+ ĐB Nguyễn Bá Sơn (Đà Nẵng): Chỉ mới đóng 37 chiếc nhưng đã có 18 con tàu hư hỏng nặng, một chiếc phải nằm lại trong lòng biển khơi, số còn lại buộc phải nằm bờ.
Ngư dân đóng tàu để vươn khơi, thực hiện sản xuất, tham gia bảo vệ chủ quyền, vậy mà có đại diện một công ty giải thích rằng tàu hỏng là do nước biển mặn! Tôi không thể tưởng tượng nổi câu trả lời này. Trong khi những sai phạm đã rõ mười mươi, các doanh nhân liên quan tranh cãi, thậm chí tìm cách chối bỏ trách nhiệm thì từng ngày, tình cảnh của những ngư dân càng trở nên khó khăn, nợ ngân hàng đến hạn, lãi chồng lên lãi, nợ xấu có nguy cơ tiếp tục gia tăng. Cuộc sống của ngư dân ngày càng trở nên bất ổn.
+ ĐB Lý Tiết Hạnh (Bình Định): Yêu cầu đặt ra là ngư dân phải yên tâm, gắn bó với những con tàu. Tàu phải ra khơi bám biển, chính sách của Nhà nước phải phát huy được tác dụng, giữ vững niềm tin của người dân, không để những chính sách lớn như vậy lại trở thành gánh nặng, trở thành nguyên nhân gây ra nợ xấu như nhiều ĐB lo lắng.
Đề nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo các ngành sớm phát hiện nguyên nhân sự cố trên, xử lý nghiêm minh và có hướng khắc phục hiệu quả để bảo đảm chính sách trên không bị lợi dụng, đồng thời bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người dân.
+ Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học Công nghệ và Môi trường của Quốc hội Trương Minh Hoàng: Bản thân tôi rất bức xúc về việc này. Một phương tiện kiếm sống của người dân đến 20 tỉ đồng, có khi là tài sản của cả dòng tộc, tập thể xóm/ấp cả đời mới gom góp được nhưng vì hám lợi, hám tiền của ai đó mà các doanh nghiệp, các đơn vị, nhà cung cấp làm gian dối.
Tôi cho rằng việc này không thể đổ thừa bất cứ lý do gì cả mà phải sớm làm rõ trách nhiệm trong vụ việc này, thậm chí các ngành chức năng vào cuộc, xem xét nếu có liên quan đến vi phạm hình sự thì xử lý nghiêm, đem lại sự công bằng cho người dân, đặc biệt những ngư dân thuộc nhóm yếu thế.