Ngày 27-2-2023, Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch tỉnh Thanh Hóa thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045 và nó thành công cụ quan trọng cho tỉnh hoạch định các định hướng phát triển kinh tế - xã hội, phân bố và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực...
Ông Đỗ Minh Tuấn, Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa đã có những chia sẻ tầm quan trọng của quy hoạch và các bước đi để hiện thực hóa các mục tiêu, từng bước đưa Thanh Hóa thành cực tăng trưởng kinh tế phía Bắc của Tổ quốc và trở thành tỉnh kiểu mẫu vào năm 2045 mà sinh thời Chủ tịch Hồ Chính Minh từng mong muốn.
Ông Đỗ Minh Tuấn Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa. |
Đảm bảo tính liên vùng, liên ngành, đồng bộ
. Phóng viên: Trước khi được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt quy hoạch tỉnh Thanh Hóa thì quá trình lập quy hoạch được Thanh Hóa thực hiện ra sao để đảm bảo tính chiến lược, lâu dài, xuyên suốt hành trình cho Thanh Hóa thực hiện hóa mục tiêu của mình thưa ông?
+ Ông Đỗ Minh Tuấn, Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa: Trước tiên phải khẳng định rằng, Quy hoạch tỉnh Thanh Hóa được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt đã mở ra thời kỳ bứt tốc phát triển mạnh mẽ hơn cho tỉnh Thanh Hóa ngay trong năm 2023.
Trong quá trình lãnh đạo, chỉ đạo điều hành phát triển kinh tế - xã hội, Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh luôn nhận thức sâu sắc rằng công tác quy hoạch là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu, tạo hành lang vững chắc cho sự phát triển bền vững của tỉnh.
Vì quy hoạch chất lượng tốt sẽ khai thác và phát huy được tiềm năng, thế mạnh của địa phương, thể hiện được khát vọng vươn lên sẽ giúp cho Thanh Hóa có được đường đi nhanh nhất, hiệu quả nhất để đạt mục tiêu đề ra.
Ngay từ khi Luật Quy hoạch có hiệu lực thi hành thì Thanh Hóa đã khẩn trương triển khai thực hiện với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị tham gia vào công tác lập quy hoạch.
Cụ thể, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã giao Ban Cán sự Đảng UBND tỉnh trực tiếp lãnh đạo UBND tỉnh khẩn trương thực hiện đầy đủ các bước, từ khâu xây dựng và trình phê duyệt nhiệm vụ đến việc tổ chức lập quy hoạch, tổ chức lấy ý kiến tham gia của nhiều ngành địa phương trước khi hoàn thiện và trình phê duyệt quy hoạch với phương châm làm đến đâu phải bảo đảm chất lượng và chắc chắn đến đó.
Mỗi bước trong bản Quy hoạch tỉnh Thanh Hóa tầm nhìn đến năm 2045 đều được Ban Thường vụ Tỉnh ủy, UBND tỉnh Thanh Hóa tổ chức nhiều hội nghị để cho ý kiến các vấn đề cốt lõi, có tính chất liên ngành, liên vùng để bảo đảm tính kết nối, đồng bộ, hiệu quả và khả thi của quy hoạch.
Đặc biệt, trong quá trình lập quy hoạch, các cấp, các ngành trong tỉnh theo chức năng, nhiệm vụ được giao, đã chủ động phối hợp chặt chẽ với các Bộ, ngành Trung ương, các tỉnh, thành phố trong khu vực Bắc Trung bộ, các tỉnh lân cận và các tỉnh là cực tăng trưởng ở phía Bắc của Tổ quốc để tham gia đóng góp ý kiến vào dự thảo.
Một góc thành phố Thanh Hóa hiện tại. Ảnh: ĐẶNG TRUNG |
Phối hợp chặt chẽ với Bộ KH-ĐT, Văn phòng Chính phủ tổ chức các hội nghị, hội thảo tham vấn ý kiến các nhà khoa học, các chuyên gia để hoàn thiện quy hoạch, làm cơ sở trình Hội đồng thẩm định quy hoạch tỉnh thông qua.
