiến nghị các cơ quan thẩm quyền xử lý trách nhiệm đối với các đơn vị, cá nhân sai phạm. Những vấn đề chưa rõ, có dấu hiệu tội phạm thì yêu cầu cơ quan công an điều tra, xử lý theo quy định pháp luật” - ông Châu nói.
Theo ông Phan Trọng Hổ, Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Bình Định, đến nay ngư dân tỉnh này đóng mới 45 tàu vỏ thép từ nguồn vốn vay theo Nghị định 67/CP tại chín cơ sở đóng tàu trong cả nước. Tuy nhiên, từ tháng 4-2017 đến nay, cả tỉnh có đến 19 tàu vỏ thép hư hỏng, trong đó có một tàu bị chìm hoàn toàn, không thể trục vớt, không thể thẩm định chất lượng. Số tàu bị hư hỏng trên đều do hai doanh nghiệp là Công ty TNHH MTV Nam Triệu (14 tàu) và Công ty TNHH Đại Nguyên Dương (năm tàu) đóng.
Kết quả thẩm định ban đầu của tổ thẩm định độc lập cho thấy cả năm tàu do Công ty Đại Nguyên Dương đóng đều bị rỉ sét nghiêm trọng, đóng bằng thép Trung Quốc, không đạt tiêu chuẩn, trong khi chứng thư về giá, chứng từ thanh toán ghi là thép Hàn Quốc. Trong số tàu bị hỏng do Công ty Nam Triệu đóng có đến chín tàu lắp máy chính mang nhãn hiệu Mitsubishi nhưng không chính hãng, không phải máy thủy, không phải máy mới mà là hàng trôi nổi, cải hoán lắp vào. Ngoài ra, nhiều trang thiết bị hàng hải, khai thác trên các tàu cũng bị hư hỏng nặng, không thể hoạt động...
Trước thông tin doanh nghiệp đóng tàu thỏa thuận sửa chữa với ngư dân có tàu bị hỏng, ông Hổ cho biết: “Sở NN&PTNT đã đề nghị bà con ngư dân chờ kết luận chính thức và hướng xử lý của UBND tỉnh đối với từng con tàu để có phương án sửa chữa, khắc phục triệt để” - ông Hổ nói.
Điều đáng nói là trong khi Công ty Nam Triệu đang tích cực hợp tác để xử lý sự cố này thì Công ty Đại Nguyên Dương nhiều tuần qua chưa thấy trở lại Bình Định. Ông Phan Trọng Hổ cho hay hơn một tháng nay, lãnh đạo Công ty Đại Nguyên Dương không đến Bình Định để làm việc, khắc phục tàu hư hỏng. Ngay cả khi được mời đến dự cuộc họp công bố kết quả sơ bộ thẩm định do Sở NN&PTNT tổ chức ngày 22-6, đại diện công ty này cũng không đến.
“Thái độ của Công ty Đại Nguyên Dương như vậy là không tôn trọng các cơ quan chức năng. Nếu công ty này tiếp tục lẩn tránh trách nhiệm, UBND tỉnh Bình Định sẽ yêu cầu các cơ quan có thẩm quyền có biện pháp mạnh đối với công ty này” - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định Trần Châu nói.