Ngày 17-7, ông Nguyễn Chí Công, Phó Chủ tịch UBND huyện Hoài Nhơn (Bình Định), cho hay: Trong những ngày qua, bà Nguyễn Thị Sinh, vợ ông Lê Hoàng Phong, Giám đốc Công ty TNHH Thương mại Xuất nhập khẩu Hoàng Gia Phát (quận 2, TP.HCM) - doanh nghiệp bán máy cho Công ty Nam Triệu, đã gặp gỡ, năn nỉ chủ tàu để xin sửa chữa máy hỏng.
Sau khi thuyết phục ngư dân, bà Sinh đến UBND huyện Hoài Nhơn xin cho Công ty Hoàng Gia Phát sửa chữa các máy. Bà Sinh nói rằng nếu thay toàn bộ chín máy thủy chính hãng Mitsubishi thì Công ty Hoàng Gia Phát không đủ khả năng nên xin được sửa chữa, cải hoán máy bộ đã lắp trước đây để ngư dân có tàu đi biển.
"Tôi trả lời dứt khoát là không chấp nhận sửa chữa. Trong hợp đồng đóng tàu với ngư dân, Công ty Nam Triệu phải lắp máy thủy mới chính hãng Mitsubishi nhưng đã lắp máy cải tạo, không chính hãng, gây hư hỏng liên tục thì buộc phải thay máy mới, chưa kể còn phải xử lý theo quy định pháp luật” - ông Công nói.
“Không chỉ máy mà cả việc đóng tàu bằng thép Trung Quốc không đúng hợp đồng cũng phải thay như vậy. Tôi đề nghị bà Sinh làm việc với Công ty Nam Triệu chứ ngư dân cũng như chúng tôi không biết Công ty Hoàng Gia Phát là ai” - ông Công cho hay.
Theo nhiều ngư dân ở Bình Định, bà Sinh nói với các chủ tàu nếu cho sửa chữa, lắp các bộ phận bị hỏng, Công ty Hoàng Gia Phát sẽ tăng thời gian bảo hành thêm một năm, hoàn trả cho mỗi máy… 100 triệu đồng.
Máy tàu không đồng bộ, hư hỏng. Ảnh: TL
Lãnh đạo Sở Nông nghiệp tỉnh Bình Định cho hay đã yêu cầu các doanh nghiệp bán máy cho Công ty Nam Triệu không được tự ý sửa chữa, thay máy vì phải chờ kết quả thẩm định độc lập của tỉnh. Mặt khác, các doanh nghiệp bán máy muốn thay máy mới phải thông qua đơn vị đóng tàu là Công ty Nam Triệu vì công ty này hợp đồng đóng tàu với ngư dân chứ không phải đơn vị bán máy.
Trong diễn biến liên quan, ngày 16-6, Công ty TNHH Ô tô Đông Hải (Hà Nội), doanh nghiệp bán máy Doosan (Hàn Quốc) cho Công ty Nam Triệu, có văn bản báo cáo Sở NN&PTNT tỉnh này việc khắc phục máy tàu vỏ thép BĐ 99245 TS của ông Trần Đình Sơn (ngụ xã Mỹ An, huyện Phù Mỹ, Bình Định) bị hỏng.
Theo đó, Công ty TNHH Ô tô Đông Hải cho rằng máy tàu của ông Sơn hỏng là do lỗi vận hành của chủ tàu. Ông Hải nói rằng chính sách bảo hành toàn cầu của hãng Doosan chỉ thay thế phụ tùng chứ không thay máy mới. Ông Hải “tố cáo” là ông Sơn không hợp tác để ông thay phụ tùng, linh kiện.
Theo lãnh đạo Sở Nông nghiệp, máy tàu của ông Sơn bị hỏng lỗi không phải của người sử dụng. Sau khi máy bị trục trặc, Công ty TNHH Ô tô Đông Hải đã tự đưa thiết bị vào thay thế là ba bộ piston, xylanh, buồng nổ nhưng những thiết bị này không đồng bộ với các linh kiện khác làm máy bị gãy trục chính.
“Họ liên tục đổ lỗi cho chúng tôi nhưng lại bảo đừng cung cấp thông tin cho báo chí!” - ông Trần Đình Sơn nói.