Đến ngày 27-2-2023, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Quy hoạch tỉnh theo quy định của Luật Quy hoạch và là tỉnh thứ 4 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt quy hoạch tỉnh.
"Xương sống" cho các ngành lĩnh vực phát triển
. Tầm quan trọng Quy hoạch của Thủ tướng Chính phủ sẽ có tác động lớn như thế nào với Thanh Hóa trong thời gian tới thưa ông?
+ Việc Thủ tướng Chính phủ chính thức phê duyệt Quy hoạch tỉnh Thanh Hóa thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045 có ý nghĩa hết sức quan trọng đối với sự phát triển của tỉnh Thanh Hóa.
Trong quá trình phát triển của mỗi địa phương, vùng kinh tế và của cả quốc gia, quy hoạch là công cụ quan trọng để hoạch định các định hướng phát triển không gian kinh tế - xã hội, phân bố và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực cho phát triển.
Đây là quy hoạch tích hợp đầu tiên được ban hành theo phương pháp tiếp cận mới, với những nội dung hết sức quan trọng, bao gồm quan điểm, mục tiêu tổng quát, mục tiêu chủ yếu, định hướng phát triển các ngành kinh tế quan trọng, định hướng phát triển không gian lãnh thổ, định hướng phát triển kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội đến định hướng sử dụng đất, bảo vệ môi trường và phát triển bền vững.
Tầm quan trọng nhất của Quy hoạch là đã tạo ra khung pháp lý cao nhất, khái quát nhất, là “xương sống” để các ngành, các lĩnh vực của tỉnh phát triển.
Trên cơ sở quy hoạch tỉnh được phê duyệt, các chương trình, đề án, kế hoạch phát triển các ngành, lĩnh vực, các quy hoạch có tính chất chuyên ngành sẽ tiếp tục được rà soát, điều chỉnh hoặc lập mới để bảo đảm tính thống nhất, khoa học, bền vững, làm căn cứ để huy động nguồn lực nhằm hiện thực hóa các mục tiêu của Quy hoạch.
Quy hoạch tỉnh đã thống nhất, đồng bộ với chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của cả nước, chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh và phát triển bền vững; đồng thời, đã kế thừa đầy đủ, sáng tạo các quan điểm, định hướng phát triển của Nghị quyết số 58-NQ/TW ngày 05/8/2020 của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển tỉnh Thanh Hóa đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, bảo đảm sự thống nhất trong lãnh đạo, chỉ đạo để xây dựng và phát triển tỉnh Thanh Hóa trở thành một trong những trung tâm lớn của khu vực và cả nước.
Thanh Hóa có hạ tầng giao thông đồng bộ góp phần quan trọng đưa Thanh Hóa phát triển nhanh bền vững. Ảnh: ĐẶNG TRUNG |
Trước mắt là đưa Thanh Hóa thành một cực tăng trưởng mới, cùng với Hà Nội – Hải Phòng – Quảng Ninh tạo thành tứ giác phát triển ở phía Bắc của Tổ quốc.
Chính vì vậy, quy hoạch này không chỉ có ý nghĩa riêng đối với sự phát triển của tỉnh Thanh Hóa mà còn có ý nghĩa với khu vực và cả nước, góp phần vào sự phát triển chung của đất nước trong thời gian tới.
Quy hoạch tích hợp 3 ngành quan trọng, 3 khâu đột phá
. Quy hoạch tỉnh là quy hoạch tích hợp tất cả các ngành, lĩnh vực, các hoạt động kinh tế - xã hội của tỉnh. Vậy có những tư duy đột phá, tầm nhìn chiến lược nào được thể hiện trong Quy hoạch tỉnh Thanh Hóa thưa ông?
+ Đối với Quy hoạch tỉnh được phê duyệt lần này, tư duy đột phá được thể hiện trước hết ở ngay các bước triển khai lập quy hoạch cũng như trong nội dung của từng hợp phần được tích hợp trong quy hoạch.
