Chủ thịt heo dính chất an thần: Xử sao?

“Từ ngày 3 đến 10-2, Chi cục Chăn nuôi và Thú y TP.HCM (gọi tắt Chi cục) tiến hành khảo sát dư lượng thuốc an thần trên heo đã giết mổ (thịt heo) từ các tỉnh đưa vào TP.HCM tiêu thụ. Kết quả 17/58 mẫu (hơn 29%) nhiễm thuốc an thần Acepromazine”. Ông Khương Trần Phúc Nguyên, Trưởng phòng Thanh tra chuyên ngành thuộc Chi cục Chăn nuôi và Thú y TP.HCM, thông tin với Pháp Luật TP.HCM.

Cầu cứu Cục Thú y và Bộ NN&PTNT

Theo ông Nguyên, đây là đợt khảo sát đầu tiên tồn dư thuốc an thần trong thịt heo do Chi cục thực hiện. Tuy nhiên, sau khi có kết quả, cơ quan chức năng đã không thể xử phạt các cơ sở/chủ những lô thịt heo dính chất an thần.

Ông Nguyên cho biết trước đây do tiên lượng thịt heo chứa tồn dư thuốc này sẽ đưa ra thị trường tiêu thụ nên ngày 30-6-2016, Chi cục có công văn (số 691) gửi Bộ NN&PTNT và Cục Thú y (thuộc bộ này) đề nghị hướng dẫn xử lý động vật có sử dụng thuốc an thần với trường hợp thịt heo có dư lượng vượt quá giới hạn do Bộ quy định.

Ngày 6-7-2016, Cục Thú y có công văn trả lời với nội dung kết luận: “Như vậy, chỉ khi sản phẩm động vật (thịt heo - PV) có dư lượng hoạt chất gây mê vượt quá giới hạn theo quy định của Bộ Y tế thì buộc phải tiêu hủy sản phẩm động vật đó. Điều này hoàn toàn thống nhất với quy định tại điểm a Mục 1 Phụ lục 4 ban hành kèm theo Thông tư 09/2016 của Bộ NN&PTNT (động vật bị sử dụng thuốc an thần trước khi giết mổ mà dư lượng trong sản phẩm động vật vượt quá giới hạn do Bộ Y tế quy định buộc phải tiêu hủy)”.

Ngoài công văn trên của Cục Thú y, đến nay Bộ NN&PTNT chưa hề có công văn phản hồi nào về việc này.

Thịt heo được kinh doanh trong chợ đầu mối Hóc Môn, TP.HCM. Ảnh: TRẦN NGỌC

Không đủ cơ sở pháp lý xử phạt

Theo ông Nguyên, căn cứ nội dung trên của Cục Thú y thì cơ quan chức năng không thể dựa vào dư lượng tối đa thuốc gây mê để xử lý thịt heo nhiễm thuốc an thần. “Thuốc gây mê Azaperone và thuốc an thần Acepromazine không hoàn toàn giống nhau. Do vậy, không thể căn cứ giới hạn dư lượng thuốc gây mê làm cơ sở để xử lý thịt heo dính thuốc an thần” - ông Nguyên nói.

Trao đổi qua điện thoại với PV, ông Phạm Tiến Dũng, Trưởng phòng Thanh tra chuyên ngành Bộ NN&PTNT, cho rằng tác dụng của thuốc gây mê Azaperone và thuốc an thần Acepromazine khi sử dụng cho heo tương đối giống nhau. “Tuy nhiên, không đủ cơ sở pháp lý khi dựa vào giới hạn dư lượng thuốc gây mê để xử lý thịt heo tồn dư thuốc an thần” - ông Dũng nói.

“Vì sức khỏe người tiêu dùng, cơ quan chức năng nhanh chóng vào cuộc để ngăn chặn thực trạng thịt heo nhiễm thuốc an thần bày bán ngoài thị trường. Bộ Y tế cần sớm ban hành quy định giới hạn dư lượng thuốc an thần trong sản phẩm động vật (thịt heo, bò, gà… - PV) để cơ quan thẩm quyền có cơ sở xử lý sai phạm” - ông Dũng kiến nghị.

Kiến nghị tiêu hủy thịt heo dính chất an thần

Chiều 5-4, bà Phạm Khánh Phong Lan, Trưởng ban Quản lý an toàn thực phẩm (ATTP) TP.HCM, cho biết trước đây từng phát hiện 3.750 con heo sống dính thuốc an thần trong cơ sở giết mổ Xuyên Á (TP.HCM). Sau vụ này, Sở Tư pháp TP.HCM có công văn đề nghị các sở, ngành có liên quan đề xuất, kiến nghị sửa đổi, bổ sung quy định hiện hành về xử phạt đối với hành vi tiêm thuốc an thần cho heo trước khi đưa vào giết mổ.

“Trên tinh thần đó, Ban Quản lý ATTP TP.HCM kiến nghị sửa đổi điểm c khoản 13 Điều 20 Nghị định 90/2017 như sau: “Buộc tiêu hủy động vật, sản phẩm động vật nếu phát hiện tồn dư thuốc an thần”. Ngày 5-4, Ban Quản lý ATTP TP.HCM đã có công văn đề nghị UBND TP.HCM chỉ đạo cơ quan chức năng trên địa bàn TP tiêu hủy toàn bộ thịt heo nếu phát hiện tồn dư thuốc an thần.

“Phải quyết liệt thì mới cải thiện điều kiện ATTP trên địa bàn TP.HCM, người tiêu dùng mới an tâm sử dụng thịt heo. Không chỉ TP.HCM, các tỉnh cũng nên mạnh tay xử phạt tình trạng tiêm thuốc an thần cho heo trước khi đưa vào giết mổ. Trong kỳ họp Quốc hội sắp tới, tôi sẽ nêu vấn đề này để các đại biểu cho ý kiến” - bà Lan nói.

Ngăn thịt heo dính thuốc an thần ra thị trường

Như Pháp Luật TP.HCM đã thông tin, tất cả 17 lô hàng thịt heo dính chất an thần (qua lấy mẫu xét nghiệm kết luận) đều đã đưa ra thị trường tiêu thụ hết. Bởi khi lấy mẫu xét nghiệm, cơ quan chức năng đã không thể lưu kho những lô hàng này (để chờ có kết quả xét nghiệm).

Theo ông Khương Trần Phúc Nguyên, Trưởng phòng Thanh tra chuyên ngành Chi cục Chăn nuôi và Thú y TP.HCM, lẽ ra khi lấy mẫu thịt heo để kiểm tra dư lượng thuốc an thần thì toàn bộ lô hàng ấy phải giữ lại. “Nếu lô thịt heo nhiễm tồn dư thuốc an thần thì cơ quan chức năng dễ xử lý, sẽ cho tiêu hủy. Tuy nhiên, nếu lô hàng không nhiễm tồn dư thuốc an thần thì buộc cơ quan thẩm quyền phải bồi thường” - ông Nguyên nói.

Theo ông Nguyên, hiện Chính phủ cho phép TP.HCM thí điểm mô hình ATTP, Thủ tướng cũng đồng ý cho TP.HCM có cơ chế riêng. “Do vậy, theo tôi UBND TP.HCM cần xây dựng các kho lạnh để lưu trữ thịt heo xét nghiệm tồn dư thuốc an thần. Nếu lô thịt heo nhiễm thuốc an thần thì tiêu hủy, chủ hàng chịu tất cả chi phí. Nếu lô thịt heo không chứa tồn dư thuốc an thần thì ngân sách TP.HCM sẽ bồi thường cho chủ hàng” - ông Nguyên nêu quan điểm.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm