Trao đổi với Báo Pháp Luật TP.HCM ngày 20-6, lãnh đạo Sở NN&PTNT tỉnh Bình Định cho biết Sở đã nhận văn bản của Tập đoàn Mitsubishi (Nhật Bản) liên quan đến việc các tàu vỏ thép của ngư dân tỉnh này sử dụng máy hiệu Mitsubishi bị hỏng.
Các thành viên tổ thẩm định độc lập truy nguyên nahan hư hỏng của một tàu vỏ thép không thể ra khơi. Ảnh: TẤN LỘC
Theo đó, Tập đoàn Mitsubishi chính thức xác định tám động cơ gắn trên các tàu vỏ thép của ngư dân Bình Định mà hãng này đã kiểm tra là không phải máy thủy do Mitsubishi sản xuất.
Theo ông Teddy Trương Thưởng, trợ lý giám đốc bán hàng của Công ty Xin Min Hua Pte Ltd (Singapore)- đại diện phân phối máy Mitsubishi chính hãng duy nhất tại Việt Nam. Trước thông tin nhiều máy tàu hiệu Mitsubishi bị hỏng, ngày 8-6, đại diện hãng Mitsubishi cùng các chuyên gia Nhật Bản phối hợp Sở NN&PTNT Bình Định đi kiểm tra chín tàu vỏ thép có sử dụng máy tàu hiệu Mitsubishi bị hỏng.
“Chúng tôi đã lấy số liệu của các máy tàu này gửi về Nhật Bản phân tích. Qua kiểm tra, đối chiếu tài liệu, số liệu, chúng tôi khẳng định hãng Mitsubishi không sản xuất các động cơ thủy có model, số seri ghi trên tám động cơ chính lắp trên tám tàu vỏ thép của ngư dân Bình Định. Tám động cơ này vốn là máy bộ, được cải hoán một số bộ phận để hoạt động trong môi trường thủy. Với những model máy lắp trên các tàu vỏ thép của ngư dân Bình Định mà chúng tôi đã trực tiếp kiểm tra, công suất nhỏ hơn nhiều so với những số liệu ghi trên máy là 940 HP, 811 HP”- ông Thưởng nói với PV.
Đại diện Công ty Xin Min Hua Pte Ltd cũng cho rằng nhiều khả năng đây là hàng trôi nổi, không đảm bảo chất lượng.
Theo lãnh đạo Sở NN&PTNT, cả tám máy bị cải hoán trên đều lắp trên tám tàu vỏ thép do Công ty TNHH MTV Nam Triệu (Bộ Công an) đóng cho ngư dân Bình Định. Để tìm hiểu rõ hơn vấn đề này, ngày 20-6, PV tiếp tục liên lạc với Đại tá Đặng Ngọc Oanh, Tổng giám đốc Công ty Nam Triệu nhưng ông Oanh từ chối trả lời với lý do bận họp.
Trước đó, thông tin với báo chí, ông Oanh nói rằng Công ty TNHH Thương mại xuất nhập khẩu Hoàng Gia Phát (Q.2, TP.HCM)- doanh nghiệp bán máy cho Công ty Nam Triệu đóng tàu vỏ thép cho ngư dân Bình Định- đã mua gom số máy trên ở nhiều nơi. Khi đưa đến Công ty Nam Triệu để lắp vào tàu vỏ thép cho ngư dân, những chiếc máy này đã qua bốn lần mua bán với bốn người chủ khác nhau. Do đã qua nhiều lần mua bán nên hiện nay Công ty khẩu Hoàng Gia Phát không biết hồ sơ gốc của máy nằm ở đâu.
Trong khi đó, đại diện Công ty Hoàng Gia Phát lại cho rằng doanh nghiệp này đã cung cấp đúng model máy theo yêu cầu trong hợp đồng với Công ty Nam Triệu và đó là động cơ bộ chứ không phải máy thủy.
Nhiều máy tàu vỏ thép của ngư dân là hàng trôi nổi, từ động cơ bộ cải hoán thành máy thủy. Ảnh: HOA KHÁ
Ông Phan Trọng Hổ, Giám đốc Sở NN&PTNT Bình Định, cho biết hiện nay đã có kết quả sơ bộ thẩm định 17 con tàu vỏ thép bị hỏng của ngư dân tỉnh này. Tuy nhiên, để đảm bảo đánh giá toàn diện, khách quan, chính xác, Sở NN&PTNT tiếp tục làm việc với các đơn vị liên quan, các công ty đóng tàu và sẽ báo cáo để UBND tỉnh kết luận, có hướng xử lý.
Trao đổi với Pháp Luật TP.HCM, ông Trần Châu, Phó chủ tịch UBND tỉnh Bình Định, nhấn mạnh: “Khi có kết quả thẩm định độc lập, UBND tỉnh sẽ xác định trách nhiệm của các bên liên quan. Ở đây, trách nhiệm chính trước hết thuộc hai về hai đơn vị ký hợp đồng đóng tàu với ngư dân là Công ty Nam Triệu và Công ty TNHH Đại Nguyên Dương", ông nói.
"Mới đây, khi lãnh đạo Tổng cục Hậu cần của Bộ Công an vào làm việc với UBND tỉnh Bình Định về các tàu vỏ thép do Công ty Nam Triệu đóng bị hư hỏng, đơn vị này cũng thống nhất là sẽ xử lý nghiêm vụ việc nếu có dấu hiệu phạm tội”.