Trong khâu tổ chức lập quy hoạch, tỉnh đã huy động sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, mỗi cấp, mỗi ngành có trách nhiệm hoạch định, cụ thể hóa phương hướng phát triển của ngành, lĩnh vực mình trên cơ sở các quan điểm, chủ trương phát triển đã được xác định theo tinh thần Nghị quyết số 58-NQ/TW của Bộ Chính trị, đồng thời phải phù hợp với điều kiện thực tiễn mới của tỉnh, của đất nước và quốc tế.
Với phạm vi, đối tượng quy hoạch rộng, để bảo đảm sự linh hoạt trong chỉ đạo, điều hành, chỉ những nội dung thực sự cần thiết, bảo đảm cho việc thực hiện chức năng quản lý nhà nước về kinh tế - xã hội, quốc phòng – an ninh mới được tích hợp vào quy hoạch, các nội dung khác sẽ được vận hành theo quy luật kinh tế thị trường có sự quản lý của Nhà nước.
Do đó, quy hoạch tỉnh được phê duyệt lần này đã bảo đảm sự thống nhất, đồng bộ nhưng vẫn có sự linh hoạt trong quá trình triển khai thực hiện.
Tính đột phá, tầm nhìn chiến lược của Quy hoạch tỉnh còn được thể hiện trong từng nội dung của quy hoạch, đó là việc mạnh dạn xác định các quan điểm, mục tiêu phát triển có tính phấn đấu rất cao, đòi hỏi sự đoàn kết, ý chí khát vọng vươn lên của cả hệ thống chính trị và các tầng lớp Nhân dân thì mới thực hiện được.
Nhấn mạnh đến yếu tố phát triển không gian lãnh thổ như là điểm mới, khác biệt, có tính đột phá chiến lược, Quy hoạch tỉnh đã xác định cụ thể không gian phát triển cho từng ngành, lĩnh vực, xác định các hành lang kinh tế, vùng động lực phát triển cho cả thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045. Trên cơ sở phát huy tiềm năng, lợi thế sẵn có và cơ hội nổi trội, khác biệt, Quy hoạch tỉnh đã xác định 3 ngành quan trọng và 3 khâu đột phá chiến lược.
Một góc huyện biên giới Mường Lát. Ảnh: ĐẶNG TRUNG |
Cụ thể 3 ngành quan trọng gồm: Phát triển mạnh công nghiệp chế biến chế tạo, đưa Thanh Hóa trở thành một trong những trung tâm lớn của vùng và cả nước về công nghiệp chế biến, chế tạo, làm nền tảng để chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa.
Phát triển nông nghiệp theo các mô hình nông nghiệp quy mô lớn, ứng dụng công nghệ hiện đại, giá trị gia tăng cao, gắn kết chặt chẽ với chuỗi giá trị để nâng cao hiệu quả sản xuất nông nghiệp.
Phát triển du lịch với các sản phẩm du lịch có chất lượng cao, khẳng định thương hiệu và khả năng cạnh tranh với 03 loại hình chính là du lịch biển, du lịch sinh thái cộng đồng, du lịch văn hóa; đưa Thanh Hóa trở thành trung tâm lớn về du lịch của cả nước.
Thành phố biển Sầm Sơn nhìn từ trên cao. Ảnh: ĐẶNG TRUNG |
Ba khâu đột phá gồm: Hoàn thiện đồng bộ thể chế phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức uy tín, trách nhiệm, tận tụy với công việc.
Huy động, sử dụng hiệu quả, tiết kiệm mọi nguồn lực cho phát triển kết cấu hạ tầng.
Phát triển nguồn nhân lực, đẩy mạnh nghiên cứu, ứng dụng, chuyển giao và phát triển mạnh mẽ khoa học - công nghệ, đổi mới sáng tạo.
Thanh Hóa bứt tốc, phát triển toàn diện
. Vậy tỉnh Thanh Hóa sẽ cụ thể hóa các nội dung, cũng như triển khai thực hiện có hiệu quả Quy hoạch tỉnh Thanh Hóa trong thời gian tới ra sao thưa ông?
