Trong khi ngư dân tỉnh Bình Định đang bức xúc vì hàng chục con tàu vỏ thép nằm bờ thì ở Thanh Hóa các con tàu loại này cũng đang đẩy ngư dân vào cảnh khó vì hư hỏng.
“Cứ vươn khơi là hỏng”
“Trong các chuyến ra khơi, chúng tôi liên tục dừng lại giữa biển để sửa chữa hoặc buộc phải quay về vì máy phát điện chính hư hỏng, máy tời bị vỡ, neo bị gãy…”. Các ngư dân TP Sầm Sơn (Thanh Hóa) than về các con tàu vỏ thép ở tỉnh này như trên.
Ông Nguyễn Duy Muộn, chủ tàu TH 93968 TS (ngụ Quảng Cư, TP Sầm Sơn), cho biết con tàu của ông công suất 829 CV, chuyên hành nghề lưới chụp, được đầu tư gần 18 tỉ đồng do Công ty CP Đại Dương đóng ở Thái Bình. Hiện tại con tàu của ông không thể vươn khơi vì máy phát điện hư hỏng phải sửa chữa.
“Đây là lần thứ tám tàu phải nằm bờ sửa chữa trong gần một năm qua kể từ khi con tàu đi vào hoạt động” - ông bức xúc nói.
Theo ông Muộn, vào tháng 10-2016, khi tàu đang ngoài khơi thì phát hiện máy tời của tàu bị hư hỏng, buộc phải trở về bờ sửa chữa. Chuyến thứ hai vươn khơi mang theo hy vọng có tiền về trả lãi ngân hàng nhưng lần này thì máy phát điện chính của con tàu lại hư, phải quay về bờ.
“Tôi không nghĩ là nó lại tiếp tục hư, lần thứ ba vươn khơi, khi vào đảo Bạch Long Vĩ (Hải Phòng) tránh thời tiết xấu. Khi thả neo thì phát hiện hai neo trước của tàu đã bị gãy và tàu đã bị trôi dạt. Tiếp sau đó lại phát hiện lái thủy lực chính bị bung khỏi bệ, không thể điều khiển được tàu” - ông Muộn cho biết.
“Cứ nghĩ đời mình khổ đóng được con tàu vươn khơi để thoát nghèo, ai ngờ hư hết lần này đến lần khác. Trong khi đó cứ ba tháng là phải nộp cho ngân hàng gần 300 triệu đồng và trả lương cho bạn thuyền. Cứ đà này thì không biết phải làm sao” - ông Muộn nói về “con tàu đổi đời” của mình.
Tàu vỏ sắt TH 93968 của ông Nguyễn Duy Muộn liên tục bị hỏng hóc, không thể vươn khơi. Ảnh: ĐẶNG TRUNG
Ông Nguyễn Duy Muộn bức xúc khi nói về con tàu 18 tỉ đồng phải nằm bờ. Ảnh: ĐẶNG TRUNG
Máy phát điện cũ, trục thủy lực không đảm bảo
Theo tìm hiểu của Pháp Luật TP.HCM, tính đến nay trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa có 23 chiếc tàu vỏ thép được đóng theo Nghị định 67/2014.
Tuy nhiên, nhiều con tàu đã phải thường xuyên nằm bờ, sửa chữa khiến ngư dân gặp khó khăn không ít trong việc trả lãi ngân hàng. Cùng với đó là bạn thuyền bỏ đi làm việc ở nơi khác vì tàu thường xuyên nằm bờ vì hỏng hóc.
Theo ông Muộn, con tàu của ông có máy chính hoạt động tốt, tuy nhiên hai máy phụ đều là máy phát điện cũ, hai lần phải sửa; hệ thống lái trục thủy lực không đảm bảo, hư chân vịt vì mối hàn không tốt, thép làm neo không đúng thiết kế, bị gãy khi neo đậu.
Chung với tình cảnh của ông Muộn, nhiều ngư dân có tàu vỏ thép cũng thường xuyên nằm bờ.
Ông Lê Văn Lực, chủ tàu TH 91709 TS với công suất 811 CV (Hoằng Hóa) do Công ty TNHH Đóng tàu Đại Nguyên Dương đóng, cho hay tàu của ông mới đi biển được vài tháng cũng hư hỏng. Cụ thể là hư cẩu tời, cháy chấn lưu… Một tàu khác cũng do Đại Nguyên Dương đóng, mới hoạt động nhưng đã bị rỉ sắt, bong tróc sơn, xuống cấp.
