Ngày 19-6, trao đổi với báoPháp Luật TP.HCM, ông Nguyễn Trường Chính, Chủ tịch UBND xã Vinh Thanh (huyện Phú Vang, tỉnh Thừa Thiên – Huế) cho biết trong toàn xã có 4 ngư dân đăng ký làm tàu vỏ thép theo Nghị định 67 của Chính phủ nhưng trong vài hôm nay, họ đồng loạt xin rút đơn làm tàu vỏ thép.
Ngư dân Đỗ Thức trao đổi với PV
“Trong 4 hộ dân có một hộ dân xin dừng hẵn với lý do là gặp khó khăn về nguồn vốn, còn 3 hộ dân xin rút đơn làm tàu vỏ thép chuyển sang đóng tàu gỗ thì đã có ngư dân Đỗ Khể là đã được phê duyệt và hiện nay đã bắt đầu tiến hành đóng tàu vỏ gỗ”, ông Chính cho hay.
Theo ông Nguyễn Thanh Phát, Chi hội trưởng Chi hội nghề cá xã Vinh Thanh: "Tình trạng tàu vỏ thép bị hư hỏng ở Bình Định khiến những ngư dân ở Vinh Thanh đăng ký đóng tàu vỏ thép có tâm lý bất an, lo sợ nên rút đăng ký".
Ngư dân Đỗ Thức (thôn 6, xã Vinh Thanh) cho biết, ông đăng ký đóng tàu vỏ thép theo Nghị định 67 của Chính phủ với tổng số vốn 18,6 tỉ đồng. Tuy nhiên, vừa qua nghe thông tin nhiều tàu vỏ thép ở tỉnh Bình Định nhanh chóng bị hư hỏng khi vừa đưa vào sử dụng, ông quyết định rút đăng ký đóng tàu vỏ thép và chuyển sang đóng tàu vỏ gỗ truyền thống.
"Đóng tàu vỏ gỗ thì chỉ tốn khoảng 10 tỉ đồng, trong vòng 10 năm đầu không tốn tiền bảo dưỡng thay thế, đến sau 10 năm trở đi thì chỉ tu sửa lại phần nào bị hư hỏng. Đóng tàu vỏ gỗ cho an tâm chứ đóng tàu vỏ thép dù hiện đại hơn nhưng lỡ nó hư như ở Bình Định thì trắng tay”, anh Thức cho hay.
Theo Chủ tịch UBND xã Vinh Thanh, trước thông tin ngư dân xin rút đơn đăng ký làm tàu vỏ thép thì chính quyền đã ghi nhận chứ không can thiệp hay khuyên người dân nên đóng tàu vỏ thép vì lỡ khi đưa vào sử dụng, tàu gặp phải sự cố như rỉ rét hư hỏng thì xã sao chịu trách nhiệm được.