Ngày 14-6, trao đổi với Pháp Luật TP.HCM, ông Trần Châu, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định, cho biết đã ký công văn chính thức yêu cầu công an tỉnh điều tra vụ hàng loạt tàu vỏ thép của ngư dân tỉnh này vừa đóng mới đã bị hư hỏng nặng.
“Cơ quan công an sẽ điều tra làm rõ nguyên nhân, trách nhiệm của các bên liên quan trong việc tàu mới đóng đã bị hỏng. Qua điều tra sẽ xác định lỗi, các cơ quan làm sai thì cũng phải chịu trách nhiệm trước pháp luật. Công an cũng sẽ điều tra hiện tượng “đi đêm” giữa các công ty đóng tàu với ngư dân…” - ông Châu nói.
Một nguồn tin cho hay lãnh đạo Công an tỉnh Bình Định đã phân công các đơn vị chức năng, chuyên môn tiếp cận hồ sơ, hợp đồng đóng tàu, kiểm tra thực tế máy móc, trang bị thiết bị của tàu cùng các vấn đề khác, tổng hợp báo cáo Bộ Công an để Bộ chỉ đạo điều tra, xử lý.
Các chuyên gia, kỹ sư máy của Hàn Quốc đang kiểm tra máy tàu. Ảnh: HOA KHÁ
Trong diễn biến khác, cùng ngày, Công ty TNHH Ô tô Đông Hải - đơn vị cung cấp máy tàu hiệu Doosan cho Công ty TNHH MTV Nam Triệu (Bộ Công an) đã đưa linh kiện, phụ tùng đến thay cho máy tàu cá BĐ 99245 TS của ông Trần Đình Sơn (ngụ xã Mỹ An, huyện Phù Mỹ). Tuy nhiên, ông Sơn không chấp nhận.
Tàu của ông Sơn do Công ty Nam Triệu đóng với giá gần 20 tỉ đồng, riêng máy tàu trị giá 2,7 tỉ đồng. Ngay trong chuyến đi biển đầu tiên máy tàu đã trục trặc, phải quay về. Đến chuyến thứ hai thì máy bị gãy trục chính, gia đình ông Sơn phải thuê hai tàu kéo vào bờ, nằm chờ sửa chữa từ đầu tháng 5-2017 đến nay. “Máy tàu mới đi biển vài ngày mà đã bị hỏng hai lần, gãy trục chính, cốt máy nên tôi yêu cầu phải thay máy mới. Công ty đưa linh kiện, phụ tùng đến thay nhưng tôi yêu cầu chờ kết quả thẩm định, quyết định của UBND tỉnh là thay máy mới hay thay phụ tùng” - ông Sơn nói.
Trao đổi với PV, ông Bùi Thanh Hải, Giám đốc Công ty TNHH Ô tô Đông Hải, nói: “Chính sách bảo hành toàn cầu của hãng Doosan là thay thế phụ tùng cho các bộ phận hư hỏng. Hiện nay, chúng tôi đang làm hết sức để ngư dân có tàu đi biển. Chúng tôi phải bỏ tiền chuyển phát nhanh một tấn phụ tùng từ nước ngoài về để thay toàn bộ phụ tùng mới cho máy tàu của ông Sơn nhưng ông không đồng ý, chúng tôi đang làm văn bản báo cáo Sở NN&PTNT và lãnh đạo tỉnh Bình Định”.
Trong khi đó, lãnh đạo Sở NN&PTNT tỉnh Bình Định cho hay: Công ty Nam Triệu và ông Trần Đình Sơn báo cáo với Sở NN&PTNT máy tàu của ông Sơn là máy mới hiệu Doosan nhưng bị hỏng. Do đó để xác định có phải máy mới hay không thì phải kiểm tra, giám định. Hiện tổ thẩm định độc lập chất lượng tàu vỏ thép do UBND tỉnh thành lập đang giám định. Khi có kết quả giám định sẽ có hướng xử lý. “Hiện nay các công ty đóng tàu, các đơn vị cung cấp máy tàu làm việc, thỏa thuận với ngư dân việc khắc phục tàu bị hỏng nhưng không báo cáo Sở NN&PTNT. Trong khi đó, tổ thẩm định độc lập do Sở NN&PTNT chủ trì vẫn đang giám định 17 tàu vỏ thép bị hỏng. Sau khi có kết quả giám định sẽ có hướng xử lý. Ngay cả việc thay máy mới cho các tàu cũng phải được giám định để xác định có đúng máy mới hay không” - vị này nói.