Trao đổi với Pháp Luật TP.HCM liên quan đến hai con tàu bị hỏng hóc thường xuyên, ông Nguyễn Xuân Nguyên, Giám đốc Công ty Đại Nguyên Dương, cho biết: “Đối với tàu của ông Lực, cho đến nay là đã hết bảo hành. Riêng trường hợp Trần Văn Thượng (ngụ xã Nghi Sơn, huyện Tĩnh Gia, Thanh Hóa) cũng do Công ty TNHH Đóng tàu Đại Nguyên Dương đóng hiện chúng tôi vẫn đang bảo hành, còn với việc sơn bị bong tróc là do kéo hàng tấn chì va chạm cùng với thời gian thì nó bị bong tróc”.
Trao đổi với Pháp Luật TP.HCM liên quan đến việc hàng loạt tàu bị hỏng trong 23 chiếc tàu vỏ thép được đóng theo Nghị định 67 ở Thanh Hóa vừa đưa vào khai thác đã hỏng hóc, nằm bờ, ông Nguyễn Đức Quyền, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa, cho biết: UBND tỉnh đã giao cho Sở NN&PTNT làm rõ các thông tin liên quan đến việc nhiều tàu vỏ sắt nằm ở huyện Hoằng Hóa và TP Sầm Sơn. “Hiện tại chưa có thông tin cụ thể và chúng tôi đang cho làm rõ, sẽ trả lời sau” - ông nói.
Quảng Nam: Chủ tàu vỏ thép kiện hai công ty đóng tàu Ngư dân Trần Văn Liên (51 tuổi, xã Bình Minh, Thăng Bình, Quảng Nam) cho biết con tàu trị giá 16 tỉ đồng QNa 94679 TS của gia đình gần hai năm nay vẫn nằm ở âu thuyền Thọ Quang (Đà Nẵng), đẩy gia đình vào cảnh khốn cùng. Theo ông Liên, tháng 9-2015 ông có vay tiền theo Nghị định 67 để đóng tàu vỏ thép. Hai doanh nghiệp đóng tàu cho gia đình ông là Công ty Cổ phần Đóng tàu Bảo Duy (trụ sở Đà Nẵng) và Công ty TNHH Dịch vụ kỹ thuật Liên Á (trụ sở Hà Nội). Trong đó, Công ty Liên Á chủ yếu cung cấp máy móc và kỹ thuật cho tàu. Tháng 3-2016, công ty cho người chạy thử nhưng khởi động một lúc thì máy tàu rú lên rồi hỏng. Sau đó hai công ty góp 700 triệu đồng mua phụ tùng sửa chữa tàu. Sau khi mua được phụ tùng, công ty đóng tàu kiểm tra thay thế thì phát hiện lốc máy bị hỏng và Công ty Bảo Duy chịu chi 50% tiền để mua lại máy mới trong khi Công ty Liên Á không có ý kiến. Mới đây, ông Liên đã gửi đơn đến TAND TP Tam Kỳ (Quảng Nam) để kiện cả hai công ty trên. “Tôi phải thế chấp bìa đỏ vay thêm 450 triệu đồng để chuẩn bị ra khơi nhưng ai ngờ tàu hỏng khiến gia đình điêu đứng mấy năm nay. Riêng tiền trả để giữ chân bạn thuyền đã gần 200 triệu đồng, còn tiền chuẩn bị mua dầu và vật dụng khác cũng cả trăm triệu đồng nhưng tàu hỏng thì chúng tôi đứt hơi. Nợ hơn 15 tỉ đồng ngân hàng mà giờ không có việc làm thì lấy chi mà trả nợ” - ông Liên bức xúc. Vụ án đang được tòa thụ lý. H.TRƯỜNG - N.TRI _______________________________________ Bộ NN&PTNT đã có công văn gửi đến các địa phương, yêu cầu tổng rà soát toàn bộ tàu cá đóng mới theo Nghị định 67/2014 thực trạng hoạt động, chất lượng tàu cá vỏ thép. Bộ cũng yêu cầu Tổng cục Thủy sản tổng hợp báo cáo từ các địa phương để báo cáo lên Thủ tướng Chính phủ. Thứ trưởng VŨ VĂN TÁM, Bộ NN&PTNT |