+ Để triển khai thực hiện có hiệu quả quy hoạch, sớm hiện thực hóa các mục tiêu, nhiệm vụ đề ra trong Quy hoạch tỉnh, công việc đầu tiên cần thực hiện là tỉnh sẽ tổ chức hội nghị công bố và quán triệt các nội dung chính, cốt lõi của Quy hoạch tỉnh đến tất cả các cấp, các ngành, các huyện, thị xã, thành phố.
Tỉnh sẽ phối hợp chặt chẽ với các cơ quan thông tin, báo chí đăng tải rộng rãi các điểm chính, cốt lõi của quy hoạch tỉnh để phổ biến, phổ cập đến các tầng lớp Nhân dân, cộng đồng doanh nghiệp nhằm tạo sự thống nhất trong nhận thức, đồng thuận trong tổ chức thực hiện, tạo cơ sở vững chắc để triển khai các bước tiếp theo.
Sau hội nghị công bố quy hoạch, tỉnh sẽ ban hành Kế hoạch thực hiện Quy hoạch tỉnh để bảo đảm sự triển khai đồng bộ, nhịp nhàng giữa các cấp, các ngành.
Kế hoạch phải xác định rõ nhiệm vụ, giao trách nhiệm cho từng cấp, từng ngành, có lộ trình, thời gian thực hiện cụ thể gắn với từng sản phẩm cụ thể, làm cơ sở để lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện. Quy hoạch tỉnh thực sự trở thành một động lực đưa kinh tế Thanh Hóa bứt tốc phát triển nhanh và bền vững.
Khu kinh tế Nghi Sơn. Ảnh: ĐẶNG TRUNG |
Vì thế, tỉnh sẽ sớm cụ thể hóa các quy hoạch có tính chất chuyên ngành tập trung đẩy mạnh kêu gọi, thu hút đầu tư các nguồn lực để thực hiện quy hoạch, ưu tiên các nguồn lực sẵn có để đẩy mạnh phát triển kết cấu hạ tầng, giải phóng mặt bằng, tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà đầu tư khi đến với tỉnh; nghiên cứu ban hành các cơ chế, chính sách mới phù hợp với từng giai đoạn, thời kỳ phát triển để huy động hiệu quả các nguồn lực.
Việc quản lý thực hiện theo quy hoạch sẽ nâng cao hơn nữa chất lượng, hiệu quả công tác quản lý quy hoạch, việc này vừa để bảo đảm quy hoạch được triển khai trong thực tế, vừa tránh lãng phí nguồn lực vì không thực hiện theo quy hoạch.
Cực tăng trưởng mới
Bản quy hoạch mới đặt ra mục tiêu, đưa Thanh Hóa trở thành một trong những trung tâm lớn của khu vực và cả nước về công nghiệp nặng, công nghiệp năng lượng, chế biến, chế tạo nông nghiệp quy mô lớn…
Đến năm 2025, Thanh Hóa trong nhóm các tỉnh dẫn đầu cả nước
- một cực tăng trưởng mới có nền kinh tế phát triển nhanh bền vững, cùng với Hà Nội, Hải Phòng, Quảng Ninh tạo thành tứ giác phát triển với GRDP là 4.200 USD/người.
Năm 2030 trở thành tỉnh Công nghiệp hiện đại, người dân có mức sống cao hơn bình quân cả nước quốc phòng, an ninh bảo đảm vững chắc, giữ vững trật tự xã hội, GRDP đạt 7.850 USD/người.
Đến năm 2045, Thanh Hóa trở thành tỉnh giàu đẹp, văn minh và hiện đại, tỉnh phát triển toàn diện và kiểu mẫu của cả nước dựa trên nền kinh tế số, kinh tế tri thức sáng tạo, ngành công nghiệp thân thiện với môi trường, hệ thống kết cấu hạ tầng thông minh tương thích với công dân thông minh.
Về tổ chức đô thị toàn tỉnh Thanh Hóa có 47 đô thị vào năm 2025, trong đó có 1 thành phố đô thị loại I và 2 thành phố đô thị loại III, 1 đô thị loại IV và 43 đô thị loại V…